Gần hai tháng nay, cái tên Greta Thunberg, cô gái 15 tuổi và biến đổi khí hậu không chỉ là chủ đề hàng ngày trong mỗi gia đình, ngoài xã hội, trên các phương tiện truyền thông ở Thụy Điển mà còn được những người quan tâm đến môi trường ở Bắc Âu và Bắc Mỹ nói đến.
Mùa thu 2018, Greta bước vào lớp 9, nhưng thay vì đến trường, Greta đã quyết định mỗi ngày đến ngồi lặng lẽ trên bậc thềm trước tòa nhà Nghị viện ở Stockholm trong hai tuần liền cho đến cuộc bầu cử Nghị viện Thụy Điển (9/9/2018). “Tôi ngồi đây, bởi vì người lớn đang vấy bẩn tương lai của tôi”, Greta nói. Sau cuộc bầu cử, Greta quay trở lại trường học 4 ngày mỗi tuần còn ngày thứ 6, thay vì đến trường em lại tiếp tục đến ngồi trước thềm Nghị viện như trước.
Greta với tấm biển “Nghỉ học vì biến đổi khí hậu” trước Nghị viện Thụy Điển |
Thụy Điển được biết đến là một trong số các quốc gia có những chính sách tích cực chống lại biến đổi khí hậu, và quyết tâm trở thành “quốc gia đầu tiên trên thế giới không sử dụng than đá”. Năm 2018 Thụy Điển là một trong năm nước dẫn đầu thế giới về môi trường theo báo cáo của Đại học Yale. Tuy nhiên, các nhà chính trị ít nói về hành động đối với vấn đề biến đổi khí hậu trước thềm bầu cử, ngay cả sau khi đợt nóng khủng khiếp dẫn đến vụ cháy rừng lớn nhất trong lịch sử nước này hồi tháng bảy.
Greta yêu cầu chính phủ cần phải có hành động mạnh mẽ hơn chống lại sự thay đổi khí hậu toàn cầu. “Tôi muốn các nhà chính trị cần ưu tiên đến biến đổi khí hậu và có hành động với nó như đương đầu với một cuộc khủng khoảng”. Một số nghị sĩ hiểu và không phản đối việc làm của Greta, song đều khuyên em nên trở lại trường học, kể cả bố mẹ em là những nghệ sĩ nổi tiếng ở Thụy Điển.
Còn thầy cô giáo, một số chia sẻ việc làm của em, trong đó có Benjamin Wagner, thầy giáo 26 tuổi đã ngồi với Greta ba tuần liền. “Sự bất lực của chúng ta nhằm chấm dứt sự biến đổi khí hậu cũng giống như cố gắng ngăn chặn cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất. Chúng tôi biết rằng nhiều hội thảo đã được tổ chức, nhưng rốt cuộc họ không ngăn chặn được nó”, Wagner nói. Nhưng số khác khuyên em cần trở lại trường học. “Lúc đầu chúng tôi không ủng hộ việc làm của Greta và khuyên con đến trường. Nhưng chúng tôi tôn trọng quyết định của con”, ông Svante Thunberg, bố Greta nói.
Greta bắt đầu quan tâm đặc biệt đến sự thay đổi khí hậu khi lên 9 và học lớp 3. Sau khi luôn được nghe mọi người nói “cần tắt điện, tiết kiệm nước, không vứt bỏ thức ăn để bảo vệ môi trường”, Greta bắt đầu tìm hiểu về biến đổi khí hậu và trong suốt 6 năm liền.
Greta bắt đầu ngừng ăn thịt và không mua bất cứ cái gì mà em không thấy cần. Từ năm 2015, Greta không đi máy bay và một năm sau mẹ em, Malena Ernman, một ca sĩ opera nổi tiếng cũng “noi gương” em không tham gia các show diễn ở nước ngoài vì lý do đi máy bay gây tác hại đến môi trường. Còn bố Greta thừa nhận: “Greta đã buộc chúng tôi phải thay đổi lối sống. Chúng tôi bắt đầu quan tâm đến biến đổi khí hậu và đọc sách báo viết về nó như con gái”.
Gia đình Greta đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời và bắt đầu trồng rau cho gia đình mình ở ngoại vi thành phố. Họ cũng đã mua một chiếc ô tô điện để đi xa khi cần, còn trong phạm vi Stockholm cả nhà chủ yếu đi lại bằng xe đạp.
Greta tại cuộc biểu tình trước Nhà thờ lớn ở Helsinki, 20/10/2018 |
Greta nói rằng mặc dù luật Thụy Điển tiến bộ và các nhà khoa học nhất trí rằng các nước giàu phải cắt giảm 15% lượng khí thải mỗi năm, nhưng trên thực tế trong quý 1 năm nay, con số này đã tăng lên 3,6%. Cô bé đã viết một bài nói rằng “Trung bình mỗi người dân Thụy Điển sản xuất 11 tấn CO2 mỗi năm. Theo WWF chúng ta xếp thứ 8 trên thế giới về lượng khí thải. Thụy Điển không phải là một hình mẫu tiên phong”.
