Chẳng biết thiên nhiên ưu đãi hay sự kiến tạo của trái đất mà huyện Bù Đăng của tỉnh Bình Phước có trảng cỏ rộng hơn 400 ha. Một trảng cỏ của thiên nhiên gắn liền với ghềnh thác và tộc người S’tiêng ở phía Nam dãy Trường Sơn có một không hai trên bản đồ khu vực Đông Nam Á nếu không muốn nói của cả thế giới. Chưa hết, Bình Phước còn là tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là vùng đất chuyển tiếp từ Tây Nguyên về Đông Nam bộ với 41 dân tộc anh em cùng sinh sống. Bình Phước còn có 36 di tích từ cấp quốc gia đặc biệt đến cấp tỉnh. Thế nhưng trên bản đồ du lịch hiện nay, Bình Phước chưa có bất kỳ khu du lịch nào đúng nghĩa. Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có là “cú hích” để du lịch Bình Phước “cất cánh”?

DU LỊCH VẪN CHỈ LÀ TIỀM NĂNG

 “Sẽ chẳng có sự kiến tạo nào của con người làm nên trảng cỏ thiên nhiên Bù Lạch ở huyện Bù Đăng. Cũng chẳng có nơi đâu ghi dấu đậm nét trong lòng du khách bằng sức sống của tộc người S’tiêng ở sóc Bom Bo, huyện Bù Đăng. Có thể nói đến tỉnh Bình Phước người ta không biết lắm nhưng nhắc đến Bom Bo gần như ai cũng biết, ai cũng háo hức được một lần đặt chân đến nơi đây. Còn di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam ở Tà Thiết, rồi Nhà giao tế Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh ở đoạn cuối đường mòn Hồ Chí Minh; di tích lịch sử cấp quốc gia núi Bà Rá (Phước Long) Vườn quốc gia Cát Tiên… Và mạch nguồn văn hóa của cộng đồng 41 dân tộc anh em cùng sinh sống trên đất Bình Phước sẽ là nguồn cảm hứng vô tận cho du khách nếu chúng ta biết đầu tư khai thác” – Giám đốc Công ty TNHH du lịch Việt Phước Nguyễn Đức Hiếu nhận định.

TỪ ĐỆ NHẤT NHỮNG DANH THẮNG

Theo quốc lộ 14 từ Đắk Nông hướng về Bình Phước, đến ngã ba Vườn Chuối thuộc xã Đoàn Kết, rẽ trái chừng 20km là đến trảng cỏ Bù Lạch, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng. Sự kiến tạo của trái đất đã hình thành tại đây một lớp hóa thạch rộng hơn 400 ha được bao bọc bởi rừng kín thường xanh mang đặc điểm của rừng nhiệt đới. Trải qua hàng triệu triệu năm, thiên nhiên kịp phủ lên vùng đất hóa thạch này lớp bụi đủ để cung cấp nguồn dinh dưỡng cho cỏ dại sinh sôi, nảy nở trong những tháng mùa mưa. Bởi thế, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước thảm xanh trong bao la của thiên nhiên thật hoang sơ mà rất đỗi hùng vĩ của những loài cỏ dại. Tộc người S’tiêng vùng cao gọi vùng đất hóa thạch trong xanh thẳm kia là “Bù Lắch” – con người của trảng cỏ, lâu dần người Kinh gọi thành quen là Bù Lạch.

Thác Đứng – di tích cấp tỉnh, gắn liền với đời sống văn hóa tộc người S’tiêng trên đất Bù Đăng chưa được đầu tư để trở thành điểm du lịch phục vụ du khách

Ẩn sau trảng cỏ Bù Lạch là thác Voi mà đồng bào S’tiêng nơi đây vẫn quen gọi “Liêng Rót” ngày đêm tuôn trào trong xanh thẳm của núi rừng. Cứ vào khoảng tháng 10 âm lịch hằng năm, âm thanh của Liêng Rót vang vọng khắp núi rừng. Nó báo hiệu cho bà con trời đã hết mưa, lúa trên nương đã chín. Nhờ tiếng vọng của Liêng Rót mà bà con trong sóc biết đến lúc đi tuốt lúa, đốt rẫy làm nương. Liêng Rót không đơn giản là cái tên của thác nước mà nó còn ăn sâu vào tiềm thức và trở thành văn hóa tâm linh của đồng bào S’tiêng nơi đây. “Cái tên “Liêng Rót” được người S’tiêng giải nghĩa: “liêng” là thác, “rót” là tiếng vọng, là âm thanh. Liêng Rót có nghĩa là âm thanh của thác nước” – già làng Lê Thanh Giang cắt nghĩa.

