Những năm gần đây, xuất khẩu (XK) rau quả liên tục ghi nhận tốc độ tăng trưởng khá tích cực. Nếu làm tốt khâu thị trường, đặc biệt là đẩy mạnh chế biến, con số ngoại tệ mà XK rau quả đem về trong vài năm tới được dự báo gấp đôi, thậm chí có thể gấp ba lần hiện tại.
Hơn 90% xuất khẩu thô
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT): 11 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu rau quả ước đạt 3,5 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2017. Dự kiến, cả năm 2018, XK rau quả sẽ đạt trên 4 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 10% so với năm 2017, tuy nhiên con số này còn kém xa mức tăng trưởng XK hơn 40% của năm 2017.
Trung Quốc vẫn đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm với 73,8% thị phần. Giá trị XK rau quả đạt 2,41 tỷ USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2017.
Xuất khẩu rau quả có thể đạt con số 4 tỷ USD trong năm 2018 .ảnh: Thanh Nguyên
Tuy nhiên, một bất ổn về mặt thị trường cũng nhìn thấy rất rõ là, hiện tại, giá bưởi da xanh, sầu riêng đang giảm mạnh. Một trong những nguyên nhân là do thị trường Trung Quốc không “ăn” hàng, sầu riêng cũng chưa được phép XK chính thức vào Trung Quốc. Với những khó khăn từ thị trường Trung Quốc, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo: Giá trị XK rau quả năm 2018 sẽ có tốc độ tăng trưởng khoảng 10% so với năm trước, thấp hơn nhiều so với con số 42,4% của năm 2017.
Tăng trưởng XK đều đặn, đem về nhiều tỷ USD, tuy nhiên, nhìn sâu vào cơ cấu mặt hàng rau quả XK lại thấy không ít điều phải bàn. Đó là hiện nay, Việt Nam vẫn chủ yếu XK rau quả thô hoặc sơ chế. Tỷ trọng mặt hàng này chiếm tới trên 90% tổng rau quả XK. Các loại rau quả đã qua chế biến XK chỉ chiếm tỷ trọng vỏn vẹn dưới 10%.
Chế biến để “vượt rào” cản kỹ thuật
Một số chuyên gia nhận định: Việc Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) là cơ hội rất tốt để
Bộ NNPTNT sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại lĩnh vực công nghiệp chế biến, bảo quản và giảm tổn thất sau thu hoạch; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh, chế biến sản phẩm ăn liền để nâng cao giá trị gia tăng…”. Ông Nguyễn Văn Việt – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NNPTNT) |
thúc đẩy XK mặt hàng rau quả của Việt Nam. Theo ông Hồng, với các FTA, Việt Nam được tự do XK hàng hóa sang các thị trường khác và ngược lại. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng mà XK rau quả phải đối mặt là các hàng rào kỹ thuật. Về mặt giải pháp, nếu có thể đẩy mạnh chế biến, XK rau quả gần như sẽ vượt được 2 hàng rào kỹ thuật căn bản mà Việt Nam đang rất yếu là kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm.
“Kiểm dịch thực vật yêu cầu rất tuyệt đối. Nhiều trường hợp, cả tàu hàng chỉ cần bị phát hiện 1 con sâu là nước nhập khẩu sẽ yêu cầu tái xuất. Thậm chí nếu phát hiện cá thể được coi là đối tượng kiểm dịch thực vật đã chết, nước nhập khẩu cũng không cho phép nhập hàng vào. Rau quả đã qua chế biến khi XK sẽ vượt qua được hàng rào kiểm dịch thực vật này. Bên cạnh đó, sản phẩm đã qua chế biến, các nước nhập khẩu cũng không nghiêm ngặt về vấn đề kiểm tra an toàn thực phẩm giống sản phẩm tươi” – ông Hồng nói.
Xoay quanh vấn đề này, một số chuyên gia nêu quan điểm: Hiện nay, lượng DN đầu tư vào chế biến rau quả ở Việt Nam còn rất ít. Lý do là bởi Việt Nam chưa hình thành được những vùng chuyên canh, thâm canh lớn, tập trung. DN khi đã đầu tư máy móc cần số lượng nguyên liệu chế biến khá nhiều.
Về điểm này, ông Hồng cho rằng: “Đầu tư chế biến rau quả, điển hình là ép nước trái cây công nghệ khá đơn giản. Tuy nhiên, mấu chốt là Nhà nước phải có chính sách đủ mạnh để thu hút DN, tạo điều kiện cho DN về vấn đề mặt bằng, đất đai, xây dựng vùng chuyên canh…”.