Với thủ đoạn giả danh cơ quan chức năng như Công an, Viện kiểm sát yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản, đường dây lừa đảo đã chiếm đoạt tiền tỷ của nạn nhân chỉ sau cuộc điện thoại.
Đầu tháng 7/2018, chị N.T.H. (ngụ thị xã Tân Uyên, Bình Dương) nhận được một cuộc điện thoại với nội dung thông báo việc chị H. đang nằm trong đường dây mua bán trái phép chất ma túy, rửa tiền và trốn thuế… cơ quan Công an điều tra đã vào cuộc. Nhằm khiến nạn nhân hoảng sợ, hoang mang, nhóm lừa đảo này còn gửi cho nạn nhân một tờ “lệnh tạm giam”, trong đó ghi rõ thông tin cá nhân.
Thấy nạn nhân hoảng sợ, nhóm lừa đảo yêu cầu chị H. phải chuyển tiền vào tài khoản của “cơ quan điều tra” để kiểm tra, nếu số tiền trong sạch sẽ được trả lại sau 24 giờ. Vì quá lo lắng và nghĩ mình làm ăn chân chính nên chị H. đã chuyển 2 tỷ đồng vào số tài khoản của bọn chúng.
Đến khi phát hiện bị lừa đảo, chị H. đến trình báo cơ quan chức năng thì đã quá muộn, vì ngay khi nạn nhân chuyển khoản, nhóm lừa đảo nhanh chóng tẩu tán số tiên này.
Trước tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn giả danh cơ quan chức năng như Công an, Viện kiểm sát yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản sau đó chiếm đoạt xảy ra trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm đã có công văn gửi các cơ quan, ban ngành, các địa phương nhằm tăng cường biện pháp phối hợp ngăn ngừa tội phạm này.
Theo công văn trên, tính đến tháng 8/2018 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra tám vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng với tổng số tiền là 8,8 tỉ đồng. Thủ đoạn của các đối tượng là giả danh cán bộ ngành Tư pháp như cơ quan điều tra của Công an, Viện kiểm sát, tòa án… gọi điện cho người bị hại rồi cung cấp các thông tin sai sự thật, không xác thực liên quan đến tính mạng, tài sản của bản thân người bị hại hoặc người thân của họ.
Sau đó, nhóm lừa đảo đe dọa, buộc người bị hại chuyển tiền vào tài khoản, nếu không sẽ bị bắt giam, điều tra với các tội danh như buôn bán ma túy, rửa tiền, buôn lậu… nhằm chiếm đoạt tiền của bị hại. Hầu hết các trường hợp bị hại do nhẹ dạ cả tin, kiến thức pháp luật còn hạn chế nên đã tin vào thủ đoạn của bọn tội phạm và thực hiện chuyển tiền vào tài khoản theo yêu cầu của chúng.
Tuy nhiên, tỉ lệ điều tra, phá án với loại tội phạm này rất thấp. Nguyên nhân do đối tượng sử dụng phần mềm máy tính để gọi điện cho bị hại nên việc truy nguyên theo dấu vết qua mạng Internet gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, tài khoản mà nhóm lừa đảo chỉ định cho bị hại chuyển tiền hầu hết là thuê lại nên chủ tài khoản không biết được động cơ cũng như nhân thân của đối tượng…
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu công an tỉnh phối hợp với các cấp, các ngành, các địa phương đẩy mạnh các biện pháp phổ biến kiến thức, thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm đến người dân biết và chủ động phòng ngừa cũng như phát hiện các thông tin liên quan đến tội phạm này. Khuyến cáo người dân không nên cho người khác mượn, thuê tài khoản của mình để phục vụ cho việc thanh toán, chuyển tiền; khi phát hiện các thông tin có liên quan đến tội phạm trên thì kịp thời thông báo đến cơ quan công an gần nhất để biết và phối hợp xử lý…
Theo Dân Trí