Các hãng hàng không tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ nhu cầu thị trường tiếp tục duy trì ở mức cao, tuy nhiên, kết quả kinh doanh lại bị ảnh hưởng mạnh từ yếu tố thị trường như nhiên liệu hay tỷ giá.  Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ mà đặc biệt tình trạng chậm, huỷ chuyến chưa được cải thiện khiến khách hàng phàn nàn ngày càng nhiều. 00

Doanh thu tăng, lợi nhuận giảm

Mới đây, các hãng hàng không đã công bố tình hình kinh doanh trong 3 quý đầu năm khả quan. Cụ thể, doanh thu hợp nhất Vietnam Airlines ghi nhận đạt gần 73.500 tỷ đồng, tăng trưởng 18,3% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, báo cáo của Vietjet Air cho thấy quy mô doanh thu đã lên tới mức 34.000 tỷ đồng, tăng trưởng đến 50%.

Tuy nhiên, nếu bóc tách chi tiết thì doanh thu Vietjet Air tăng mạnh nhờ ghi nhận hoạt động “bán và thuê lại” (nghiệp vụ đặc biệt của ngành hàng không), đóng góp đến gần 25% vào tổng doanh thu. Theo đó, trong 9 tháng đầu năm, Vietjet Air ghi nhận doanh thu từ hoạt động bán 7 máy bay (cùng kỳ là 5 máy bay).

Mặc kệ delay, các hãng hàng không thu lãi ngàn tỷ
Doanh thu tiếp tục tăng nhưng lợi nhuận các hãng bị ảnh hưởng vì biến động thị trường thế giới

Thậm chí, cả hãng hàng không Jetstar Pacific sau nhiều năm kín tiếng, hồi tháng 7 cũng công bố doanh thu và lợi nhuận tăng đáng kể, mặc dù khoản lỗ lũy kế vẫn còn đó. Cụ thể, doanh thu của JPA tăng trưởng 35% so với cùng kỳ 2017 và vượt 3% so với kế hoạch năm 2018.

Tuy nhiên, có một điều đáng chú ý là lợi nhuận không tăng tương xứng với doanh thu của các hãng.

Chẳng hạn, lũy kế trong 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của Vietnam Airlines chỉ còn khoảng 1.968 tỷ đồng, giảm 12,8% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là vì giá nguyên liệu, tỷ giá ngoại tệ tăng ảnh hưởng đến tổng chi phí tăng gần 16,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đại diện Vietnam Airlines cho biết.

Còn Vietjet Air mới đây cũng thông tin, chi phí cao hơn vì giá nhiên liệu cao hơn và liên tục mở đường bay mới. Tính chung, chi phí cho mỗi chỗ ngồi trên km (CASK) ở mức 4,25USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ.

Chi phí cao khiến các hãng giảm lợi nhuận, ngay cả Vietjet Air. Mặc dù lợi nhuận sau thuế trong báo cáo chung lên đến 33%, nhưng thực tế lợi nhuận từ hoạt động truyền thống chỉ tăng trưởng 11%, theo nhận định của Công ty chứng khoán SSI.

Với các đội bay, chi phí xăng dầu thường chiếm khoảng 30% tổng chi phí hoạt động nên ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận chung của hãng. Báo cáo tài chính cho thấy chi phí giá vốn hàng bán của Vietjet Air tăng lên 54%, trong khi Vietnam Airlines tăng 21,8%.

Trong khi đó, giá nhiên liệu máy bay trung bình thế giới tháng 8/2018 tăng 33,5% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới (IATA).

Hồi tháng 8, cả 3 hãng hàng không đồng loạt kiến nghị được phép tăng giá vé. Thậm chí, Jetstar còn đề xuất tăng tối đa 25% so với mức quy định hiện tại.

Đường băng Việt ngày càng chật chội

Báo cáo của SSI mới đây dẫn lại công bố của Vietjet Air về thị phần các hãng. Theo đó, trong 9 tháng đầu năm, thị phần của Vietjet Air đạt 45%, Vietnam Airlines chiếm 38%, Jetstar Pacific 15% và VASCO là 2%.

Mặc kệ delay, các hãng hàng không thu lãi ngàn tỷ
Thị trường hàng không ngày càng thêm “nóng”

Nhiều nhà đầu tư nội đang ráo riết tìm cách gia nhập đường băng Việt, điển hình như đại gia FLC với thương hiệu Bamboo Airways, liên doanh của Công ty Hải Âu cùng hãng hàng không giá rẻ Air Asia, hay Vietstar Airlines.

Làn sóng xin giấy phép bay bắt đầu rộn ràng từ năm ngoái. Tuy nhiên, kế hoạch bay trong năm nay mà các hãng này đặt ra hồi ban đầu hầu như phá sản.

Chẳng hạn như Bamboo Airways đã phải lùi lịch sang đầu năm 2019 thay vì vào đầu tháng 10 vừa qua. Trong năm ngoái, SkyViet, dự án tái cấu trúc lại VASCO theo yêu cầu của cơ quan quản lý, được Vietnam Airlines và cổ đông khác là Techcom Capital chưa kịp khởi động đã phải giải thể. Trong khi đó, liên doanh với Air Asia cũng im hơi lặng tiếng.

Hiện chỉ còn mỗi Bamboo Airways là liên tiếp công bố thông tin về dự án bay của mình. Theo quảng bá, Bamboo Airways hoạt động theo mô hình hàng không mới, kết hợp giữa dịch vụ hàng không truyền thống và hàng không chi phí thấp, tập trung vào du khách đưa đến các địa điểm du lịch.

Một điều đáng chú ý là Việt Nam cũng đang đối mặt với tình trạng hạ tầng hàng không quá tải. Tuy nhiên, các nhà đầu tư tư nhân đã tham gia xây dựng và vận hành các cảng hàng không, mở ra cơ hội tăng trưởng mới cho các hãng bay.

Thống kê cho thấy trong giai đoạn 2010-2017, thị trường vận tải hàng không Việt Nam tăng trưởng bình quân 16,6% về hành khách, 14%/năm về hàng hóa. Dự kiến trong thời gian tới sẽ tăng trưởng bình quân 15%/năm.

Hiện nay, miếng bánh trên thị trường ngày càng nở to, chủ yếu đến từ nhu cầu đi lại nội địa tăng lên và lượng khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng mạnh. Thực tế có thể thấy, sau khi đã phủ sóng hết ở thị trường nội địa, các ông lớn bắt đầu tăng cường mở thêm đường bay quốc tế, kể cả Jetstar Pacific.

Tuy nhiên, trên các chặng bay quốc tế, các hãng không chỉ cạnh tranh nội địa lẫn nhau mà còn rất nhiều hãng bay quốc tế, từ hãng hàng không giá rẻ cho đến truyền thống như Air Asia, Lion Air, Tiger Airways, Cathay Pacific, Emirates,… Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho hay hiện có sự tham gia khai thác của 71 hãng hàng không nước ngoài, đến tư 28 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : delayhãng hàng khôngJetstar Pacifickinh doanh hàng khôngVietnam Airlines

Các tin liên quan đến bài viết