“Tôi khẳng định chưa bao giờ có đại gia hay gia thế lớn phía sau. Hồi mới đi hát, tôi phải vay 250 triệu làm sản phẩm và mất 2 năm để trả hết số nợ…”, Hồ Trung Dũng trải lòng với VietNamNet.
Buồn cho thị trường không có thói quen trả phí
– Vì sao anh chọn một dòng nhạc khá xa lạ với khán giả Việt, như Jazz, cho album trở lại?
Tôi biết Jazz từ năm 19 tuổi sang Đức du học. Lúc đó, tôi cũng nghĩ Jazz là thứ nhạc cao siêu, khó nghe. Một lần nọ, có ban nhạc người Đức cần tìm một người chơi Keyboard. Tôi thèm hát quá nên nhảy vô chơi luôn, ai ngờ vào đúng ban nhạc Jazz.
Tôi mê Jazz từ đó. Jazz lạ lắm, vừa ngẫu hứng, tự do, cá tính nhưng cũng rất nhẹ nhàng. Một thứ nhạc chân thành và không hề phô trương, buồn nhưng vẫn đầy lạc quan. Mơ ước lớn nhất của tôi là tất cả khán giả sẽ nhận ra Jazz rất gần gũi, như tôi đã từng.
Tôi biết đây là con đường khó vì chưa từng có tiền lệ. Lúc vào nghề, vì thị trường lúc đó chưa sẵn sàng cho điều này nên tôi đã tiếp cận bằng Pop. Nếu bạn có theo dõi sẽ biết tôi pha Blues/Jazz vào Pop rất nhiều. Hồi thi Bước nhảy hoàn vũ, tôi cũng đã hát Jazz quốc tế rồi.
– Suốt một năm qua, anh im hơi lặng tiếng như vậy chỉ để làm “SAIGON FEEL” thôi?
Tôi vừa làm “SAIGON FEEL” và những album khác, vừa đi diễn khắp nơi. Trong năm nay, ngoài TP. HCM, tôi còn đi lưu diễn ở Mỹ, Úc, châu Âu… Nhưng thông tin về tôi không có cái nào về đời tư hay phát ngôn gây sốc nên không hot.
Có lẽ, điều đó không phù hợp với tính cách của tôi. Tính tôi ngang tàng, khó khăn mấy cũng chịu được nhưng nếu phải làm điều mình không thích, tôi sẽ chán và bỏ nghề. Khán giả như người yêu của tôi vậy. Họ không phải số đông nhưng hiểu tôi một cách chân thành.
Hồ Trung Dũng nhiều lần nhấn mạnh về niềm mong mỏi một thị trường văn minh, chuyên nghiệp. |
– Hiện nay, một số hãng đĩa quốc tế đang thâm nhập vào Việt Nam và tìm nghệ sĩ nội địa phù hợp để hợp tác. Anh có định tìm kiếm cơ hội mới và quan tâm nhất thị trường nào?
Sẽ rất vui nếu tôi có thể mang âm nhạc Việt Nam ra nước ngoài. Nhất là tôi sẽ có dịp hát Jazz cùng nghệ sĩ quốc tế và mang Jazz đi khắp mọi nơi. Tôi thích nhất thị trường Nhật Bản và Hong Kong. Ít ai biết người Hong Kong cũng rất mê nghe Jazz.
Tôi luôn sẵn sàng hợp tác với những hãng đĩa lớn nếu có thể. Tôi hợp tác với các kênh phân phối như Spotify, iTunes, Apple Music… vì họ tôn trọng bản quyền sản phẩm của tôi. Tôi buồn không phải vì chúng tôi không thu được tiền từ việc bán sản phẩm, mà vì chúng tôi đã tạo một thị trường không có thói quen trả phí cho bất cứ thứ gì. Lúc làm đĩa, làm show, thay vì tự hỏi sẽ kiếm lời được bao nhiêu thì chúng tôi thường nghĩ làm sao để hòa vốn. Điều này có nghĩa nghệ sĩ phải kiếm thêm thu nhập từ nguồn khác. Khán giả không muốn trả tiền nhưng luôn đòi hỏi sản phẩm tốt nhất. Điều đó không công bằng với nghệ sĩ.
