Từ Chicago cho đến London, bạn sẽ gặp rất nhiều y tá người Philippines làm việc ở các bệnh viện trên toàn thế giới. Điều đó thực ra không có gì đáng ngạc nhiên, vì Philippines là nước xuất khẩu y tá lớn nhất thế giới – trong số 2,2 triệu người Philippines sinh sống và làm việc ở nước ngoài, 25% trong số đó nguyện cả đời làm công việc chăm sóc người khác.
Nguyên cớ lịch sử
Sự đổ bộ với số lượng lớn của các y tá người Philippines vào các nước phát triển có nguồn gốc lịch sử sâu xa. Theo Hiệp Ước Paris 1898, nước Mỹ tiếp nhận nhiều thuộc địa của Tây Ban Nha, trong đó có Philippines. Dưới sự quản lý của người Mỹ, người Philippines dần bị đồng hóa với văn hóa Mỹ qua giáo dục, đặc biệt là việc dạy tiếng Anh. Điều này làm nhiều người Philippines nảy sinh “giấc mơ Mỹ”. Trong suốt cơn đại dịch sốt rét và dịch tả, số lượng y tá Mỹ ở Philippines thiếu hụt nghiêm trọng. Vì thế, phụ nữ địa phương được tuyển dụng để trở thành các Ý tá Hợp đồng Phụ trợ Tình nguyện.
Vào năm 1930, theo Đạo luật Pensionado, các sinh viên người Philippines đủ tiêu chuẩn được gửi sang Mỹ học tập, gồm cả các y tá hợp đồng phụ trợ tình nguyện. Họ trở thành lứa y tá Philippines đầu tiên đến Mỹ. Một số người ở lại định cư và khuyến khích gia đình nhập cư sang Mỹ. Và chính điều đó tạo ra các làn sóng y tá từ Philippines, làm sống dậy giấc mơ Mỹ của họ.
Trong suốt Thế chiến II, các y tá Philippines đóng vai trò quan trong trong việc chăm sóc lính tráng bị thương. Nhờ sự quen thuộc với văn hóa Mỹ của người Philippines, đặc biệt là khả năng nói tiếng Anh, những nhân công mới nhập cư này dễ dàng thích nghi với môi trường mới.
Xuất khẩu y tá
Khi các nước nhận thấy sự thiếu hụt y tá ở nước mình và phát hiện ra rằng thuê y tá Philippines rẻ hơn so với tự đào tạo y tá của mình, họ bắt đầu nhập khẩu y tá từ Philippines. Ả rập Xê út trở thành điểm đến hàng đầu của các y tá Philippines. Các nước châu Âu cũng tìm đến y tá Philippines, và họ làm việc khá đông ở Đức, Anh và Ireland. Các nước láng giềng như Singapore và Nhật Bản cũng bắt đầu thuê mướn y tá Philippines.
Rất nhiều gia đình Philippines thấy nghề y tá ở nước ngoài là chìa khóa mở ra một cuộc sống tốt đẹp hơn – vì thế có đến hơn 500 trường đào tạo y tá ở Philippines ngày nay. Mức lương của một y tá hải ngoại cao gấp 15 lần so với làm việc ở các bệnh viện tại Philippines.
Với nhiều người Philippines, trở thành y tá mang lại cơ hội làm việc ở nước ngoài lớn hơn rất nhiều – vì họ ít chịu sự cạnh tranh từ nhân công trong nước cũng như nước ngoài. Làm y tá ở nước ngoài cũng kiếm được nhiều tiền hơn so với các công việc khác mà người Philippines hay làm như công nhân xây dựng và người giúp việc.
Với sự đào tạo cơ bản theo tiêu chuẩn Mỹ, khả năng ngoại ngữ thành tạo và bản chất vốn có là chăm lo cho người già và người thân bị bệnh, người Philippines rất thích hợp với nghề y tá. Là một đất nước với nhiều phương ngữ và một nền văn hóa chịu ảnh hưởng đa chiều, người Philippines rất giỏi thích nghi với các nền văn hóa mới cũng như học ngôn ngữ mới. Các nhà tuyển dụng cũng rất thích họ vì họ không ngại làm thêm giờ, với hy vọng sẽ kiếm được thêm nhiều tiền để gửi về nhà.
Tài sản quý của đất nước
Nhân lực Philippines làm việc ở nước ngoài là nguồn lực quý giá vì giá trị ngoại tệ họ gửi về để giúp đỡ nền kinh tế nền kinh tế trong nước. Cựu tổng thống Ferdinand Marcos đã nắm lấy cơ hội này và xuất khẩu nhiều lao động sang Trung Đông. Chính phủ cũng thiết lập các cơ quan hữu quan để giúp bảo vệ người Philippines làm việc ở nước ngoài. Ngày nay, giá trị khoản tiền họ gửi về quê nhà lên đến 28 tỷ USD mỗi năm.
Những năm gần đây, ngành đào tạo y tá nở rộ với rất nhiều trường cung cấp chương trình đào tạo. Cũng giống như bất kỳ ngành công nghiệp bong bóng nào khác, ngành này cũng phải đối mặt với các vấn đề như dư thừa y tá đủ khả năng làm việc ở nước ngoài và thiếu y tá lành nghề làm việc trong nước. Tuy nhiên, ngành này vẫn không bị ảnh hưởng nhiều vì người Philippines tiếp tục rời bỏ đất nước để tìm kiếm những vùng đất hấp dẫn hơn.
Theo Đinh Vân/Doanh nhân Sài gòn