“Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh…”
Trong buổi gặp mặt với gần 200 cán bộ quản lý, nhà giáo tiêu biểu có thành tích nổi bật trong sự nghiệp trồng người, đại diện cho hơn 1,4 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cả nước ngày 19/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Người thầy giáo tốt, thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh…”.
Thầy giáo buôn làng 10 năm đến từng nhà học sinh vận động đến trường
Không chỉ là một thầy giáo giỏi, đạt rất nhiều thành tích trong quá trình dạy học, hướng dẫn nhiều học sinh đạt giải cấp Quốc gia, thầy Trần Xin – trường THCS Cao Bá Quát (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) còn là người hết lòng vì học sinh khi đến tận nhà vận động học sinh bỏ học quay lại mái trường.
Thầy giáo Trần Xin tốt nghiệp khoa Sư phạm Lý – Công nghệ, trường Cao đẳng Sư Phạm Đắk Lắk vào năm 2004, sau khi ra trường thầy được chuyển về công tác tại một trường học thuộc vùng sâu vùng xa thuộc xã Ea M’Đroh thuộc huyện Cư M’gar. Đến năm 2008, thầy Xin được chuyển về trường THCS Cao Bá Quát cũng là một trường thuộc địa bàn khó khăn và công tác cho đến nay.
Công tác tại vùng sâu vùng xa, thầy giáo Xin đã đến các buôn làng vận động học sinh đến trường
Thời gian công tác tại trường vùng sâu vùng xa, nơi học sinh thuộc đồng bào thiểu số lên tới trên 80%, thầy Trần Xin luôn trăn trở trước việc học sinh nơi đây thường xuyên nghỉ học, thậm chí bỏ học để về nhà phụ bố mẹ trông em hoặc lên nương rẫy khi tuổi của các em còn rất nhỏ. Các học sinh bỏ học khi kết thúc năm học, có những em bỏ ngang giữa chừng khi kỳ thi sắp tới.
Để giúp các học sinh quay trở lại mái trường tiếp tục học tập, thầy Xin cùng Ban giám hiệu nhà trường đã không quản khó khăn khi đến tận nhà các em để vận động, khuyên bảo gia đình nên cho các em được đi học, không được bỏ ngang việc học lưng chừng.
“Việc vận động các em phải rất kiên trì mới có thể thành công, bởi nơi đây dân trí còn thấp, bố mẹ các em chưa ý thức được tầm quan trọng của việc học tập cho con em mình. Phần vì gia cảnh quá khó khăn, phần vì thiếu nhân công hay việc đi học đường xá xa xôi khiến các em nản và dần nghỉ học”, thầy Xin cho hay.
Thầy giáo Xin nhớ lại lần vận động cậu học trò Y Rông Kbuôr là một trong những lần khó khăn nhất, em này nghỉ học ngang khi chuẩn bị vào thời điểm thi học kỳ 2. Để vận động gia đình cho em quay trở lại trường, thầy đã 6 – 7 lần đến nhà và lên nương rẫy để thuyết phục bố mẹ nhưng họ vẫn không cho con đến trường vì gia đình còn nhiều vất vả, khổ cực.
“Sau nhiều lần nói chuyện với bố mẹ em Y Rông nhưng gia đình vẫn chưa chịu cho em đến trường mà bắt ở nhà trông em nhỏ để bố mẹ lên nương rẫy, tôi cùng một cán bộ chính quyền xã đã khuyên bảo và hứa giúp em việc học để hoàn thành chương trình đang dở dang thì lúc ấy gia đình mới gật đầu đồng ý”, thầy Xin chia sẻ.
Thầy tận tình với từng học sinh và hướng dẫn các em đạt được nhiều thành tích cao trong các kỳ thi
Cũng theo thầy Xin, để các em học sinh không muốn bỏ học giữa chừng và tạo hứng thú cho các em đến trường, thầy cô của trường đã phải thay đổi cách dạy dỗ và thường xuyên ân cần, chăm sóc, hỏi han các em nhiều hơn để các em nhận thấy được tình cảm mà thầy cô đã dành cho mình và nhất là hiểu rõ giá trị của việc được đến trường, biết chữ để sau này trở thành người có ích cho xã hội.
Vừa là người thầy tận tâm với học sinh, thầy Xin vừa là người được nhiều giáo viên và học sinh của trường THCS Cao Bá Quát ngưỡng mộ bởi suốt nhiều năm liền thầy đều đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi của huyện và những lần hướng dẫn học sinh đi thi HSG Quốc gia đều đạt giải.