Không có đại gia hay gia thế “khủng” chống lưng
– Tức là anh gián tiếp thừa nhận có kiếm thu nhập từ nguồn khác? Vì tôi cũng từng nghe nói Hồ Trung Dũng làm nghệ thuật thảnh thơi nhờ gia thế “khủng” đấy…
– (cười lớn) Có người từng nói tôi “dựa” đại gia nữa kìa! Nhạc của tôi tuy không ồn ào nhưng nói thật, bạn muốn nhảy vào không dễ. Một “mảnh đất” màu mỡ lại ít người “cày” nên thực tế việc kiếm tiền rất ổn. Tôi đi hát sự kiện rất nhiều và tiền cát-xê từ đây cũng là nguồn thu chính giúp tôi dư sống mà không phải làm thêm công việc nào khác.
Thực ra, tôi còn một nghề khác là giảng viên đại học. Tôi được trả… 50.000 đồng/tiết chưa trừ thuế, tức là, mỗi học kỳ 6 tháng tôi kiếm được 2.250.000 đồng.
Nếu muốn an toàn, tôi chỉ việc đi show chứ cần gì chi tiền làm sản phẩm. Bạn đi hát chỉ gom tiền lẻ nhưng làm sản phẩm luôn phải chi tiền chẵn. Ít thì vài trăm triệu, nhiều thì hơn một tỷ. Dĩ nhiên, làm nghệ thuật thì không nên tính toán thiệt hơn.
Tôi vẫn luôn thầm cảm ơn nghề ca hát đã mang cho tôi một cuộc sống đảm bảo những nhu cầu cơ bản. Tôi cũng không quá đam mê hàng hiệu hay xe hơi.
Về bản thân mình, tôi khẳng định chưa bao giờ có đại gia hay gia thế lớn phía sau. Tôi sinh ra trong gia đình trung lưu. Hồi mới đi hát, tôi phải vay 250 triệu làm sản phẩm đầu tiên. Số tiền dư còn lại, tôi mua những bộ quần áo, đôi giày đầu tiên để đi diễn, kiếm tiền trả nợ. Tôi mất 2 năm để trả hết số nợ đó.
Có lẽ vì thế mà ý chí của tôi rất mạnh mẽ, không bị lung lay trước những cám dỗ. Dù không ít người nghi ngờ nhưng tiền là tôi tự kiếm ra, ít hay nhiều thì tôi vẫn tự hào về bản thân.
Từng phải vay nợ trong 2 năm để làm sản phẩm, giờ đây, Hồ Trung Dũng đã sống và làm nghề thoải mái bằng cát-xê. |
– Ai đã định hướng cho anh việc “lội ngược dòng” trong âm nhạc?
– Tôi đi hát năm 27 tuổi, khá trễ so với các ca sĩ khác. Đổi lại, tôi biết mình là ai, mình muốn gì. Nếu đi hát năm 17 tuổi, tôi sẽ có sớm 10 năm để hát nhưng chưa chắc sẽ được vị trí như bây giờ. Vì ở tuổi đó, người ta nói gì tôi sẽ nghe nấy.
Nếu bạn chỉ làm theo điều người khác muốn sẽ không bao giờ thấy thỏa mãn. Cá nhân tôi luôn đi tìm hạnh phúc thật sự trong con người mình. Tôi không thể biết mình sống bao lâu. Nghe giống nói gở nhưng tôi luôn ý thức điều đó. Những người xung quanh tôi, từ mẹ tôi, chồng của người bạn thân nhất, người bạn thân, đứa em họ đến thần tượng nhạc Jazz lớn nhất của tôi, tất cả đều ra đi trước khi già.
Nhưng tôi không sợ chết. Tôi chỉ sợ ở khoảnh khắc cuối cùng bỗng nhận ra rằng mình đã sống hết cuộc đời của người khác, không phải của mình. Vì thế, tôi sống cho mình, đấu tranh cho niềm tin của mình. Bạn càng cố kiểm soát những thứ mà bạn không thể kiểm soát bao nhiêu thì cuộc sống chỉ càng bất hạnh bấy nhiêu.
