Dù bị Ngân hàng Nhà nước nhiều lần thanh tra, nhưng Bình và các nhân viên vẫn tìm cách “qua mặt” một cách ngoạn mục, che dấu thành công số tiền âm quỹ nhiều ngàn tỉ đồng.

Nhằm làm rõ hơn hành vi chiếm đoạt hơn 2.000 tỉ đồng bằng hình thức liên tục tăng vốn điều lệ, chủ tọa đưa ra câu hỏi đối với Trần Phương Bình về mục đích sử dụng số tiền này, Trần Phương Bình thừa nhận có việc tăng vốn điều lệ để lấy hơn 2.000 tỉ của DAB nhưng theo bị cáo, toàn bộ số tiền này nằm hết ở lượng cổ phần mà bị cáo và người thân đứng tên tại DAB.

Về việc chia cổ tức, bị cáo Bình cho hay, tùy vào thời điểm và tùy vào quy định của Ngân hàng Nhà nước, số tiền chia cổ tức cho cổ đông cũng thay đổi, có năm lên tới 40%, năm thấp nhất là 8%. Toàn bộ số tiền được chuyển cho cổ đông thông qua tài khoản ATM, cổ đông nào không nhận qua thẻ thì nhận tiền mặt.

Trần Phương Bình ‘qua mặt’ Ngân hàng Nhà nước như thế nào?
Bị cáo Trần Phương Bình. 

Bị cáo Bình thừa nhận đã nhờ người thân mua cổ phần và khi cổ tức chuyển vào tài khoản của họ thì 1-2 ngày sau họ chuyển trả lại cho bị cáo.

Một loạt hành vi sai phạm của Trần Phương Bình như: xuất quỹ chi sai nguyên tắc để mua 74,2 triệu cổ phần DAB, xuất quỹ để mua 13,9 triệu USD chuyển cho Vũ “nhôm”, mua cổ phần DAB và rút 358,8 tỷ đồng của DAB để sử dụng cá nhân, xuất quỹ sai nguyên tắc để chi lãi ngoài, tất toán khống, thu khống các khoản vay, xuất khẩu vàng trái phép…đã khiến DAB bị âm quỹ 25.451 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến tận năm 2014, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu thanh tra toàn diện DAB thì vụ việc mới vỡ lở. Kết quả điều tra cho thấy, hành vi trên đã khiến DAB thiệt hại 3.608 tỷ đồng.

Theo bị cáo Bình, trước khi vụ việc bị vỡ lở, có năm Ngân hàng Nhà nước không thanh tra hoặc thanh tra không toàn diện. Về thanh tra quỹ thực tế, trước năm 2014 ông Bình không nhớ rõ là có thanh tra hay không.

Cũng theo lời khai của Trần Phương Bình, mỗi khi tiến hành thanh tra, Ngân hàng Nhà nước báo trước vài ngày để DAB chuẩn bị nội dung cho việc thanh tra.

Khi nhận được thông báo, nếu thấy có nội dung liên quan hoạt động ngân quỹ, Bình sẽ chỉ đạo các nhân viên phải che dấu sai phạm bằng việc điều chuyển các khoản khống tới các chi nhánh khác, nơi Ngân hàng Nhà nước không thanh tra.

Trước lời khai của bị cáo, HĐXX đưa ra câu hỏi, việc thanh tra sẽ kiểm tra thực tế, so sánh sổ sách kế toán, nhưng Ngân hàng Nhà nước lại không phát hiện ra số tiền âm quỹ quá lớn, theo bị cáo Ngân hàng Nhà nước đã làm đúng và hết trách nhiệm chưa?

Bị cáo bình ngập ngừng rồi trả lời: “Điều này bị cáo không có ý kiến”.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : DABtài khoản ATMTrần Phương BìnhVũ Nhôm

Các tin liên quan đến bài viết