Với mức tăng trưởng du lịch từ 25-35%/năm như hiện nay, ngành du lịch đang cần tới khoảng 2 triệu lao động. Trong khi việc đào tạo còn nhiều hạn chế, các khách sạn cho hay họ đang gặp khó khăn về tìm nguồn nhân lực.

Bà Đỗ Hồng Xoan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam, cho hay, 10 tháng năm 2018, Việt Nam đón 12,8 triệu lượt khách quốc tế, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngành du lịch phấn đấu năm nay thu hút 15,5 triệu lượt khách quốc tế, với mức tăng trưởng gần 13%. Riêng khách du lịch nội địa là 78 triệu lượt. Tổng doanh thu từ du lịch là trên 620.000 tỷ đồng.

Hiện nay, hệ thống khách sạn ở Việt Nam gồm trên 120 khách sạn 5 sao, 270 khách sạn 4 sao, khoảng 500 khách sạn 1-3 sao với gần 35.000 phòng. Mặc dù các khách sạn đã cố gắng thu hút, đào tạo và hoàn thiện đội ngũ nhân sự quản lý cao cấp, nhân viên buồng phòng,… song bà Xoan nhận xét, các khách sạn vẫn gặp khó về nguồn nhân lực, đặc biệt là các khách sạn xa trung tâm tình trạng này là khá trầm trọng.

Các khách sạn vất vả tìm nguồn nhân lực
Sinh viên thực tập ở một khách sạn (ảnh minh họa)

Trong khi đó, theo bà Xoan, thực trạng đào tạo hiện nay lại chưa đáp ứng được yêu cầu khi 85% thời gian trong 4 năm học sinh viên được đào tạo lý thuyết, 15% là thực hành, trong khi tại các nước tỷ lệ này là ngược lại khi sinh viên chỉ dành 15% thời gian học lý thuyết, còn 85% là đi học việc thực tế.

“Chính vì thế, nhiều sinh viên ra trường chuyên môn, nghiệp vụ yếu, đặc biệt là ở điểm du lịch ở vùng sâu, vùng xa. Các tập đoàn lớn như Accor, Marriott, Nikko, Intercontinental,… vào Việt Nam đã làm thay đổi diện mạo cho ngành du lịch, thu hút nhiều lao động nhưng chỉ tập trung ở một số thành phố lớn”, bà Xoan nói.

Theo báo cáo về thực trạng chất lượng nguồn nhân lực du lịch của Tổng cục Du lịch, tỷ lệ lao động có chuyên môn, nghiệp vụ về du lịch còn thấp, chỉ chiếm 43% tổng số lao động du lịch, trong đó hơn một nửa không biết ngoại ngữ. Chất lượng thấp nên năng suất lao động ngành du lịch, khách sạn của Việt Nam chỉ bằng 1/15 của Singapore, 1/10 của Nhật Bản và 1/5 của Malaysia.

Chính vì thế, chúng ta đành để nguồn nhân lực các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia “xâm thực”, đặc biệt là tại các khách sạn 4-5 sao nào cũng có lao động nước ngoài.

Thừa nhận điều này, ông Vũ An Dân, Trưởng khoa Du lịch Viện Đại học Mở, cho biết, các trường thì không thể có điều kiện đầu tư vật chất để cho sinh viên thực hành, trong khi việc hợp tác với các khách sạn mới dựa trên mối quan hệ cá nhân, giữa giáo viên với khách sạn, hoặc giữa sinh viên với khách sạn,… chủ yếu là liên kết đơn lẻ nên sinh viên thực hành ít, ra trường không thành thạo nghề.

“Hiện mỗi lần chúng tôi chỉ đưa được 10-15 sinh viên đi thực tập ở một khách sạn, đáng lẽ ra tất cả sinh viên phải đến các khách sạn để thực hành”, ông Dân nói.

Các khách sạn vất vả tìm nguồn nhân lực
Nhu cầu tuyển dụng nhân sự tại các khách sạn là rất lớn

Về phía khách sạn, trả lời PV.VietNamNet, bà Nguyễn Thị Thúy Minh, Phó Tổng giám đốc khách sạn Sheraton Hà Nội, nhận xét, vì lý do trên nên các khách sạn rất vất vả và khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực. Bà cho hay, 4 năm học đại học, sinh viên chỉ có 12 tuần (3 tháng) đi thực hành, trong khi yêu cầu về đào tạo một quản lý khách sạn phải theo tỷ lệ 10:20:70, tức 10% học lý thuyết, 20% để kết nối với các DN và 70% là thực hành các kỹ năng cần hoàn thiện trong vô thức.

Chẳng hạn, để biết thể hiện hành vi phù hợp với văn hóa, chuẩn mực ứng xử với du khách, mỗi kỹ năng phải thực hành từ 7 đến 21 lần sao cho thành thạo trong vô thức. Một nhân viên mới phải học khoảng 50-200 kỹ năng, theo bà Minh. Trong khi sinh viên Việt Nam có 12 tuần thực tập thì đã mất 1 tuần để làm quen với khách sạn, đặc biệt là các khách sạn lớn hoạt động 24/7, nhiều sinh viên đến còn choáng ngợp.

Vì thế, việc quan trọng là làm thế nào để sinh viên có cơ hội thực hành, nâng cao kỹ năng. Các trường cần dành nhiều thời gian hơn cho sinh viên cọ xát, thay vì 3 tháng liên tục thì có thể học 4 tiếng, 8 tiếng một ngày, các khách sạn như Sheraton sẵn sàng hỗ trợ, bà Minh nói.

Để gắn kết hơn việc đào tạo và thực hành, giữa nhu cầu của nhà tuyển dụng và phía cung cấp, giải quyết những vướng mắc hiện nay về nhân sự khách sạn, hệ sinh thái hotelismo ra đời là kênh kết nối, tương tác giữa hai bên. Các bên sẽ nhìn thấy nhu cầu của nhau. Khách sạn sẽ đưa ra tiêu chí, yêu cầu cụ thể từng vị trí để ứng cử viên xem mình có phù hợp không. Đây cũng là kênh tuyển dụng tốt để các sinh viên tạo được profile (hồ sơ) cho mình cho mình, thậm chí có thể tìm được việc làm ngay khi ngồi trên giảng đường.

Ngoài ra, đại diện các khách sạn lớn ngày 24/11 như Marriott, Sheraton, Vinpearl, Movenpick, Ascott, SilkPath,… cũng đã ký kết hợp tác với khoảng 10 trường đại học đào tạo về du lịch trên địa bàn Hà Nội, qua đó phía các trường biết nhu cầu của khách sạn để đào tạo.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : du lịchkhách sạnnhân lực

Các tin liên quan đến bài viết