Muốn tổ chức đám cưới ở cao nguyên
– Năm 18 tuổi, anh đã viết một bài cho mẹ. Từ đó đến nay thì sao?
Tôi viết tổng cộng 4 bài về mẹ, đã phát hành 2 bài trong album “Trong tim luôn có mẹ”, còn 2 bài kia thì giữ lại cho mình. Những bài này đều buồn nên tôi nghĩ phát hành 2 bài là đủ rồi. Tôi có ấp ủ làm một album toàn ca khúc do mình sáng tác. Từ lúc mới biết âm nhạc đến giờ, tôi viết khoảng 40 bài. Nhưng bạn biết đấy, việc bỏ vài bài vào album thì dễ, chứ làm một album mang chân dung của tôi sẽ khác hoàn toàn. Thế nên, dù đã thu âm hết rồi nhưng tôi vẫn tạm giữ lại ý định này.
Hồ Trung Dũng từng trải qua nhiều mối tình, dù đẹp nhưng chưa lần nào đơm hoa kết trái. |
– U40, anh đã dự tính gì về việc kết hôn?
Hồi nhỏ, tôi thường nghĩ mình thuộc tuýp người thích lang bạt, rong ruổi, muốn chinh phục thế giới. Nhưng vào năm 21 tuổi, mẹ tôi mất. Lúc đó, tôi mới nhận ra mình là người sống thiên về gia đình. Nghe hơi sến chút nhưng tôi luôn nghĩ đến cảnh mỗi khi đi hát về có người đợi mình, cùng nhau nấu ăn, nghỉ ngơi.
Tôi từng trải qua nhiều mối tình, dù đẹp nhưng chưa lần nào đơm hoa kết trái. Tôi đã sẵn sàng cho một mái ấm, chỉ là duyên chưa tới. Hiện tại, tôi vẫn độc thân, không quen ai cả. Nhưng nếu có cưới ai đi nữa, tôi cũng sẽ không công bố. (cười)
Tôi không ngại gì nhưng chỉ là muốn giữ điều đặc biệt cho riêng mình. Tôi quan niệm không nên chia sẻ chuyện riêng tư vì tình đến rồi tình có thể đi. Tôi không thể suốt ngày chạy lên báo kể lể mình yêu ai, làm gì, chia tay thế nào được. Như thế, không lẽ sự nghiệp âm nhạc của mình suốt ngày chỉ quanh quẩn trong những câu chuyện yêu đương?
– Nghe nói, anh muốn cưới một cô gái có những phẩm chất giống mẹ?
Tôi không yêu người trong giới nên họ thường không thoải mái khi bị chú ý quá nhiều. Hơn ai hết, tôi hiểu mình đã mất tự do như thế nào nên không muốn người tôi yêu cũng chịu cảnh như vậy. Nếu cưới nhau, tôi muốn tổ chức ở một nơi xa xôi nào đó như cao nguyên. Đám cưới sẽ nhỏ thôi, mời vài chục người thân quen.
Đúng là tôi muốn tìm bạn gái có xu hướng giống mẹ, tâm lý này rất bình thường. Mẹ tôi không phải không có tính xấu nhưng những điều bà dạy tôi vẫn nhớ như in. Đặc biệt là bài học về sự chân thành, hết mình với bản thân, với mọi người và luôn chi tiền đúng chỗ.
Hồi nhỏ, tôi đòi mẹ mua cây đàn Organ đồ chơi giá 50 nghìn đồng nhưng bà nhất quyết không cho. Vậy mà bà đã mua cho tôi cây đàn thật giá 1,3 triệu đồng khi tôi đi học nhạc. Mỗi cuối năm, mẹ cho tôi 500 nghìn đồng, dạy tôi cách quản lý tiền bạc. Nhờ vậy, tôi luôn ý thức rõ giá trị thật, không bị cuốn theo cái giới tôi đang sống với toàn giá trị ảo.
Nguồn: vietnamnet