Rời Liêng Rót trở về thị trấn Đức Phong, men theo sông Đồng Nai chừng 7km du khách sẽ bắt gặp thác Đứng với tiếng nhạc nước như ru của thế giới tự nhiên bao la. Mùa đông nước đổ ầm ầm. Mùa xuân, mùa hè thì róc rách chảy. Những hôm có gió, tiếng nước chảy lồng trong tiếng gió vang cả sóc Bù Xiết, sóc Bù Nhùi. Dòng thác còn là nơi hẹn hò của tuổi thanh xuân trai gái trong làng. “Thiên nhiên đã ban tặng cho Bù Đăng dòng thác tuyệt mỹ mà người S’tiêng gọi là NHai Liêng Por. Có nghĩa là máng nước chảy từ ghềnh đá ở trên cao xuống. Tiếng Việt gọi là thác Đứng” – ông Điểu Chon, Chủ tịch Hội đồng già làng xã Đoàn Kết phân tích. Thác Đứng còn là nơi để cả sóc làm lễ tạ ơn trời, đất qua những nghi thức mừng lúa mới của người S’tiêng. Thiên nhiên kiến tạo nên ngọn thác này bởi những phiến đá hình trụ mang dáng hoa mai 5 cánh và mai rùa thật kỳ thú. Sự ghép nối của đá như có sự gọt đẽo, sắp đặt bởi bàn tay con người. Chính những điểm này đã tạo cho thác Đứng nét đẹp riêng biệt không lẫn với bất kỳ dòng thác nào trên địa bàn huyện Bù Đăng nói riêng và tỉnh Bình Phước nói chung.

ĐẾN VÙNG ĐẤT CỦA VĂN HÓA – LỊCH SỬ

Nhắc đến sử thi của tộc người S’tiêng trên đất Bình Phước, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam – Giáo sư, tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh cho rằng: Bình Phước có thể là nơi phát lộ của sử thi Tây Nguyên bởi khối lượng sử thi cũng như người hát kể hiện còn lại khá nhiều so với các tỉnh Tây Nguyên. Qua nghiên cứu ban đầu về di chỉ khảo cổ học thành đất cổ hình tròn Lộc Hòa (Lộc Ninh) cho thấy, tộc người S’tiêng đã có mặt trên vùng đất thuộc tỉnh Bình Phước ngày nay từ thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên. Đi cùng năm tháng lịch sử, tộc người này đã sản sinh ra lối hát kể hay còn gọi là sử thi hết sức độc đáo không thua kém bất kỳ tộc người nào khác trên vùng đất Tây Nguyên. Ngay cả nghệ thuật cồng chiêng của tộc người S’tiêng cũng mang sắc thái, âm hưởng khác với cồng chiêng Tây Nguyên. Chẳng phải cố nhạc sĩ Xuân Hồng khi sáng tác ca khúc cách mạng “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” để cổ vũ phong trào giã gạo nuôi quân trong kháng chiến chống Mỹ cũng đã dựa vào nhịp điệu cồng chiêng của người S’tiêng để tìm nguồn cảm hứng sáng tác đó sao? Cùng với văn hóa bản địa của người S’tiêng, Bình Phước còn có 40 thành phần dân tộc khác với sắc thái văn hóa phong phú hòa nhịp với tộc người S’tiêng tạo nên bản sắc văn hóa chuyên biệt của tỉnh Bình Phước hết sức đa dạng trong kho tàng văn hóa Việt Nam.

Tộc người S’tiêng và Mơnông trong lễ kết giao Tam Môi Giêng – Tam Rlắp Pôl Bon (lễ kết bạn) được tổ chức tại trảng cỏ Bù Lạch, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng

Nhìn từ lịch sử, Bình Phước là tỉnh đầu tiên của miền Nam được hoàn toàn giải phóng vào ngày 6 tháng giêng năm 1975 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử được hình tượng hóa bằng đoàn quân “Vượt qua sông Bé oai hùng về Phước Long xây chiến thắng” trong ca khúc “Mỗi bước ta đi” của nhạc sĩ Thuận Yến hết sức sống động và kiêu hùng. Trước đó, năm 1972, Lộc Ninh cũng là huyện đầu tiên ở miền Nam được hoàn toàn giải phóng và cũng là nơi trao trả tù binh giữa Quân giải phóng miền Nam Việt Nam với Mỹ – nguỵ theo Hiệp định Paris. Đặc biệt, Khu di tích quốc gia đặc biệt Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam được Trung ương Cục đặt tại Tà Thiết, huyện Lộc Ninh để lãnh đạo quân và dân miền Nam “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” thống nhất đất nước ngày 30-4-1975 đã đi vào huyền sử của dân tộc.

36 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc và danh lam thắng cảnh từ cấp quốc gia đặc biệt đến cấp tỉnh trải đều ở hầu hết huyện, thị trong tỉnh. Đó là tài nguyên, là nguồn nguyên liệu vô cùng quý giá và rộng lớn để Bình Phước khai thác, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn từ hiện tại đến tương lai. Thế nhưng, đã qua 21 năm tái lập tỉnh, du lịch Bình Phước vẫn chỉ là tiềm năng mà chưa hề được “đánh thức”.

Theo Báo Bình Phước

Từ khóa : am Môi Giêng - Tam Rlắp Pôl BonBÌNH PHƯỚCdu lịch

Các tin liên quan đến bài viết