15% quý ông vẫn hoạt động chăn gối bình thường nhưng “xuất trận không quân”.
PGS.TS Nguyễn Quang, Giám đốc Trung tâm Nam học, BV Hữu nghị Việt Đức cho biết, trung tâm liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp nam giới bị giãn tĩnh mạch tinh.
Mới nhất, bệnh nhân nam 34 tuổi ở Nghệ An đến khám do lấy vợ 5 năm chưa có con. Kết quả tinh dịch đồ không có tinh trùng, tinh hoàn, mào tinh hoàn 2 bên căng, tuy nhiên ống dẫn tinh bị xẹp.
Khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết từng điều trị viêm mào tinh hoàn 2 bên cách đây 3 năm. Đến đầu năm 2018, tiếp tục mổ giãn tĩnh mạch tinh trái.
TS Quang cho biết, trường hợp bệnh nhân này bị vô sinh do tắc mào tinh hoàn 2 bên và giãn tĩnh mạch tinh. Bác sĩ chỉ định phẫu thuật, sau 7 ngày, sức khoẻ bệnh nhân ổn định, bác sĩ hẹn khám lại sau 1 tháng để làm xét nghiệm tinh dịch đồ.
Ở giai đoạn nặng, các búi tĩnh mạch bị giãn căng, nằm ngoằn ngoèo dưới bìu |
Giãn tĩnh mạch tinh là tình trạng tĩnh mạch nằm trên tinh hoàn bị xoắn giãn một cách bất thường (thông thường đường kính 2mm) khiến cho tinh hoàn bị chảy xệ. Bệnh thường xảy ra ở bên tinh hoàn trái, với tỉ lệ 80%.
Bệnh hình thành là do van tĩnh mạch bị khiếm khuyết, máu trong tĩnh mạch không thể đi từ tinh hoàn xuống ổ bụng như thông thường mà chảy ngược từ ổ bụng vào trong bìu. Từ đó cản trở sự phát triển của tinh hoàn, làm tinh trùng bị rối loạn, tinh hoàn dần nhỏ đi dẫn tới giảm tinh trùng và không có tinh trùng.
Theo thống kê của tổ chức Y tế thế giới, có tới 15% nam giới bị giãn tĩnh mạch tinh. Tuy nhiên ở các giai đoạn 0-2 thường không có các dấu hiệu cụ thể. Chỉ đến khi giãn đến độ 3 – mức độ nặng nhất, bệnh nhân mới có triệu chứng đau, cảm giác nặng và khó chịu vùng bìu đồng thời nhìn thấy rõ các búi mạch bị giãn, nằm ngoằn ngoèo như búi giun. Tùy từng giai đoạn bệnh, tỉ lệ tinh trùng sẽ suy giảm theo, ở giai đoạn cuối, xét nghiệm sẽ không thấy tinh trùng trong tinh dịch.
Theo TS Quang, giãn tĩnh mạch tinh là nguyên nhân hàng đầu khiến nam giới vô sinh, hiếm muộn, trong đó gây ra 15-25% các trường hợp vô sinh nam nguyên phát và 75-81% vô sinh nam thứ phát.
Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên hiếm khi xuất hiện trước tuổi dậy thì, phổ biến nhất ở nhóm nam giới trưởng thành.
Có nhiều yếu tố và nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch tinh như: Cơ địa của người bệnh, sự hoạt động bất thường của mạch máu và hệ thống van tĩnh mạch của tinh hoàn, những người thường xuyên phải đứng hoặc ngồi quá nhiều trong quá trình làm việc cũng có nguy cơ cao.
Với giãn tĩnh mạch tinh, chữa nội khoa hầu như không thấy kết quả. Phương pháp chủ yếu là can thiệp phẫu thuật thắt tĩnh mạch tinh nhằm tránh trào ngược máu từ tĩnh mạch thận vào đám rối tĩnh mạch tinh. Có nhiều phương pháp phẫu thuật: Mổ mở, mổ nội soi, vi phẫu thuật.
Theo thống kê, sau phẫu thuật, những trường hợp bệnh nhân có chất lượng tinh trùng giảm cả thiện được 70%, ở những trường hợp không có tinh trùng có thể nâng cao khả năng có con tự nhiên lên 50%.
Để dự phòng giãn tĩnh mạch tinh, nam giới nên tích cực vận động, hạn chế rượu bia, thuốc lá, không mặc quần áo quá chật, hạn chế tối đa thủ dâm và thường xuyên khám sức khoẻ định kỳ.
Nguồn: vietnamnet