Từ tháng 12/2018, nhiều chính sách mới liên quan tới tiền lương, phụ cấp, bảo hiểm y tế… ảnh hưởng tới nhiều công chức, giáo viên, người dân sẽ có hiệu lực.

Quy định mới về tiền lương ngày nghỉ lễ

Theo Nghị định 148/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 05/2015/NĐ-CP tiền lương làm căn cứ để trả cho người lao động trong ngày nghỉ hàng năm, ngày nghỉ hàng năm tăng thêm theo thâm niên, ngày nghỉ lễ, Tết và ngày nghỉ việc riêng có hưởng lương.

Cụ thể, trong các ngày nghỉ nêu trên, tiền lương được tính như sau: Tiền lương theo hợp đồng lao động chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của người sử dụng lao động, nhân với số ngày ngày lao động nghỉ.

Trước đây, tại Nghị định 05/2015/NĐ-CP, tiền lương ghi trong hợp đồng lao động được quy định cụ thể là tiền lương của tháng trước liền kề.

Nghị định 148/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/12/2018.

Điều chỉnh lương hưu cho lao động nữ 

Nghị định 153/2018/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 24/12/2018 quy định chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ năm 2018 đến năm 2021 có thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) từ đủ 20 năm đến 29 năm 06 tháng.

Quy định mới về tiền lương, BHYT có hiệu lực: Vạn người hưởng lợi
Lao động nữ nghỉ hưu sẽ có cách tính lương hưu mới.

Mức điều chỉnh sẽ được tính bằng mức lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 tại thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu nhân với tỷ lệ điều chỉnh tương ứng với thời gian đã đóng BHXH và thời điểm hưởng lương hưu.

Cụ thể:

– Nếu nghỉ hưu năm 2018, tỷ lệ điều chỉnh cao nhất là 12,3%; thấp nhất là 1,08%, tùy thuộc vào thời gian đã đóng BHXH.

– Nếu nghỉ hưu năm 2019, tỷ lệ điều chỉnh cao nhất là 9,23%, thấp nhất là 0,81%, tùy thuộc vào thời gian đã đóng BHXH….

Người lao động nước ngoài phải đóng 8% BHXH bắt buộc

Chính phủ đã ban hành Nghị định 143/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Theo đó, từ ngày 01/01/2022, hàng tháng người lao động nước ngoài đóng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó, thời gian này không được tính để hưởng BHXH.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2018.

Hướng dẫn xếp lương với công chức quản lý doanh nghiệp Nhà nước

Thông tư 13/2018/TT-BNV sửa đổi khoản 8 mục III Thông tư 79/2005/TT-BNV là hướng dẫn xếp lương đối với người giữ chức danh, chức vụ tại công ty TNHH một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được bầu cử, tuyển dụng, bổ nhiệm làm cán bộ, công chức, viên chức.

Quy định mới về tiền lương, BHYT có hiệu lực: Vạn người hưởng lợi

Theo đó, xếp lương ngạch chuyên viên cao cấp hoặc ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức tương đương chuyên viên cao cấp đối với người đã có thời gian xếp lương ở ngạch này hoặc người đáp ứng đủ một số điều kiện.

Các trường hợp còn lại được xếp lương ngạch chuyên viên hoặc ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức tương đương ngạch chuyên viên.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 05/12/2018.

Quy định mới về chế độ phụ cấp ưu đãi với giáo viên trường công lập

Ngày 25/10/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 27/2018/TT-BGDĐT sửa đổi một số Thông tư liên tịch về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập.

Cụ thể, giáo viên đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập ngoài việc được xếp vào các ngạch viên chức chuyên ngành giáo dục, đào tạo (các ngạch có 02 chữ số đầu của mã số ngạch là 15) như quy định trước đây tại Thông tư liên tịch 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH, còn có thể được xếp vào các hạng viên chức chuyên ngành giáo dục, đào tạo (các hạng có các ký tự đầu của mã số hạng là V.07).

Riêng đối tượng giáo viên thuộc biên chế trả lương của các cơ sở giáo dục công lập làm nhiệm vụ Tổng phụ trách đội, hướng dẫn thực hành… thì không nhất thiết phải xếp vào các ngạch viên chức chuyên ngành giáo dục, đào tạo hoặc các hạng viên chức chuyên ngành giáo dục, đào tạo.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 10/12/2018.

Năm trường hợp được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh

Đây là một trong những nội dung được nêu tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/12/2018 quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Quy định mới về tiền lương, BHYT có hiệu lực: Vạn người hưởng lợi

Theo Nghị định, hỗ trợ 100% chi phí khám chữa bệnh (KCB) đối với 5 trường hợp, trong đó có:

Hỗ trợ 100% chi phí KCB đối với người có công với cách mạng; người được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng;

Hỗ trợ 100% chi phí KCB đối với người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn…;

Hỗ trợ 100% chi phí KCB tại tuyến xã

Hỗ trợ 100% chi phí KCB đối với các trường hợp chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% lương cơ sở.

Đối với các trường hợp khác, mức hưởng bảo hiểm y tế chỉ từ 80 – 95%.

Bổ sung thêm nhóm đối tượng tham gia BHYT

Nghị định146/2018/NĐ-CP cũng bổ sung thêm nhóm đối tượng tham gia BHYT do người sử dụng lao động đóng gồm:

– Thân nhân của công nhân, viên chức quốc phòng đang phục vụ trong Quân đội.
– Thân nhân của công nhân công an đang phục vụ trong Công an nhân dân.
– Thân nhân của người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu.

Cụ thể, thân nhân của các nhóm đối tượng trên bao gồm:
– Cha đẻ, mẹ đẻ; cha đẻ, mẹ đẻ của vợ hoặc chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp của bản thân, của vợ hoặc của chồng.
– Vợ hoặc chồng.
– Con đẻ, con nuôi hợp pháp từ trên 6 tuổi đến dưới 18 tuổi; con đẻ, con nuôi hợp pháp từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học phổ thông.

Vay vốn trồng cây lâu năm được thỏa thuận ân hạn nợ gốc

Đây là nội dung đáng chú ý được Ngân hàng Nhà nước nêu tại Thông tư 25/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 10/2015/TT-NHNN hướng dẫn Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Trường hợp khách hàng vay để trồng, chăm sóc, tái canh cây lâu năm, khách hàng và tổ chức tín dụng được thỏa thuận thời gian ân hạn nợ gốc và lãi phù hợp với giai đoạn kiến thiết của cây trồng lâu năm.

Theo đó, thời gian ân hạn là khoảng thời gian tính từ khi tổ chức tín dụng bắt đầu giải ngân vốn vay đến khi khách hàng bắt đầu trả nợ gốc và lãi được thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 10/12/2018.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : BHXHBHYTlao động nữlương hưu

Các tin liên quan đến bài viết