Do hoạt động mua bán, vận chuyển hàng lậu ngày càng phức tạp nên lực lượng chức năng tỉnh Bình Phước đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn từ biên giới thẩm lậu vào nội địa. Tuy nhiên, do hoạt động buôn lậu vào dịp gần tết có mức độ gia tăng, thủ đoạn ngày càng tinh vi khiến việc ngăn chặn gặp nhiều khó khăn.

Lực lượng chức năng huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước tiêu hủy thuốc lá lậu

Lực lượng chức năng huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước tiêu hủy thuốc lá lậu

Buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp

Tỉnh Bình Phước có 3 huyện biên giới Bù Gia Mập, Bù Đốp và Lộc Ninh với chiều dài đường biên hơn 260km, tiếp giáp với 3 tỉnh Mondulkiri, Kratíe và tỉnh Tabong Khmum, Campuchia; đồng thời đang quản lý 4 cửa khẩu, một lối mở, trong đó có một cửa khẩu quốc tế đang tạo đà cho sự phát triển kinh tế – xã hội tại khu vực biên giới. Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu tại khu vực vẫn chưa “hạ nhiệt”, hàng lậu, hàng gian, hàng giả từ Campuchia vẫn tuồn qua biên giới.

Trong 9 tháng đầu năm 2018, lực lượng chức năng đã phát hiện 2.659 vụ vi phạm và tiến hành xử lý hành chính 2.444 vụ. Tổng số tiền phạt vi phạm, bổ sung truy thu thuế và bán hàng hóa là hơn 37 tỷ đồng nộp vào ngân sách nhà nước. Mặc dù các vụ vi phạm trong lĩnh vực buôn lậu, hàng gian và hàng giả dưới hình thức đơn lẻ, nhưng diễn biến phức tạp. Các mặt hàng buôn lậu chủ yếu là thuốc lá điếu, đường cát, tân dược, quần áo…

Để có thể đối phó với lực lượng chức năng, các đối tượng thường sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi và đa dạng, thường xuyên thay đổi. Đa số các đối tượng lợi dụng địa hình đồi núi hiểm trở có nhiều sông suối và các khu vực nhiều đường ngang lối tắt để tổ chức vận chuyển hàng lậu vào nội địa. Theo địa hình từng nơi, các đối tượng vào sâu trong nội địa Campuchia mua hàng hóa sau đó tập kết về một số điểm cặp theo biên giới bên phần lãnh thổ của Campuchia, chờ thời cơ thuận lợi móc nối để bán cho cư dân biên giới. Các đối tượng buôn lậu không hoạt động ồ ạt mà lợi dụng các đường mòn, lối mở tự phát cặp theo biên giới để mua bán rồi chia nhỏ hàng hóa, khi bị bắt không đủ yếu tố để bị khởi tố. Để che đậy, các đối tượng ngụy trang, cất giấu các lô hàng trong vườn điều, lô cao su gần biên giới sau đó vận chuyển vào sâu trong nội địa để tiêu thụ.

Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Hiếu cho biết, các đối tượng buôn lậu còn thuê người cảnh giới lực lượng chức năng, sử dụng điện thoại thông báo cho nhau nhằm đối phó, tránh né, đồng thời thường xuyên thay đổi tuyến đường, thời gian, địa điểm tập kết, phương tiện giao nhận hàng. Các đầu nậu thì gian manh và xảo quyệt hơn, không lộ diện mà chỉ đạo qua điện thoại gây khó khăn trong công tác điều tra và xử lý.

Siết chặt quản lý nhà nước

Con số thống kê về số vụ buôn lậu 9 tháng đầu năm cho thấy sự nỗ lực của cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước thời gian qua là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là vì sao cuộc chiến chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại vẫn gặp nhiều khó khăn? Cũng theo ông Hiếu, mặc dù có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng cùng sự ủng hộ của nhân dân địa phương nhưng vấn đề khó khăn lúc này là kinh phí phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra chủ yếu từ nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên nên chưa đáp ứng yêu cầu lấy mẫu để kiểm nghiệm, phân tích kiểm tra chất lượng. Kết quả phân tích của Trung tâm kiểm nghiệm còn chậm, khi kết quả phân tích chất lượng hàng hóa không đảm bảo chất lượng thì cơ sở kinh doanh đã bán hết hàng hóa gây khó khăn trong việc niêm phong và xử lý vi phạm.

Để hạn chế tình trạng buôn lậu, Sở Công thương tỉnh Bình Phước sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra và kiểm tra, kiểm soát thị trường chống hàng gian, hàng giả và đầu cơ tạo khan hiếm hàng hóa giả tạo để nâng giá bất hợp lý; đặc biệt, siết chặt công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm vào thời điểm cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi như các mặt hàng bình ổn thị trường, thực phẩm tươi sống và tăng cường hơn nhiều chuyến hàng Việt về biên giới để người dân tiếp cận được những mặt hàng chất lượng cao.

Thực tế cho thấy, các đối tượng tham gia buôn lậu, vận chuyển hàng cấm phần lớn là những người không có nghề nghiệp, không chỗ ở ổn định, đời sống kinh tế khó khăn. Do đó, muốn hạn chế nạn buôn lậu, trước tiên, các ngành chức năng cần có giải pháp hiệu quả để phát triển kinh tế địa phương – nhất là kinh tế vùng biên giới vốn là địa bàn kinh tế khó khăn – hỗ trợ, tạo công ăn việc làm cho nhân dân trong khu vực biên giới. Song song với việc ổn định đời sống người dân, để họ không tiếp tay vận chuyển hàng lậu thì công tác phòng chống hàng gian, hàng giả phải được siết chặt ngay từ biên giới.

Theo Sài Gòn Giải phóng

Từ khóa : bình ổn thị trườngBù ĐốpBù Gia Mậpbuôn lậuđịa điểm tập kếtGian nan ngăn chặn hàng lậu qua biên giớihàng lậulộc ninh

Các tin liên quan đến bài viết