Được mệnh danh là vua của các loài chim, chim đại bàng hiện nay được giới “săn chim” ở TP.HCM ưa chuộng.
Đặc biệt, giá chim đại bàng hiện cũng khá rẻ, có khi chỉ vài trăm ngàn đồng, khiến giấc mơ của nhiều người trở lên đơn giản. Tuy nhiên, việc chăm sóc, duy trì và thuần dưỡng loài chim chúa tể bầu trời này rất kỳ công, tốn kém và người nuôi chim phải chọn các bãi đất trống vùng ngoại ô để luyện đại bàng.
Chúa tể sa mạc
Theo chân nhóm bạn trẻ nuôi chim đại bàng ở quận 12 (TPHCM) ra bãi đất trống “luyện chim” vào ngày cuối tuần, chúng tôi ngỡ ngàng khi bắt gặp tới gần 30 chim đại bàng, với nhiều màu sắc, hình dáng, chủng loại đến từ nhiều đất nước xa xôi khác nhau. Nhiều con đại bàng đã trưởng thành nhìn dáng hùng dũng, oai vệ, nặng tới 6kg, sải cánh lên đến hơn 1,5m.
Anh Nguyễn Ngọc Minh, 31 tuổi, chủ một chú chim đại bàng Mông Cổ, được mệnh danh là chúa tể sa mạc vô cùng hung dữ, cười bảo: “Mình bắt đầu nuôi đại bàng chừng 5 năm nay, từ khi còn ít người chơi. Lúc đó, để sở hữu một chú đại bàng, nhất là giống đại bàng quý hiếm vùng thảo nguyên Mông Cổ là cả một vấn đề nan giải, phải xin đủ giấy phép trước khi nhập chim về. Lâu lâu còn phải mang chim đi kiểm dịch. Bây giờ đại bàng được nhập về khá nhiều, nhất là từ bên Thái Lan, Campuchia giá khá rẻ, có khi chỉ vài trăm ngàn đồng một con non”.
Về cách chăm sóc loài chim hung dữ này, anh Minh bảo: “Đại bàng Mông Cổ là giống chim dữ, chuyên săn bắt các loài động vật khác, nên chúng có những thói quen di truyền không thể thuần hóa được. Dù được nuôi từ nhỏ nhưng chúng vẫn có gen hoang dã và bản năng săn bắt mồi.
Đó là lý do mình phải tìm các bãi đất trống, khu vực có không gian rộng lớn và mua sẵn các loài thức ăn như chuột, chim cút, gà con, tắc kè… còn sống thả ra để chim tự bắt và ăn thịt. Mặc dù đã luyện cho chim quen ăn đồ nguội (như thịt bò, động vật làm thịt sẵn), nhưng về cơ bản đại bàng Mông Cổ vẫn thích đồ ăn còn sống hơn”.
Không chỉ loài chim đại bàng Mông Cổ quý hiếm, trong nhóm bạn trẻ còn có nhiều loại đại bàng khác, như đại bàng núi Thái Lan, loài không quá to lớn nhưng cực kỳ nhanh nhẹn, mắt sáng và móng vuốt rất nhọn. Chủ nhân của nó, anh Trần Huy Ngọc chia sẻ: “Tôi phải nhờ một người bạn ở Băng Cốc mua con đại bàng này hơn 3 năm trước. Lúc mua nó chỉ chừng nửa kg, nhưng đến nay đã nặng tới 2,5kg. Đặc biệt là sải cánh đại bàng núi rất dài, xấp xỉ 1,4m và lông mào dài tới 10 phân. Do đại bàng này thường sống quanh các sườn núi hiểm trở, săn bắt các loài vật và ngủ nghỉ ngay các hẻm núi nên khi nuôi chúng rất cực, chim thường xổ cánh bay liên tục, có khi cả đêm rất mất sức. Vì vậy, lúc đầu tôi phải bịt mắt chim tới 20 giờ mỗi ngày để thuần dưỡng bớt vẻ hoang dã của chúng”.