Karin Bäckstrand, một nhà nghiên cứu chính sách khí hậu ở Đại học Stockholm cũng xác nhận rằng lượng khí thải ở Thụy Điển năm nay tăng lên vì sự bùng nổ của kinh tế, mặc dù chính phủ đang lập kế hoạch trở thành nước đầu tiên trên thế giới nói không với năng lượng than. Bäckstrand cho rằng “Tiếng nói của Greta là cần thiết bởi vì cho đến trước vụ cháy, biến đổi khí hậu chỉ là vấn đề được ưu tiên thứ tám của Thụy Điển, trong khi nó cần được đặt lên hàng đầu”.
Việc nghỉ học và ngồi trước Nghị viện vào giờ đáng lẽ ra ở trường của Greta đã gây sự chú ý rộng rãi trong dư luận ở Thụy Điển và cho đến nay tên em cũng như vấn đề biến đổi khí hậu là một chủ đề phổ biến trong câu chuyện hàng ngày của các gia đình cũng như ngoài xã hội và trên các phương tiện truyền thông. Greta nói: “Chúng ta còn trẻ và không được làm cử tri, nhưng đến trường là nghĩa vụ, vì vậy đây là cách để biểu lộ tiếng nói của chúng ta”.
Khi Greta ngồi trước Nghị viện, nhiều người đi qua dừng lại và nói chuyện và mang thức ăn đến cho em. Từ chỗ chỉ ăn một vài thứ nhất định hàng ngày, giờ đây Greta phải ăn thứ khác và em đã bắt đầu thấy thích mì ăn liền và falafel (món bánh truyền thống của vùng Trung Đông). Trong ba tuần ngồi trước Nghị viện, Greta đã đọc xong 3 cuốn sách và làm rất nhiều bài tập, bố em nói.
Một góc cuộc biểu tình trước Nghị viện Phần Lan |
Sau cuộc bầu cử Nghị viện Thụy Điển, Greta không quan tâm đến kết quả. “Tôi nghĩ cuộc bầu cử không đáng chú ý. Vấn đề khí hậu sẽ không bị quên lãng bởi vì một số đảng đã giành được phiếu. Các chính sách ngăn ngừa thảm họa biến đổi khí hậu là cấp thiết hiện nay. Chúng ta cần thay đổi hệ thống vì nếu không chúng ta sẽ rơi vào khủng khoảng và một cuộc chiến tranh”. Mục đích của Greta là sẽ ngồi trước Nghị viện Thụy Điển cho đến khi chính phủ có những hành động thiết thực để nhiệt độ trái đất hiện nay giảm bớt đi 2oC.
Việc làm của Greta đã gây tiếng vang lớn và nhận được sự ủng hộ của những người chống biến đổi khí hậu ở các nước châu Âu và một số nước châu Mỹ. “Noi gương” Greta, một nhóm bạn trẻ Phần Lan cùng chung quan điểm đã phát động một ngày mang tên “Đồng hành cùng Greta” bằng cách tập trung trước tòa nhà Nghị viện Phần Lan mỗi trưa thứ sáu hàng tuần để gây sức ép với các nhà chính trị Phần Lan, đòi họ có những hành động hiệu quả hơn đối với vấn đề biến đổi khí hậu.
Không chỉ ở Thụy Điển, Greta còn tham dự các cuộc tuần hành chống biến đổi khí hậu ở nước ngoài. Ngày 20/10/2018, Greta đã đi tàu biển sang Helsinki để tham gia tuần hành cùng với người Phần Lan. Trong bài phát biểu ngắn của mình phát biểu trước khoảng 10.000 ngàn người tại sự kiện này, Greta đã nói: “Nhiều người nói rằng Thụy Điển và Phần Lan là những nước nhỏ và điều chúng ta làm không thấm tháp gì. Nhưng tôi nghĩ nếu một số người trẻ có thể gây được sự chú ý trên thế giới bằng việc không đến trường một số tuần thì thử tưởng tượng những gì chúng ta có thể làm được cùng nhau nếu chúng ta muốn”.
Sau Helsinki, hôm nay Greta đã có mặt ở London và phát biểu tại cuộc mít tinh đầu tiên của phong trào “Chống lại Sự hủy diệt” ở London . Tại đây, em đã kêu gọi: “Các nước như Thụy Điển và Anh cần bắt đầu giảm lượng khí thải ít nhất 15% mỗi năm. Chỉ có như thế chúng ta mới giảm bớt nhiệt độ của trái đất bớt 2oC. Mọi thứ cần được thay đổi. Bắt đầu từ hôm nay”.
Greta nói rằng: “Điều bạn làm hay không làm hôm nay sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc đời của bạn cũng như con và cháu bạn. Có thể chúng sẽ hỏi vì sao bạn không làm gì và vì sao những người biết và có thể nói ra đã không nói ra”.
Nguồn: vietnamnet