Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, kết quả của ngành nông nghiệp không trọn vẹn vì một số cây công nghiệp năm nay đạt kết quả thấp, không chỉ có hồ tiêu, điều, cao su, mà còn cây mía, ngoài ra khi vào mùa thu hoạch cây cà phê trong tháng 11 tới, dự báo giá cũng sẽ không được như mong muốn.
Sáng 1/11, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 3 phiên chất vấn các thành viên Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Lê Hiếu
Trả lời câu hỏi của đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước) xung quanh chuyện cây tiêu, cây điều, cao su gặp khó khăn về tiêu thụ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, chỉ còn 2 tháng nữa là hết năm 2018, dự kiến các mục tiêu của ngành nông nghiệp đều đạt tốc độ tăng trưởng tốt, kim ngạch xuất khẩu cao, thậm chí rất khá trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định kết quả của ngành nông nghiệp không trọn vẹn vì một số cây công nghiệp năm nay đạt kết quả thấp, do giá hồ tiêu, giá cà phê, rồi cao su năm nay đều rất thấp. Không chỉ có hồ tiêu, điều, cao su, mà còn cây mía, ngoài ra khi vào mùa thu hoạch cây cà phê tháng 11 tới, dự báo giá cũng sẽ không được như mong muốn.
“Xin chia sẻ với bà con nông dân, các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng trong khu vực này” – Bộ trưởng nói.
Đối với Bình Phước, đây là tỉnh có diện tích điều lớn nhất cả nước, hiện có khoảng 180.000ha trong tổng số 320.000ha điều, với 72.000 hộ nông dân đang tham gia trồng điều. Trong khi đó, cây điều đã bị mất mùa 3 năm liên tiếp. Năm 2015 nhiều diện tích điều bị hạn hán, 2016 mưa nhiều gây mất mùa, năm 2017 thì sâu bệnh hoành hành, khiến năng suất kém.
Thực tế là nếu so với thế giới, năng suất cây điều của chúng ta cao gần gấp đôi, đạt bình quân 1,5 tấn/ha, tuy nhiên giá bán hạt điều chỉ khoảng 48.000 đồng/kg nên so với các loại cây trồng khác, cây điều vẫn cho hiệu quả kinh tế thấp hơn. Đây là khó khăn chung của cây điều và rất chia sẻ với bà con.
Điều đáng mừng là ở Bình Phước, các đồng chí lãnh đạo rất quan tâm tới cây điều. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã có quyết sách hỗ trợ tới 42 tỉ đồng cho bà con về phân bón, cây giống nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cây điều.
“Nhưng đứng trước thực tế hiện nay, đúng là ngành điều phải tái cơ cấu lại. Bộ NN&PTNT đã bàn với các tỉnh có một đề án tổng thể về ngành điều, bởi nếu không bàn kỹ về cây này sẽ có nguy cơ ảnh hưởng tới một ngành sản xuất chiếm tới 3 – 4 tỉ USD kim ngạch mỗi năm” – ông Cường nói.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường thăm dây chuyền sản xuất, chế biến hạt điều Phúc An, ở thị xã Phước Long, Bình Phước, một trong những doanh nghiệp xuất khẩu điều lớn nhất Việt Nam hiện nay. Ảnh: I.T
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng chỉ ra những “nút thắt” lớn đang tồn tại đối với cây điều: Đây là một loại cây duy nhất mà chúng ta phải nhập khẩu tới hơn 70% nguyên liệu. Đây là bất cập rất lớn, chúng ta phải làm thế nào để giải bài toán này, giảm nhập nguyên liệu mới có thể nâng cao giá trị.
Thứ hai, mặc dù năng suất cây điều so với thế giới đang cao gấp đôi, nhưng so với cây trồng khác, so với yêu cầu của người nông dân thì chúng ta phải có trách nhiệm trả lời bà con trong việc nâng cao hiệu quả hơn nữa, nếu không thì cây điều sẽ không còn chỗ đứng không chỉ ở Bình Phước mà cả khu vực Tây Nguyên…
Thứ 3, ngành điều Việt Nam tự hào có khâu chế biến đi đầu thế giới với 486 nhà máy chế biến, nhưng để ra chuỗi giá trị rất sâu thì mới có hơn 200 nhà máy làm được, còn lại mới chủ yếu là rang khô, đóng gói xuất khẩu.
Thứ 4, là phải tận dụng được các phế phẩm khác từ cây điều. Đặc trưng của cây điều là khối lượng sinh khối của quả điều rất lớn so với khối lượng hạt, vỏ hạt điều bóc ra cũng có thể tận dụng để sản xuất nhiều sản phẩm khác.
“Đây là 4 điểm mấu chốt mà trong đề án tái cơ cấu cây điều Bộ NN&PTNT đã đề cập rất kĩ. Hi vọng trong thời gian tới với sự quyết tâm đồng hành của các cơ quan nhà nước, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học Công nghệ cùng các địa phương, đặc biệt là các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, cùng với hơn 400 DN, Hiệp hội… chúng ta sẽ từng bước khắc phục những tồn tại không chỉ của ngành điều mà cả các cây trồng khác như đã nói ở trên” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Để kết thúc cho phần trả lời của mình, người đứng đầu ngành nông nghiệp thẳng thắn nói: “Đến giờ này chúng ta cũng đã nhìn ra những điểm yếu của từng loại cây, từng ngành hàng để tìm ra giải pháp khắc phục trong quá trình thực hiện tái cơ cấu”.
Sau phần trả lời của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐB TP. Hồ Chí Minh) tiếp tục tranh luận.
“Nghe báo cáo của Bộ trưởng thì số liệu lúc nào cũng tươi hồng, nhưng thực tế đời sống người nông dân ở nhiều nơi vẫn cùng cực, nghèo khổ. Gia đình tôi chủ yếu vẫn là nông dân, tôi thấy đời sống của người làm nông vẫn vô cùng vất vả. Năng suất lao động của ngành nông nghiệp rất thấp, chiếm 38% so với năng suất bình quân chung. Gốc của vấn đề ở đây chính là cần quan tâm tới tổ chức sản xuất của hộ nông dân, quan tâm đến việc phổ biến áp dụng khoa học công nghệ. Người nông dân bơi trên mảnh đất của mình, luôn băn khoăn trồng cây gì, nuôi con gì nhưng không biết hỏi ai? Trong khi đó, hệ thống chính trị, cơ quan chuyên ngành của chúng ta rất nhiều nhưng tư vấn thì rất ít, đầu tư của Chính phủ do các viện nghiên cứu còn rất hạn chế, trong khi theo báo cáo của Bộ KHCN, đóng góp của lĩnh vực KHCN vào giá trị kinh tế chiếm tới 30%” – ĐB Trần Hoàng Ngân nói. |
Theo Dân việt