Công phu thú chơi
Người nuôi chim đại bàng không chỉ sở hữu chim mà còn phải mua nhiều vật dụng chuyên dụng. Cụ thể như bộ bao tay da 3 lớp, xích chim, móc khóa chân, khóa đầu, khóa mỏ hay còi huấn luyện. Thậm chí nhiều người còn làm hẳn những chuồng chim hàng chục mét để loài vật hoang dã này trú ngụ.
Đem đại bàng đi huấn luyện. |
Thông qua mạng xã hội, những người có cùng sở thích nuôi chim đã chia sẻ, trao đổi thông tin, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, chăm sóc và thức ăn, thói quen của từng loài đại bàng, tùy theo nguồn gốc, xuất xứ. Theo những người nuôi, nhiều giống đại bàng quý hiếm có giá khá cao, trên dưới 10 triệu đồng mỗi con, nhưng điều khó khăn nhất khi sở loài chim “vua” này là việc thuần dưỡng, huấn luyện.
Có thể nói, sở hữu một cá thể đại bàng để cuối tuần mang đi chơi cùng bạn bè, mang ra quán cà phê hay đi câu cá là một niềm vui nho nhỏ, nhưng để chăm sóc, duy trì, thuần dưỡng loài chim này là một vấn đề rất khó khăn, công phu và tốn thời gian, cần sự kiên nhẫn của người nuôi. Nhiều người đam mê đại bàng nhưng không có thời gian, điều kiện chăm sóc, thuần dưỡng đã phải thuê người nuôi chim.
Anh Nguyễn Văn Tuân, ngụ ở phường Tân Thới Hiệp (quận 12), một người chuyên nhận nuôi, huấn luyện đại bàng, cho biết hiện anh đang nhận nuôi thuê và thuần dưỡng gần chục chú chim đại bàng cho một số người chơi ở trên Tân Bình, Gò Vấp. “Do nuôi đại bàng rất tốn thời gian và công sức nên với nhiều người, dù rất đam mê nhưng cũng không có thời gian. Thêm nữa, việc huấn luyện đại bàng phải có những nơi rộng rãi, bãi đất trống, nhiều người ở những khu trung tâm thành phố không có điều kiện. Vì thế, họ thuê chăm sóc, chỉ ngày cuối tuần mới nhận chim về ngắm, đưa đi dã ngoại với bạn bè, gia đình”.
Vừa nói, anh vừa chỉ tay về phía 2 chú đại bàng khá to, màu đen tuyền bảo: “Kia là cặp đại bàng Mã Lai, loài chim khá đặc trưng, cũng xuất hiện ở nhiều nước khác quanh dãy Himalaya như Ấn Độ, Nepal hay Trung Quốc… Khi trưởng thành, đại bàng này có thể bắt được cả một con nai nhỏ chứ không riêng gì những loài chim, động vật nhỏ.
Đặc tính của loài đại bàng này khi săn mồi thường bay rất chậm (trái với loài đại bàng khác), nhưng sải cánh và bóng của chúng tạo thành mảng tối rất lớn, che kín và gây hoảng loạn cho con mồi dưới đất trước khi bị cô lập và bắt đi. Cặp chim này của một anh trên Gò Vấp thuê tôi chăm sóc hơn 1 năm rồi. Mỗi tuần anh ấy xuống đem về nhà 1-2 ngày rồi lại đem về đây để tôi chăm sóc tiếp”.
Anh Tuân cũng cho biết, hiện giá nuôi thuê đại bàng khoảng từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/cá thể/tháng, tùy theo hợp đồng. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là phải am hiểu và có kỹ thuật chăm sóc. “Do đây là loài chim sống chủ yếu ở những nơi cao, hoang vu, hiểm trở nên khi đưa xuống các vị trí thấp mặt đất để nuôi, chăm sóc chim rất dễ bị mắc một số loại bệnh, nhất là khi mới nhập về. Vì vậy, nếu không có kinh nghiệm, không am hiểu và có đủ các loại thuốc chăm sóc, chim rất dễ bị chết, bị bệnh với ngay cả những người nuôi chim lâu năm” – anh Tuân chia sẻ thêm thêm.
Nguồn: vietnamnet