Sự thiếu thốn thuốc men điều trị các bệnh mãn tính như ung thư cộng với giá thành quá cao đã buộc nhiều người bênh và thân nhân của họ ở Trung Quốc phải mua thuốc lậu, hoặc tự điều chế ra thuốc.
Ông Zhang Zhejun điều chế thuốc trị ung thư (Ảnh: New York Times)
Zhang Zhejun dùng một chiếc ống hút màu vàng to, nhẹ nhàng lấy ra một thứ chất bột màu vàng nhạt, đổ lên trên một miếng giấy bạc đặt trên một chiếc cân điện tử. Zhang phải đảm bảo rằng liều lượng những thứ mà ông gọi là “thành phần điều chế thuốc ung thư” phải thật chính xác.
Zhang không có kinh nghiệm về y khoa, không có nền tảng về việc điều chế thuốc nhưng ông buộc phải làm điều này do đã quá tuyệt vọng. Mẹ ông bị ung thư phổi và để bà cần một thứ thuốc đắt đỏ để duy trì sự sống. Tuy nhiên, hệ thống chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc không thể cung cấp loại thuốc này.
Zhang hiểu rõ về những rủi ro có thể gặp phải. Thứ thuốc ông điều chế ra không được cấp phép bởi cả Trung Quốc. Zhang chỉ mua các nguyên liệu trên mạng Internet, nhưng không thể rõ thứ ông mua về là cái gì, nguồn gốc xuất xứ từ đâu và có phải là đồ thật hay không.
“Chúng tôi không kén chọn. Chỉ là chúng tôi không có quyền lựa chọn. Trong trường hợp này, bạn chỉ hy vọng rằng người bán hàng sẽ có lương tâm”, Zhang nói.
Câu chuyện của Zhang phản ánh một thực tế ở Trung Quốc rằng những bệnh nhân mắc bệnh nan y như ung thư hay tiểu đường ở đất nước này không thể tìm thấy thuốc phù hợp hoặc họ không có tiền để mua chúng.
Theo New York Times, bệnh tật là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến người Trung Quốc “khuynh gia bại sản” và lâm vào cảnh nghèo khổ, theo số liệu chính thức.
Thực tế, nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên ở Trung Quốc được cho là do quá trình kiểm duyệt và cấp phép quá nhiều rào cản và nhiều bước khiến hàng triệu người không thể tiếp cận được thứ thuộc mà họ cần để chữa bệnh. Danh mục các biệt dược do nước ngoài sản xuất thường phải trải qua hàng loạt các bước kiểm duyệt có phần dài dòng trước khi được chấp nhận vào thị trường.
Để có thể sống, nhiều người bệnh ở Trung Quốc và thân nhân của họ đành chấp nhận phạm luật. Thị trường trực tuyến với hàng loạt các loại thuốc lậu trở thành nơi lý tưởng đẻ tìm nguồn thuốc. Có thể nói, tại quốc gia này, có cả một đường dây “ngầm” chuyên về dược phẩm. Trong một số trường hợp, những người không có tiền thậm chí còn lựa chọn cách mạo hiểm hơn là tự điều chế thuốc với nguyên liệu và hướng dẫn tìm trên mạng Internet.
Đường dây thuốc lậu
Ông Hong Ruping và những lọ thuốc nhập từ nguồn không chính thống (Ảnh: New York Times)
Năm ngoái, cảnh sát ập vào căn hộ của Hong Ruping ở phía tây nam Trung Quốc. Dưới chiếc TV, cảnh sát phát hiện ra một loại thuốc chữa bệnh thận mãn tính.
Ông Hong, người hiện đang thất nghiệp và phải đi chạy thận 3 lần/tuần thừa nhận rằng ông đang sử dụng loại thuốc do Ấn Độ sản xuất. Chúng là bản sao của các loại thuốc Phương Tây đắt tiền.
Cảnh sát đã tịch thu số thuốc, cảnh báo rằng đây là những dược phẩm không được cấp phép. Sau đó, họ thả Hong ra.
Tuy nhiên, Hong vẫn tiếp tục nhập thêm thuốc hàng tháng và số thuốc này không chỉ dành cho một mình ông. Hong được gọi bằng cái tên “daigou”, đóng vai trò như đại lý thu mua, chuyên nhập thuốc từ các kênh không chính thống để bán lại hưởng chênh lệch.
“Tôi mắc bệnh và nếu họ muốn kết án tôi thì tôi cũng đành chịu. Sự khác nhau giữa ngồi tù và mắc bệnh nan y là gì? Đó là không có tự do”, Hong nói.
Theo New York Times, Trung Quốc hiện tại đang gần như áp dụng chương trình bảo hiểm cho toàn dân. Bệnh nhân thường phải chi 30% chi phí (so với 10% ở Mỹ) và có rất nhiều loại thuốc không nằm trong danh mục chi trả.
Điều này khiến nhiều người Trung Quốc chọn cách nhập lậu thuốc từ Ấn Độ, nơi có nhiều loại dược phẩm giá rẻ hơn. Loại thuốc thận có công dụng tương đương bán ở Trung Quốc có giá 4.200 USD cho liều lượng 1 năm, đắt gấp 10 lần thuốc mà Hong nhập về từ Ấn Độ.
