Đăng Hà là xã vùng sâu, xa của huyện Bù Đăng. Kinh tế của xã chủ yếu sản xuất nông nghiệp, trong đó lúa và điều là cây trồng chủ lực. Tuy nhiên, do năng suất cây trồng không cao nên dù đã 4 năm (từ năm 2014) thoát xã nghèo nhưng đời sống người dân Đăng Hà chưa có nhiều cải thiện.

MỚI CÓ 1,2KM ĐƯỜNG BÊ TÔNG XI MĂNG

Giao thông là yếu tố quan trọng để thúc đẩy kinh tế phát triển. Tuy nhiên, ở Đăng Hà ngoài tuyến đường huyết mạch từ ngã ba Sao Bọng (xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng) đến trung tâm xã dài 38km được trải nhựa, còn lại các tuyến đường liên thôn hầu hết là đất đỏ, nắng bụi, mưa lầy. Ông Vũ Ngọc Đỉnh, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã cho biết: “Ngay cả tuyến đường huyết mạch để thông thương với các vùng lân cận đi lại cũng rất khó khăn bởi chi chít ổ voi, ổ gà. Đặc biệt là khu vực Dốc 5 cây, đoạn giáp ranh giữa 2 xã Thống Nhất và Đăng Hà dài 5km có nhiều khúc cua gấp, cheo leo bên vách núi, mưa thì sình lầy, nắng bụi mù mịt”.

Người dân dùng lồ ô đan lót mặt đường để đi lại trên tuyến liên thôn 1, 2 và khu vực Bàu Tre thôn 5, xã Đăng Hà (Bù Đăng)

Hiện xã quản lý gần 27km đường liên thôn, ấp và gần 100km đường nội đồng. Tuy nhiên, toàn xã mới xây dựng được 1,2km đường bê tông xi măng, trị giá 624 triệu đồng tại thôn 2 theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Còn lại là đường đất đỏ, mùa mưa xe chở nông sản, xe máy cày quấn xích chạy liên tục, tạo thành những rãnh sâu, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân. Tuyến đường đi qua các thôn 1, 2 và khu vực Bàu Tre, thôn 5 dài hơn 3km. Đây là tuyến lưu thông thường xuyên của người dân và học sinh trong xã. Thời gian gần đây, lượng xe cơ giới qua lại nhiều nên đoạn này bị xuống cấp nghiêm trọng. Trước tình trạng đó, đầu tháng 9 vừa qua, xã đã hỗ trợ người dân 10 triệu đồng để mua dây dù; huy động Đoàn thanh niên, Ban CHQS xã phối hợp với người dân dùng cây lồ ô đan, lót thành đường tạm cho người dân đi lại.

“Chứng kiến tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng, đồng chí Bí thư Huyện ủy đã vận động được 150 triệu đồng, xã huy động sức dân cùng với nguồn xi măng của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để bê tông xi măng đường. Chúng tôi đang chờ thời tiết thuận lợi để khởi công” – Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Vũ Ngọc Đỉnh nói.

LÚNG TÚNG BÀI TOÁN PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Hiện trên địa bàn xã Đăng Hà sản xuất nông nghiệp chiếm 79%, thương mại – dịch vụ 16%, tiểu thủ công nghiệp 5% trong cơ cấu kinh tế của xã. Tổng đàn gia súc, gia cầm ở Đăng Hà hiện có gần 41.000 con, giảm 3.226 con so với năm 2015. Hầu hết chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún theo quy mô hộ gia đình. Tổng diện tích gieo trồng ở xã khoảng 3.143 ha, trong đó điều và lúa nước là cây trồng chính. Những năm gần đây, thời tiết diễn biến thất thường, giá nông sản bấp bênh, sâu bệnh phá hoại cây trồng, vườn điều chỉ đạt năng suất 0,5 tạ/ha, thậm chí có nơi bị mất trắng. Nhiều hộ phải cưa bỏ điều để thay thế cây trồng khác vì sâu bệnh hoành hành. Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2018, người dân trên địa bàn xã đã cưa bỏ trên 135 ha điều để chuyển đổi qua các cây trồng khác.

Mùa mưa, tuyến đường liên thôn 1, thôn 2 và khu vực Bàu Tre, thôn 5, xã Đăng Hà trở thành con mương nhão nhoẹt bùn

Hiện xã có trên 1.213 ha lúa nước canh tác từ 2-3 vụ mỗi năm. Trong đó, vụ đông xuân 415 ha, vụ mùa 799 ha, năng suất trung bình từ 6-6,5 tấn/ha. Thời gian qua, UBND xã cùng các cơ quan chức năng đã tập trung cải tạo những công trình thủy lợi trên địa bàn. Tuy nhiên, đến nay trạm bơm và hệ thống kênh mương nội đồng vẫn còn nhiều bất cập, chưa phát huy hết hiệu quả hoạt động. Nhiều diện tích lúa do thiếu nước về mùa khô nên ảnh hưởng đến thâm canh tăng vụ và năng suất. Ông Vũ Ngọc Đỉnh cho biết thêm, xã đã tham mưu lãnh đạo huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng thương hiệu Gạo Đăng Hà. Trước mắt chọn thôn 2 làm điểm vì thôn 2 có 214 hộ canh tác khoảng 189 ha lúa 2 vụ/năm. Người dân ở đây có kinh nghiệm trồng lúa nước và địa hình của thôn bằng phẳng, đất tốt, lại chủ động được nguồn nước nên năng suất trung bình 6 tấn/ha. Huyện sẽ đầu tư một máy sấy lúa, chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn hướng dẫn người dân kỹ thuật canh tác, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, hoàn thành hồ sơ, thủ tục để chứng nhận thương hiệu Gạo Đăng Hà. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh tiếp tục nâng cấp hệ thống thủy lợi để phục vụ hiệu quả việc tưới tiêu, nhất là vào mùa khô. Với diện tích cây điều già, năng suất thấp, UBND xã hướng dẫn người dân chuyển đổi sang các loại cây như thiên ngân (gáo vàng), sầu riêng, đinh lăng, trồng dâu nuôi tằm, trồng cây keo và nhiều loại cây trồng khác tùy vào địa hình, chất đất.

“Dù xã đã có nhiều nỗ lực nhưng có những vấn đề vượt quá khả năng nên Đăng Hà cần sự hỗ trợ từ cấp trên. Hiện Đăng Hà chỉ có 125 hộ sản xuất – kinh doanh, tổng thu ngân sách đến giữa nhiệm kỳ 2015-2020 chỉ đạt 13,3 tỷ đồng, thu nhập bình quân chỉ 17 triệu đồng/người/năm. Thực hiện xây dựng nông thôn mới, xã mới đạt 7/19 tiêu chí. Dù đầu năm 2017 đã chuyển 194 hộ, 964 người thuộc các thôn 1 và 3 của Đăng Hà sang xã Đắk Lua, huyện Tân Phú (Đồng Nai), nhưng hiện Đăng Hà vẫn còn 125 hộ nghèo với 492 người, 73 hộ cận nghèo với 286 người. So với đầu năm 2015, tăng 15 hộ nghèo theo tiêu chí mới” – ông Vũ Ngọc Đỉnh nhận định.

Theo Báo Bình Phước

Từ khóa : Đăng Hàkhu vực Bàu Tre thôn 5vùng sâuxã Đăng Hà

Các tin liên quan đến bài viết