Từ năm học 2015 – 2016 đến nay, năm nào thầy cũng hướng dẫn đề tài khoa học kỹ thuật cho các học trò của mình đạt giải cao. Trong đó, 3 năm liền đạt được giải Tư cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia. Trong đó, đề tài “Thiết kế, chế tạo lồng bẫy ốc sên” được đánh giá cao với tính thực tiễn có thể áp dụng rộng rãi trong nông nghiệp vì bắt ốc sên mà không dùng hóa chất. Chi phí cho mỗi sản phẩm chỉ từ 100 – 200 ngàn đồng và có thể sử dụng vật dụng tái chế để làm.
Thầy giáo Xin được các giáo viên và học sinh rất yêu quý
“Hầu hết các đề tài khoa học kỹ thuật tôi đều hướng dẫn cho các em học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số, các em cũng rất sáng tạo và hợp tác với thầy. Đặc biệt, để đạt được giải Quốc gia các em đã trải qua nhiều lần chấm và phải đứng trước hội đồng để thuyết trình về tính ứng dụng của sản phẩm mình sáng tạo ra. Tôi rất vui khi học trò từ những buôn làng xa xôi, đã dám tự tin để nói về những sản phẩm đầy chất sáng tạo của mình đến mọi người và đã được công nhận”, thầy Xin vui mừng chia sẻ.
Cô Trà Thị Trinh – Phó Hiệu trưởng trường THCS Cao Bá Quát, cho biết; “Thầy giáo Xin là người thầy gương mẫu của trường, thầy không chỉ giỏi chuyên môn mà tính cách rất vui vẻ, điềm đạm, hết lòng vì học trò của mình và được các thầy cô, học sinh đều yêu quý. Thầy cũng không quản ngại những khó khăn khi vận động những học sinh bỏ học quay trở lại trường lớp và giúp đỡ các em trong học tập. Với những thành tích thầy đạt được, thầy vinh dự được nhận nhiều bằng khen của huyện, tỉnh và được Sở GD-ĐT đề xuất Bộ GD-ĐT khen ngợi về gương nhà giáo tiêu biểu. Đây thực sự là tấm gương để những thầy cô khác của trường noi theo”.
Thầy giáo muốn mọi người đối với học trò của mình như người bình thường
Đó là thầy Nguyễn Xuân Việt – giáo viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng.
Lớp học của thầy Việt ở Trung tâm không có bàn ghế sắp xếp ngay hàng thẳng lối như các lớp học khác hoặc chỉ có một thầy một trò với những học sinh đặc biệt là những em mắc chứng tự kỷ, bại não, khiếm thính, khiếm thị…
Thầy Nguyễn Xuân Việt cùng học trò ở Trung tâm Hỗ trợ giáo dục hoà nhập TP Đà Nẵng
Giờ học của thầy và trò cũng không bắt đầu bình thường như giờ học ở các trường khác. Thầy có khi cùng chơi với trò ở sân chơi có nhiều mô hình vừa chơi, vừa học, vừa vận động do thầy thiết kế cho học trò, rồi thầy và trò mới vào lớp, kiên nhẫn với từng con chữ phép toán.
Nhiều mô hình trò chơi được thầy Việt thiết kế riêng cho học trò của mình
Có một bài học mà thầy và trò phải kiên nhẫn với nhau hết buổi học này sang buổi học khác, hoặc trò vừa nhớ phép toán đó, con chữ đó, màu sắc đó rồi lại quên ngay, thầy phải dạy lại từ đầu.
Giờ học có lúc tạm dừng vì một học trò bất ngờ bật khóc nức nở, hay lơ đãng làm một việc gì đó, thích gì làm nấy. Thầy phải dỗ dành trò quay về với bài học.
Thầy trò cùng kiên trì để cùng nhau dạy học từng con chữ, phép toán
Một tiến bộ nho nhỏ của học trò cũng là một niềm vui với thầy Việt
Chuyện thầy Việt lo cho trò từng bữa ăn, đến cả việc đi lại, vệ sinh cá nhân như các thầy cô giáo khác ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng là chuyện thường ngày. Bởi có nhiều em không biết gì, chưa điều chỉnh được hành vi.
Theo thầy và trò suốt một buổi học ở Trung tâm, điều chúng tôi cảm nhận sâu sắc nhất chính là chỉ có tình thương yêu học trò, niềm đam mê với nghiệp “trồng người” trong từng ánh mắt, lời nói, cử chỉ ân cần, thầy Việt mới có thể kiên trì, kiên trì và kiên trì như vậy để học trò có từng tiến bộ nhỏ.
Hơn 10 năm giáo dục trẻ hoà nhập, thầy Việt chia sẻ kinh nghiệm, có những trường hợp phát hiện sớm và can thiệp sớm, trẻ có thể chữa khỏi chứng tự kỷ và hoà nhập nhanh hơn.