Việc sử dụng thuốc nhập từ Ấn Độ về hiển nhiên là có rủi ro và các chuyên gia sức khỏe Trung Quốc không khuyến cáo hành động này. Tuy nhiên, nếu để lựa chọn với việc không có thuốc để dùng, hoặc phải phá sản để mua thuốc, thì người dân nghèo không còn lựa chọn nào khác phải chấp nhận mạo hiểm.
Thêm vào đó, quá trình cấp phép thuốc ở Trung Quốc được đánh giá là quá lâu. Từ năm 2001-2006, chỉ có 100 loại thuốc mới được phép lưu hành. Một loại thuốc có thể mất tới 6-7 năm để được “bật đèn xanh” sử dụng, khiến nhiều bệnh nhân mắc ung thư có thể đối mặt với án tử hình.
Cuối năm ngoái, chính quyền Trung Quốc đã có những động thái nhằm đẩy nhanh tiến độ phê duyệt thuốc mới. Thời gian phê duyệt đã giảm xuống còn 2-3 năm. Chính phủ cũng thúc đẩy phát triển các loại thuốc ít tốn kém hơn để chống lại các bệnh đe dọa tính mạng.
Tuy nhiên, sau khi được phê duyệt, để người nghèo có thể sử dụng, loại thuốc mới cần được phía bảo hiểm thông qua. Quá trình này có thể kéo dài tới vài năm nữa.
Tự điều chế thuốc
Cận cảnh thứ nguyên liệu thô màu vàng nhạt ông Zhang chế thuốc chữa bệnh cho mẹ (Ảnh: New York Times)
Những bệnh nhân nghèo như Yao Xianghua buộc phải sử dụng thuốc trong danh mục của bảo hiểm. Yao, một cựu giáo viên tiểu học đã mắc ung thư phổi và không thể được điều trị bằng phẫu thuật hay biện pháp sinh liệu. Bà được chẩn đoán ra bệnh vào năm 2011 khi đã 68 tuổi mà cảm thấy quá già để bắt đầu xạ trị hay hóa trị.
“Mẹ từ bỏ. Mẹ để cho số phận quyết định”, bà Yao nói với con trai Zhang Zhejun.
Bác sĩ của bà kê thuốc Iressa, ngăn chặn tế bào ung thư phát triển do hãng AstraZeneca sản xuất. Thuốc này được đưa vào danh mục được bảo hiểm chi trả sau khi hãng AstraZeneca đồng ý giảm giá xuống 1 nửa, tương đương 1.000 USD/liều/tháng.
Mức giá này vẫn quá đắt với bà Yao, người đang theo chương trình bảo hiểm y tế hợp tác nông thôn. Chương trình này có mức chi và quyền lợi rất thấp so với bảo hiểm dành cho người sống ở thành thị. Lương hưu của bà chỉ có 460 USD/tháng và bảo hiểm khi đó không chi tiền cho thuốc ngoại.
Ông Zhang quyết tâm phải cứu lấy mẹ. Ông nghỉ việc và chuyển về sinh sống với mẹ ở thành phố Cẩm Châu. Ông phát hiện Iressa có một phiên bản sản xuất ở Ấn Độ với giá rẻ hơn. Nhưng sau 9 tháng, bà Yao đã “nhờn thuốc” và Zhang buộc phải lên mạng tìm phương pháp thay thế.
Trên mạng Internet Trung Quốc, thị trường thuốc lậu hay nguyên liệu thô điều chế thuốc rất sôi động. Các thương nhân tại các diễn đàn và trang web ngang nhiên quảng cáo công khai các nguyên liệu, hướng dẫn cách tự điều chế, gửi những thông điệp hấp dẫn tới người mua. Với giá rẻ, những người không có tiền như Zhang buộc phải lựa chọn cách này.
Zhang bắt đầu nhập nguyên liệu thô, các dụng cụ chế tạo và chế thuốc để cứu mẹ. “Những nguyên liệu này đắt ngang với vàng”, Zhang nói. Mỗi khi bà Yao “nhờn thuốc”, Zhang lại lên mạng tìm kiếm công thức mới và bắt tay điều chế.
“Bạn không biết trước mắt bạn là con đường hay cái hố. Nhưng bạn vẫn phải tiến về phía trước. Bạn không thể dừng lại”, Zhang gạt nước mắt chày trên má, chia sẻ.
Loại thuốc này có thể hiệu quả để giúp mẹ Zhang duy trì sự sống, nhưng nó mang lại cả tác dụng phụ. Bà Yao từng bị tiêu chảy nặng khi uống những viên thuốc do con trai điều chế và phải nhập viện 1 tháng. Nhưng họ vẫn kiên trì chống chọi đến cùng.
Bà Yao qua đời năm 2017, hai năm sau khi con trai bà bắt đầu điều chế thuốc. Nguyên nhân cái chết là xuất huyết đường tiêu hóa và viêm phế quản cấp tính. Một năm sau, ông Zhang vẫn chưa rõ liệu có phải mẹ mình chết do dùng thuốc mà mình tự chế hay không.
Theo Dân Trí