Tỉ lệ mắc ung thư vú tại Việt Nam liên tục tăng và có xu hướng trẻ hoá, trong khi tiên lượng ở người trẻ xấu hơn nhiều.

Phụ nữ Việt mắc ung thư vú trẻ hơn

GS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K cho biết, ung thư vú là ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ Việt Nam, tỉ lệ mắc đang tăng nhanh qua từng năm.

Cụ thể, năm 2013, tỉ lệ mắc ở mức 24,4/100.000 phụ nữ, đến năm 2018 đã tăng lên tới 26,2, tương đương 15.000 ca mắc mới, trong đó có hơn 6.000 ca tử vong.

Với số liệu này, tỉ lệ mắc mới ung thư vú của Việt Nam đang xếp 146/185 quốc gia, vùng lãnh thổ khảo sát, tỉ lệ tử vong ở mức 10,5/100.000 dân, xếp 150/185. Nhóm 3 nước có tỉ lệ mắc ung thư vú cao nhất là Bỉ, Luxembourg, Hà Lan với tỉ lệ 105 – 113/100.000 phụ nữ.

GS Thuấn cùng nhiều chuyên gia ung bướu hàng đầu ở Việt Nam nhiều thế hệ đã tập hợp số liệu bệnh nhân ung thư vú suốt 25 năm qua cho thấy, độ tuổi mắc ung thư vú ở Việt Nam ngày càng trẻ và trẻ hơn hẳn các nước ở châu Âu hay Bắc Mỹ. Xu hướng mắc từ 30-34 tuổi nhiều và tăng nhanh, nhiều nhất ở nhóm 55-59 tuổi với tỉ lệ lên tới 135/100.000 phụ nữ.

Ung thư vú tại Việt Nam liên tục tăng, khuyến cáo đặc biệt của Giám đốc BV K
Tiên lượng ung thư vú ở người trẻ xấu hơn người lớn tuổi

Đáng lưu ý, thường bệnh nhân ung thư vú càng trẻ, tiên lượng càng xấu, tỉ lệ chữa khỏi thấp hơn so với những người lớn tuổi. Tại BV K, bệnh nhân ung thư vú trẻ nhất mới 18 tuổi, chưa lập gia đình.

Ngoài ra, thường càng người trẻ mắc bệnh thì tiên lượng càng xấu. Tỷ lệ người trẻ mắc ung thư vú dương tính với gene HER 2 cao hơn với độ tuổi khác, càng thể hiện yếu tố tiên lượng xấu. Người trẻ mắc ung thư vú khả năng chữa khỏi cũng thấp hơn so với những người tuổi cao.

Nên sàng lọc từ 40 tuổi thay vì 45

GS Thuấn cho rằng, ở nhóm dưới 35 tuổi, mắc ung thư vú là điều hết sức đáng tiếc. Ngoài đối mặt với bệnh tật, nhóm này còn phải đối mặt với hàng loạt vấn đề tâm lý, xã hội khác.

Sau nghiên cứu dịch tễ học, các chuyên gia cho rằng, phương pháp hiệu quả nhất để tăng tỉ lệ chữa khỏi ung thư vú, đặc biệt ở người trẻ là đi khám, phát hiện sớm bệnh.

Ung thư vú tại Việt Nam liên tục tăng, khuyến cáo đặc biệt của Giám đốc BV K
Tự khám vú tại nhà thường xuyên là biện pháp đơn giản nhất để phát hiện sớm ung thư vú 

“Vì thế chúng tôi đưa ra khuyến cáo mới thay vì sàng lọc, tầm soát từ 45 tuổi thì phụ nữ Việt Nam nên bắt đầu sàng lọc sớm hơn, từ 40 tuổi trở đi. Thực tế, khi sàng lọc phát hiện sớm với mẫu trên 100.000 phụ nữ, tỉ lệ phát hiện là 59,2, gấp đôi so với tỉ lệ thông thường”, GS Thuấn cho biết.

Đồng thời, chị em cần có thói quen tự khám vú thường xuyên, thời điểm tốt nhất là sau kỳ kinh 7 ngày khi tuyến vú mềm nhất. Đây là việc hết sức đơn giản.

Tuy nhiên thực tế, ít phụ nữ Việt để ý đến việc này, hậu quả trên 50% bệnh nhân ung thư vú đều đến viện khi đã ở giai đoạn muộn 3-4, lúc này khả năng chữa khỏi đã bị hạn chế rất nhiều.

Tỉ lệ chữa khỏi ung thư vú Việt Nam ngang Singapore

So với nhiều loại ung thư khác, ung thư vú có tiên lượng điều trị khá tốt, tỉ lệ sống sau 5 năm rất cao.

Theo GS Thuấn, trên 95% các trường hợp ung thư vú phát hiện sớm điều trị sẽ khỏi bệnh. Tại BV K, tỉ lệ chữa khỏi ung thư vú là trên 70% tương đương với Singapore. Tỉ lệ này được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng lên nữa nếu ngày càng có nhiều trường hợp được phát hiện sớm.

Ung thư vú tại Việt Nam liên tục tăng, khuyến cáo đặc biệt của Giám đốc BV K
GS Trần Văn Thuấn 

Trước đây, ung thư vú dạng HER2 dương tính – dạng ác tính cao của ung thư vú (chiếm khoảng 20%) có tiên lượng cực xấu vì dễ di căn, nguy cơ tử vong cao do tỉ lệ sai sót trong chẩn đoán lên tới 5-10%. Tuy nhiên hiện nay, Việt Nam đã áp dụng kỹ thuật FISH – biện pháp nhuộm huỳnh quang cho tỉ lệ chẩn đoán chính xác gần 100%.

Nếu không phát hiện được gene HER2 dương tính để có hướng điều trị đích, trước đây tỉ lệ sống sau 5 năm dưới 50%, nhưng hiện tại, tỉ lệ sống thêm toàn bộ sau 1-3 năm là 87-98%, kể cả ở các nhóm có di căn hạch, tỉ lệ sống thêm sau 5 năm là trên 75%.

Về phương pháp điều trị, thuốc, kỹ thuật mổ bảo toàn tuyến vú, xạ trị biến liều… để điều trị ung thư vú hiện cũng đã tương đương với Singapore, Hàn Quốc.

“Ở các nước phát triển, họ quan niệm bệnh ung thư chỉ là bệnh mãn tính, viêm nhiễm như bệnh tiểu đường. Bằng chứng, một số người nổi tiếng như Lance Armstrong bị ung thư tinh hoàn vẫn vô địch giải đua xe đạp Tour de France. Ở Việt Nam cũng nhiều tấm gương người bệnh chiến thắng bệnh tật, cho thấy ung thư không đáng sợ như suy nghĩ của nhiều người nếu được phát hiện sớm, khả năng điều trị khỏi rất cao”, GS Thuấn nhấn mạnh.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : ung thư vú

Các tin liên quan đến bài viết