Điều trước tiên, cũng là điều mà thầy mong muốn nhất để học trò mau tiến bộ là mọi người hãy nhìn các em, đối xử với các em như bao đứa trẻ bình thường khác.
Thầy Việt chia sẻ: “Bản thân các em không có tội tình gì. Nên trước hết, mọi người hãy xem các em như bao người bình thường. Mình làm được gì để bù đắp cho các em thì mình làm hết lòng.
Tôi tin nghề giáo vất vả, nhất là với công việc hàng ngày mà tôi đang theo nhưng người thầy như chúng tôi ở đây cũng có niềm vui và hạnh phúc với những “quả ngọt” từ những tiến bộ nho nhỏ của trò, như có lần tôi đã bật khóc hạnh phúc khi nghe học trò cũ gọi điện thoại về hỏi thăm và nói: con nhớ thầy!”
Nơi thầy cô thay phụ huynh lo cho trò
Trường THCS Hạnh Thiết đóng trên địa bàn thị trấn Lạt (Quỳ Châu) nhưng có tới 60% học sinh là người xã Châu Hạnh. Tỷ lệ học sinh là con em hộ nghèo của trường chiếm đến gần 60%, trong đó, có hơn 20 học sinh thuộc được nhận chế độ trợ cấp hàng tháng dành cho người tàn tật.
Trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó Trường THCS Hạnh Thiết (Quỳ Châu, Nghệ An) vào đầu năm học.
“Nhiều học sinh có hoàn cảnh éo le, mồ côi, bệnh tật tập trung tại các bản Kẻ Nính, Pà Cọ, Đình Tiến, Tà Cồ của xã Châu Hạnh. Đây cũng là nơi xa trường nhất, bởi vậy để các em tiếp tục đến trường là cả một nỗ lực không nhỏ của bản thân các em và của cả nhà trường”, ông Đặng Xuân Phúc – Phó hiệu trưởng kiêm Hội trưởng Hội khuyến học Trường THCS Hạnh Thiết chia sẻ.
Thầy Phúc liệt kê cho chúng tôi danh sách các em học sinh mắc bệnh hiểm nghèo – đối tượng ưu tiên đặc biệt hiện đang được thụ hưởng nguồn hỗ trợ tài chính do nhà trường kêu gọi. Em Lim Văn Thuận (lớp 8A4) mắc chứng huyết tán Thalassemi, phải thường xuyên đến bệnh viện truyền máu; em Hoàng Nguyệt Minh (lớp 6A5) bị rối loạn nội tiết dẫn tới rụng hết tóc; em Mạc Thuận Nghĩa (lớp 8A5) cũng mắc bệnh hiểm nghèo; em Lương Văn Thảo (lớp 7A4) bị xương thủy tinh…
Ông Đặng Xuân Phúc – Phó hiệu trưởng, Hội trưởng Hội khuyến học Trường THCS Hạnh Thiết.
Nhà Lương Văn Thảo (bản Thuận Lập, xã Châu Hạnh) nghèo lắm. Cái sự nghèo cố hữu của một đôi vợ chồng người Thái không mấy khi ra khỏi khoảnh rừng trước nhà đã khiến đường đến trường của cậu con trai trở nên gian nan hơn.
Thấy Thảo nghỉ học, giáo viên chủ nhiệm tìm đến nhà mới hay em ốm mấy ngày nay, không thể tự đi lại. Đốt xương sống của em bị gãy trong một lần bị ngã, các bác sĩ yêu cầu mổ gấp để thay tủy sống nhưng gia đình không có tiền, đành để con ở nhà.
Trước hoàn cảnh của Lương Văn Thảo, Ban Giám hiệu và Hội khuyến học nhà trường quyết định thông qua mạng xã hội facebook kêu gọi thầy cô giáo, học sinh trong trường và cộng đồng xã hội ủng hộ để em có điều kiện chữa trị tốt hơn.
Vi Tuấn Khanh (bên phải) người 7 năm đưa bạn đến trường sông trong một căn nhà rách nát, tạm bợ. Các giáo viên Trường THCS Hạnh Thiết đã kêu gọi vận động được 100 triệu đồng để xây nhà cho Khanh.
