Mỗi học sinh Gia Lai có một mã số định danh duy nhất suốt 12 năm học phổ thông, sổ học bạ điện tử, tuyển sinh online… là những đồng bộ của ngành giáo dục địa phương vùng cao này trong quản lý trường học.

Sau ba năm thí điểm, thực hiện xây dựng hệ thống Giáo dục thông minh với Viettel, ứng dụng phần mềm quản lý trường học SMAS, ngành giáo dục tỉnh Gia Lai đã có những thay đổi lớn trong quản lý, điều mà ngay cả những thành phố lớn cũng chưa làm được.

Từ “vùng trời riêng”đến một nền tảng thống nhất

Việc quản lý trường học bằng các ứng dụng CNTT đã được triển khai tại tỉnh Gia Lai từ nhiều năm trước với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp cùng nhiều phần mềm khác nhau. Tuy nhiên, tất cả các doanh nghiệp triển khai các ứng dụng CNTT trong quản lý trường học chỉ triển khai ở khu vực trung tâm chứ không vào các khu vực vùng sâu, vùng xa.

Gia Lai: 100% học sinh sử dụng học bạ điện tử

Bên cạnh đó, các phần mềm khác nhau không thể kết nối được với nhau. Việc này tạo ra những “vùng trời riêng” của từng trường khiến dữ liệu vẫn bị cô lập ở từng cơ sở giáo dục. Phòng GD&ĐT và Sở GD&ĐT không thống kê và tổng hợp được số liệu phục vụ cho công tác quản lý.

Do vậy, dù đã áp dụng công nghệ thông tin nhưng các cơ quan quản lý vẫn mất nhiều thời gian làm bằng tay để tổng hợp dữ liệu báo cáo. Nếu là một báo cáo tổng hợp từ các trường, việc thực hiện mất tới vài tuần. Đặc biệt, bất cập thể hiện rõ rệt khi cách đánh giá bằng điểm số của các trường học không đồng bộ, việc đánh giá học sinh còn hạn chế.

Nhận thấy cần phải xây dựng một hệ thống thống nhất, liên thông giữa các trường, Sở GD&ĐT Gia Lai triển khai ký kết thỏa thuận hợp tác xây dựng hệ thống Giáo dục thông minh với Viettel nhằm triển khai, thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy – học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”.

Nhờ sự hỗ trợ từ Tập đoàn Viettel mọi việc đã thay đổi, các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh được kết nối với nhau, nhanh chóng tạo ra một nền tảng chung. Trong thời gian triển khai, nếu huyện nào có khả năng tự kết nối với phần mềm đang dùng Sở vẫn chấp nhận.Tuy nhiên, nếu việc báo cáo luôn chậm do không đồng bộ, chậm kết nối số liệu thì huyện sẽ tự đề nghị điều chỉnh. Đặc biệt, những huyện vùng sâu vùng xa vốn “trắng” ứng dụng CNTT trong giáo dục giờ cũng được phổ cập 100%, và hộ nghèo còn được hỗ trợ chi phí nhắn tin.

Thành quả của quản lý giáo dục 4.0

Nhờ việc áp dụng phần mềm SMAS, giáo viên giảm tối đa thời gian chấm bài, chấm điểm, sao chép bảng điểm, họp hành, tổng kết số liệu. Phần mềm SMAS tự động gửi tin nhắn điểm số của học sinh cho phụ huynh khi hoàn thiện, làm tăng sự giám sát, kết nối của phụ huynh. Điểm mới này được cha mẹ rất hài lòng và ủng hộ.

Ngoài ra, công tác quản lý của hiệu trưởng và Phòng, Sở thuận tiện khi có thể giám sát từng bài kiểm tra đã thực hiện chưa, chấm điểm thế nào, tuyệt đối không thể sửa chữa hay gian lận trong điểm số.

Chưa hết, Sở Giáo dục Gia Lai đang áp dụng công nghệ 4.0 trong tuyển sinh đầu cấp trực tuyến. Thí sinh nộp hồ sơ online, hiệu trưởng xét duyệt sau đó phần mềm sẽ tự động trả kết quả. Mỗi học sinh có một mã số định danh duy nhất. Học bạ online giúp thống kê học lực, đạo đức của học sinh từ mầm non đến lớp 12 thống nhất.

Những kết quả trên góp phần giảm áp lực cho thầy cô giáo, giúp học sinh cập nhật công nghệ để tự tin bước vào cuộc sống, công tác hành chính được cải cách gọn nhẹ.

Ngoài ra, Sở GD&ĐT Gia Lai đã trang bị phần mềm hỗ trợ soạn giảng E-Learning, ngân hàng đề thi trực tuyến và đang tập huấn trang bị hệ thống học tập trực tuyến LMS (Learning Management System) cho các trường.

Có được những kết quả như trên là đáng ngạc nhiên khi Gia Lai là địa phương vùng cao có diện tích lớn thứ hai cả nước, ít dân cư nhưng có đến 34 dân tộc cùng chung sống. Với một địa phương diện tích rộng, nhiều địa bàn kinh tế khó khăn, hiểm trở mà việc ứng dụng CNTT trong quản lý giáo dục đạt tỷ lệ 100% là một nỗ lực lớn, mà một trong những chất xúc tác về hạ tầng là Tập đoàn Viettel.

Đơn vị này đã đảm bảo việc Internet được kết nối miễn phí từ vùng xa xôi nhất như xã Hà Đông, huyện Đak Đoa đến trung tâm thành phố. Và sau đó, Viettel cũng dựng lên hệ thống quản lý trường học SMAS trên toàn tỉnh, đồng thời miễn phí cho hộ nghèo về tin nhắn.

Chiến lược đúng về ứng dụng CNTT của Sở Giáo dục Gia Lai, cộng với một đơn vị triển khai có kinh nghiệm và tiềm lực mạnh chính là những yếu tố nền tảng tạo nên sự thành công bước đầu cho quản lý giáo dục 4.0 tại tỉnh vùng cao này.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : CNTTGia Laihọc bạ điện tửhọc sinh

Các tin liên quan đến bài viết