Sau sự kiện Viện kiểm sát đề nghị đền bù Vinasun hơn 41 tỷ đồng, Grab vẫn còn mối lo về câu chuyện dự thảo Nghị định mới mà Bộ Giao thông Vận tải đưa ra. Nếu được thông qua, Grab sẽ không còn là công ty công nghệ mà là công ty vận tải.

Doanh thu bay nghìn tỷ, được đền bù 41 tỷ

Hiện tại, Vinasun và Grab ở mức đỉnh điểm của cuộc chiến pháp lý. “Tỷ số” của trận đấu tạm thời nghiêng về phía Vinasun khi Viện kiểm sát chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun, buộc Grab phải bồi thường 41,2 tỷ đồng cho hãng taxi lớn nhất thị trường.

Con số bồi thường này tuy lớn với nhiều người, nhưng cũng chẳng thấm vào đâu so với khoảng doanh thu nghìn tỷ đã “trôi” đi của Vinasun trong 9 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Grab thì cũng chẳng đáng ngại lắm vì hãng này đã thua lỗ đến hơn 1.700 tỷ đồng chỉ trong vòng 3 năm gia nhập thị trường, chủ yếu cho hoạt động marketing và giảm giá.

Nhận tin ‘dữ’, hoảng hốt gửi tâm thư lên Thủ tướng
 Các ứng dụng gọi xe xuất hiện ngày càng nhiều hơn

Chỉ có điều, nếu Vinasun thắng kiện, sẽ có án lệ về cho mô hình kinh doanh taxi kiểu công nghệ.

Nhưng mối lo ngại của Grab không chỉ đến từ phiên tòa, mà còn nâng lên đỉnh điểm bởi trước đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng đưa ra đề xuất phải quản lý và đối xử với Grab như một hãng taxi. Đây cũng là lý do mà Grab kêu cứu trong “tâm thư” gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 25/10.

Thư cầu cứu được ký bởi bà Lim Yen Hock, Giám đốc Công ty TNHH Grab Việt Nam, thể hiện rõ sự lo ngại của hãng taxi công nghệ này về dự thảo Nghị định về “Kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô”, thay thế Nghị định số 86/2014 của Chính phủ.

Cụ thể, Điều 3.7 quy định: “Hợp đồng vận tải điện tử chỉ áp dụng đối với xe ô tô có sức chứa từ 09 chỗ (bao gồm cả người lái xe) trở lên.”; còn Điều 3.2 quy định: “Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện các công đoạn của hoạt động vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi. Trong đó, có công đoạn trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe để vận chuyển hành khách, hàng hóa; quyết định giá cước vận tải.”

Theo điều khoản này, Grab và những đơn vị cung ứng dịch vụ kết nối và giao kết hợp đồng điện tử sẽ buộc phải trở thành các đơn vị kinh doanh vận tải.

Nhận tin ‘dữ’, hoảng hốt gửi tâm thư lên Thủ tướng
Grab gửi tâm thư kêu cứu thủ tướng


Chờ phút 89

Mô hình gọi xe công nghệ sau 3 năm thí điểm (gồm 2 năm chính thức và 1 năm gia hạn) nay gần đến hồi kết với dự thảo mới để quản lý thị trường. Khi mới vào, Grab lấy tên là Grab Taxi, bắt tay với các hãng taxi để thâm nhập thị trường, sau đó ra đứng riêng, tự tuyển tài xế.

Theo Grab, đến nay đã có gần 10 ứng dụng khác của Việt Nam tham gia Đề án thí điểm và nhiều ứng dụng mới ra đời sau này.

“Việc ứng dụng khoa học công nghệ đã tăng khả năng cạnh tranh của các đơn vị vận tải vừa và nhỏ trên thị trường. Khối lượng vận chuyển tăng lên và các đơn vị lớn trong ngành buộc phải chuyển mình, hạ giá thành và nâng cao chất lượng dịch vụ, người tiêu dùng là bên có lợi nhất”, Grab cho biết.

Tuy nhiên, các hãng taxi, mà Vinasun là đại diện, lại tố cáo về sự bất công trong quản lý với mô hình gọi xe, trong khi ngành kinh doanh vận tải là ngành kinh doanh có điều kiện.

Nhận tin ‘dữ’, hoảng hốt gửi tâm thư lên Thủ tướng
Grab vẫn chờ câu “chốt” từ phía Chính phủ

Ngược lại, Grab cũng tố cáo các doanh nghiệp taxi truyền thống vì lo sợ sự đổi mới, sợ mất vị thế thống lĩnh, sợ cạnh tranh mà có những hành vi ngăn cản. “Với Dự thảo lần này, chúng tôi được biết rằng quan điểm định danh xe hợp đồng ứng dụng hợp đồng điện tử là xe taxi, và định danh đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối và giao kết hợp đồng điện tử là công ty taxi chính là đề xuất của một số đơn vị kinh doanh taxi truyền thống để đồng hóa, hạn chế sự cải tiến kinh doanh của loại hình khác, doanh nghiệp khác”, thư có đoạn viết.

Trong tâm thư, Grab cũng liệt kê một số thành quả mà công ty đạt được, chủ yếu là nêu cao sự đóng góp của doanh nghiệp cho xã hội. Chẳng hạn như kết nối dịch vụ thiết yếu hàng ngày cho 20% người dân Việt Nam mỗi tháng (tức khoảng gần 19 triệu người), hợp tác với 175.000 đối tác tài xế, hay việc đóng thuế 270 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm.

Hiện nay, trên mạng xã hội hiện chia thành 2 dòng quan điểm. Một ủng hộ Grab vì người dùng được lợi, đi giá rẻ, dịch vụ tốt hơn cùng niềm tin vào công nghệ. Bên khác thì cho rằng Grab cũng cần phải cạnh tranh công bằng với các hãng taxi – vốn chịu nhiều ràng buộc về hoạt động kinh doanh. Ai giỏi hơn thì sẽ lấy được thị trường.

Phiên tòa xử án Vinasun và Grab sẽ được tuyên án vào ngày 29/10 tới. Còn chốt thư, Grab chờ kết quả phút 89 từ phía cơ quan quản lý: “Phép thử này chỉ còn chờ câu trả lời chính thức từ phía Chính phủ”.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Grabtâm thưtaxivận tảiVinasun

Các tin liên quan đến bài viết