Khi hoàn cảnh của em Thảo được đăng tải trên facebook, số người đăng kí ủng hộ rất nhiều. Lúc này vấn đề quản lý, sử dụng số tiền ủng hộ như thế nào cũng khiến Ban giám hiệu nhà trường đau đầu. Nếu dùng tài khoản của nhà trường sẽ gây những hiểu nhầm không đáng có. Bố mẹ em Thảo không biết chữ, không biết giao dịch
Bà Nguyễn Thị Xuân – Hiệu trưởng Trường THCS Hạnh Thiết cho hay: “Trên thực tế xung quanh chúng tôi còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ nhưng đây là học sinh của trường, thì trách nhiệm quan tâm, giúp đỡ đầu tiên thuộc về nhà trường. Đây cũng là cách để chúng tôi phát huy tốt hơn nữa tinh thần, trách nhiệm vì học sinh của mỗi giáo viên trong trường, phát huy tinh thần tương thân tương ái giữa các em học sinh đối với những bạn có hoàn cảnh khó khăn”.
ngân hàng, mà tiền vào nhà khó, nếu không biết cách quản lý sẽ không phát huy được hiệu quả.
“Cuối cùng chúng tôi quyết định mở một tài khoản ngân hàng mang tên bố em Thảo nhưng đăng kí bằng số điện thoại của cô Hoàng Thị Huyền – giáo viên chủ nhiệm. Tất cả các khoản ủng hộ qua tài khoản này đều được cập nhật, công khai rõ ràng. Chỉ sau 3 ngày, hơn 100 triệu đồng ủng hộ cho em Thảo đã được gửi đến tài khoản”, ông Đặng Xuân Phúc cho biết.
Khi cân đối giữa kinh phí chữa bệnh của Thảo và số tiền các nhà hảo tâm ủng hộ đã đủ, nhà trường quyết định đóng tài khoản, ngừng tiếp nhận ủng hộ.
Thế nhưng, có tiền để chưa bệnh nhưng bố mẹ Thảo cũng không biết bắt đầu từ đầu để chữa trị cho con. Ban giám hiệu nhà trường tiếp tục cử giáo viên chủ nhiệm và một thầy giáo khác trực tiếp hỗ trợ, thay gia đình thực hiện toàn bộ thủ tục khám, điều trị, chăm sóc Thảo trong quá trình em phẫu thuật tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội).
Được phẫu thuật và điều trị kịp thời, sức khỏe của Thảo đã khá hơn nhưng hiện nay em vẫn chưa thể quay trở lại trường học. Nhà trường vẫn tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ, hi vọng năm học tiếp theo em có thể đến trường.
Chính sự tận tâm trong hỗ trợ, giúp đỡ học trò, sự minh bạch trong quản lý, sử dụng những đồng tiền do các nhà hảo tâm giúp đỡ đã khiến nhiều tổ chức từ thiện tiếp tục đồng hành cùng nhà trường trong công tác khuyến học, giúp đỡ học trò nghèo.
Vi Tuấn Khanh (lớp 7A4, bản Tà Cồ, Châu Hạnh) 7 năm đưa bạn bị tật ở chân đến trường cũng được các nhà hảo tâm thông qua Ban giám hiệu, Hội khuyến học nhà trường hỗ trợ 100 triệu đồng để làm nhà. “Hiện chúng tôi đang lên kế hoạch để sớm khởi công, xây dựng bởi nhà của bố mẹ em Khanh đã quá xập xệ, cũ nát”, thầy Phúc chia sẻ thêm.
Không chỉ dạy các em học sinh về kiến thức, các thầy cô Trường THCS Hạnh Thiết còn là cầu nối, giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo. Thông qua các hoạt động đó, các thầy cô dạy các học sinh tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ, sẻ chia với các bạn khó.
Bên cạnh kêu gọi cho các trường học hợp sinh đặc biệt cụ thể, Quỹ khuyến học của trường với đóng góp của giáo viên và các cá nhân, tập thể khác đã hỗ trợ kịp thời đến nhiều học sinh nghèo khác mỗi dịp đầu năm mới hay vào dịp lễ, Tết.
“Nhiều năm qua, Quỹ khuyến học của nhà trường đã lo đủ sách giáo khoa cho học sinh toàn trường, để không em nào phải học “chay” do thiếu sách vở. Đầu năm học mới, chúng tôi vận động được 40 suất quà động viên các em học sinh vượt khó, vươn lên trong học tập”, bà Nguyễn Thị Xuân – Hiệu trưởng Trường THCS Hạnh Thiết thông tin. cũng vận động được 40 suất quà để trao cho các em vượt khó vươn lên trong học tập.
Trường THCS Hạnh Thiết còn nghèo, trường lớp, sân chơi cũ kỹ, chưa được khang trang nhưng ở đó luôn giàu tình nghĩa thầy trò. Ở đó, các thầy cô giáo không chỉ truyền dạy cho các em kiến thức mà là người nâng đỡ, giúp các em vượt qua khó khăn trong cuộc sống, dạy các em biết yêu thương, chia sẻ với bạn bè…
Theo Dân Trí