“Nếu cho không đất trong Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, tôi cũng không dám nhận để đầu tư. Bởi du khách đến Bom Bo là tìm đến vùng đất cách mạng của tộc người S’tiêng trong kháng chiến chống Mỹ. Tìm đến Bom Bo là tìm về cội nguồn giá trị văn hóa cộng đồng của tộc người S’tiêng trên đất Bình Phước. Thực ra, du lịch không cần chính sách thu hút hay ưu đãi gì to tát lắm đâu. Du lịch cần sự đầu tư thật sự, đầu tư tới nơi tới chốn, đầu tư đúng với bản sắc vốn có của chính chủ thể không gian văn hóa vùng đất đó là du khách sẽ tìm đến. Khi ấy, ta hãy tính đến những bước đi lớn hơn cho ngành du lịch tỉnh nhà” – Giám đốc Công ty TNHH du lịch Việt Phước Nguyễn Đức Hiếu, người đã làm du lịch 13 năm trên đất Bình Phước chia sẻ.
THỰC TRẠNG DU LỊCH
Với những lợi thế du lịch sẵn có, lượng du khách đến với Bình Phước trung bình đạt khoảng 200-250 ngàn lượt người/năm. Các chỉ tiêu về du lịch từ năm 2010 đến nay cho thấy lượng khách tăng đều qua các năm. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa phản ánh đúng tiềm năng du lịch sẵn có của tỉnh và ngành du lịch Bình Phước vẫn chưa tạo được dấu ấn trên bản đồ du lịch cả nước. Cụ thể giai đoạn 2010-2015, lượt khách du lịch tăng bình quân hằng năm đạt khoảng 5,6%, thấp hơn dự báo 7,3% tính đến năm 2015; doanh thu tăng bình quân khoảng 10%, thấp hơn dự báo 17,6% tính đến năm 2015. Hầu hết các dự án đầu tư du lịch trên địa bàn tỉnh đang trong giai đoạn đầu triển khai, chưa có sức hút cao đối với du khách. Toàn tỉnh hiện có 4 dự án trọng điểm về phát triển du lịch đang được triển khai thực hiện, gồm: Dự án phim trường kết hợp khu du lịch sinh thái trảng cỏ Bù Lạch (Bù Đăng), Dự án quần thể văn hóa – cứu sinh núi Bà Rá (Phước Long), Khu di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Quân ủy Bộ chỉ huy Miền Tà Thiết (Lộc Ninh), Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo (Bù Đăng). Đây là 4 dự án được đầu tư bằng nguồn ngân sách và xã hội hóa nhằm kết nối các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh để thu hút du khách. Ngoài Dự án Khu di tích lịch sử Căn cứ Bộ chỉ huy Miền Tà Thiết, cả 3 dự án du lịch còn lại ngổn ngang việc phải làm. Cụ thể như đệ nhất danh thắng trảng cỏ Bù Lạch được xây dựng bằng dự án phim trường kết hợp du lịch sinh thái với tổng vốn đầu tư dự kiến cả ngàn tỷ đồng. Thế nhưng sau gần 4 năm, con đường 10km dẫn vào địa danh này hiện nay vẫn thi công chưa xong. Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo đã được đầu tư cả trăm tỷ đồng nhưng vẫn đìu hiu không thể thu hút du khách. Còn quần thể Khu di tích lịch sử cấp quốc gia núi Bà Rá, hiện nay người dân trong vùng dự án vẫn chưa hình dung được quy mô dự án như thế nào, thủ tục đầu tư vẫn chưa xong.
Vẻ đẹp của những cánh rừng tự nhiên bán ngập trên địa bàn huyện Bù Đốp vẫn hoang sơ chờ sự đầu tư quảng bá của các nhà làm du lịch
“Trong quy hoạch, đầu tư phát triển du lịch của tỉnh đưa ra 8 sản phẩm chính, gồm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch thương mại cửa khẩu, du lịch cuối tuần, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch caravan, du lịch tâm linh và du lịch mạo hiểm. Tuy nhiên, thời gian qua, việc đầu tư xây dựng các dự án còn dang dở nên chưa có khả năng phát triển các sản phẩm du lịch một cách bài bản và mang tính bền vững. Bên cạnh đó, do nhu cầu mới phát sinh của du khách, ngành du lịch Bình Phước mới chỉ dừng lại ở việc khai thác tài nguyên du lịch mà chưa thể đầu tư đầy đủ dịch vụ thiết yếu để trở thành sản phẩm du lịch đúng nghĩa. Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến thực trạng này là cơ sở hạ tầng du lịch của tỉnh hiện còn nhiều hạn chế, chưa đầu tư tới nơi, tới chốn, chưa xây dựng được sản phẩm du lịch đặc trưng. Bên cạnh đó, công tác xúc tiến, quảng bá, liên kết vùng vẫn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức” – Phó giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Đỗ Minh Trung nhận định.
Ngày 11-7-2017, Tỉnh ủy Bình Phước ban hành Kế hoạch số 71-KH/TU thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, mục tiêu chung là nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch của tỉnh, tạo hình ảnh điểm đến, thương hiệu du lịch mang đặc trưng của Bình Phước. Phát triển du lịch theo hướng du lịch sinh thái, tâm linh, về nguồn và văn hóa nhằm giữ gìn và phát huy giá trị tài nguyên du lịch văn hóa truyền thống dân tộc. Kết nối với các vùng du lịch trọng điểm phía Nam và quốc tế qua Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư. Phấn đấu đến năm 2025, du lịch Bình Phước thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, là một trong những tỉnh có thế mạnh phát triển du lịch hàng đầu vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên.
GIẢI PHÁP NÀO?
Phó giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Đỗ Minh Trung cho biết: Để đạt được mục tiêu theo Kế hoạch số 71-KH/TU của Tỉnh ủy, Bình Phước đang cần 2.000 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như các thiết chế văn hóa phục vụ du lịch. Cùng với chừng ấy vốn là phải có cơ chế mở, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư cho du lịch.
Còn nhà làm du lịch lữ hành Nguyễn Đức Hiếu thì cho rằng: Muốn thu hút du khách, trước hết người làm du lịch phải biết nói thật, làm thật và đầu tư thật. Điểm nhấn của du lịch Bình Phước trước hết phải kể đến Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo. Nhưng hãy khoan nhìn nó dưới góc độ du lịch mà chúng ta cứ đến đó để nhìn, để cảm nhận thử xem. Có gì không? Chưa xây dựng xong, chưa có sản phẩm du lịch đã giới thiệu, quảng bá đưa du khách đến. Rõ ràng trên thực tế, khách đến vỡ mộng vì không tìm thấy chủ thể văn hóa của Bom Bo đâu cả. Nếu tìm đến Bom Bo để ngắm các khối kiến trúc bằng bê tông thì du khách sẽ tìm đến Đà Lạt, Huế, TP. Hồ Chí Minh hay các tỉnh, thành khác tốt hơn ở Bom Bo rất nhiều. Tại sao Hồ Lắk ở tỉnh Đắk Lắk có gì đâu mà du khách đến nhiều thế? Tại sao cộng đồng người Lạch ở xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng cũng như bao tộc người khác trên cao nguyên mà lại cuốn hút du khách cả ngày lẫn đêm? Hay như cây tam giác mạch, hoa ban ở tít tắp trên non cao của núi rừng Tây Bắc lại mê hoặc lòng người đến thế? Bởi nó chính là nó. Nó đơn sơ mộc mạc. Nó được quảng bá đúng theo bản chất vốn có của nó và cái chính nữa là nó còn giữ được bản sắc ban sơ mà con người ở thời hiện đại đang cần đến.
Các công ty lữ hành của tỉnh Bình Phước cho biết, trong tổng số du khách tìm đến Bình Phước có đến 50% khách du lịch phượt tuổi đời còn rất trẻ. Trong thời đại công nghệ số như hiện nay, họ có thể đến bất kỳ nơi đâu nếu họ thích. Nơi nào đẹp và thuận tiện cho việc khám phá, nghỉ ngơi gần gũi với thiên nhiên thì họ đến. Nơi nào giàu bản sắc, giàu tình người ở buổi sơ khai thì họ tìm đến. Do vậy, cách tốt nhất để đánh thức tiềm năng du lịch Bình Phước là giữ gìn, tôn tạo bản sắc văn hóa vốn có của chính tộc người và thiên nhiên nơi đây. Bên cạnh đó, việc cần làm ngay hiện nay là phải biết cách quảng bá khẩn cấp các điểm đến giàu tính nhân văn của con người và đặc sắc của tự nhiên trên phương tiện truyền thông hiện đại của thời công nghệ 4.0, nhằm tạo điều kiện cho tuổi trẻ tìm kiếm điểm đến dễ dàng mà thu hút du khách. Nguồn kinh phí để làm điều đó trước khi đưa du lịch tỉnh nhà trở thành ngành kinh tế mũi nhọn hoàn toàn trong tầm tay của tỉnh Bình Phước.
Theo Báo Bình Phước