Ông Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương nói như vậy tại buổi giao lưu trực tuyến “Tự chủ đại học – Xu thế phát triển tất yếu” do báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức sáng 25/10.

Theo ông Hưng, giáo dục Việt Nam nói chung, giáo dục đại học nói riêng luôn là lĩnh vực được toàn xã hội quan tâm. Đây vừa là thuận lợi nhưng cũng là khó khăn.

Nhìn lại tổng thể sau 5 năm đổi mới căn bản và toàn diện theo Nghị quyết 29, giáo dục đã làm được rất nhiều việc.

Ví dụ, đến giờ Việt Nam đã có 2 cơ sở đào tạo đại học lọt “top 1000” là 2 ĐHQG.

Hay như trước đây, chúng ta chỉ có 2 trường nằm trong top 400 trường đại học của châu Á thì giờ đã tăng lên thành 5 trường.

“Vừa qua, ĐHQG Hà Nội cũng đã thực hiện một khảo sát với 25.000 sinh viên của 50 trường đại học. Kết quả thu lại rất phấn khởi. 84% sinh viên ra trường có việc làm sau 12 tháng. Hoặc một chỉ số khác là số công trình nghiên cứu được công bố trong nước và quốc tế đã tăng gấp đôi giai đoạn trước đó. Một điều đáng phấn khởi khác là trước đây, chúng ta đánh giá trường ĐH dân lập còn hạn chế về chất lượng thì đến nay, một số trường ĐH theo kiểm định quốc tế được đánh giá cao, tạo nên cuộc cạnh tranh lành mạnh trong khối các trường ĐH toàn quốc” – ông Hưng nhìn nhận.

Tuy nhiên ông Hưng cũng cho rằng, giáo dục những năm qua, nhất là 5 năm vừa rồi còn đối mặt rất nhiều thách thức mà thách thức lớn nhất là đổi mới tư duy và niềm tin của xã hội với giáo dục.

Trong hội nhập sâu rộng quốc tế, tác động của cuộc cách mạng 4.0 là rất lớn nên đổi mới tư duy rất quan trọng, “trong khi một bộ phận không nhỏ giáo viên, nhân dân cũng thấy rằng, khó khăn trong đổi mới là vẫn có tư tưởng bao cấp trì trệ ở một bộ phận trường, giáo viên nào đó”.

Đây là một thách thức, nếu không chuyển biến tư duy thì khó có thể thực hiện cộng cuộc đổi mới thành công.

Nhìn nhận “cần phải khắc phục niềm tin của xã hội với giáo dục. Dường như xã hội vẫn chưa tin vào giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng”, ông Hưng nói “trong thời gian tới cần tuyên truyền kịp thời, chính xác những kết quả, thành công và hạn chế, khó khăn để xã hội cùng chia sẻ, giúp đỡ ngành giáo dục”. Quan trọng hơn, bản thân các trường đại học cũng phải vươn lên, phải khẳng định với xã hội rằng chất lượng đào tạo nguồn nhân lực bậc đại học, sau đại học ở Việt Nam không thua kém chất lượng đào tạo ở khu vực và trên thế giới; nhân lực Việt Nam có đủ khả năng để đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế, cạnh tranh bình đẳng trên sân chơi trong nước cũng như trên khu vực.

“Tôi cho rằng chỉ có như vậy mới lấy lại niềm tin trong xã hội, nhân dân và có vậy công cuộc đổi mới mới thành công” – TS Hưng khẳng định.

Cùng nhìn nhận lại sự chuyển biến của giáo dục đại học sau 5 năm triển khai Nghị quyết 29, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc đánh giá, nhìn chung các cơ sở giáo dục ĐH trong những năm qua đã ý thức được việc xây dựng uy tín, chất lượng và hội nhập với thế giới. So với các trường lớn trên thế giới, so với quy mô ngân sách, đầu tư của Việt Nam tuy còn khiêm tốn nhưng bước đầu đã có những đối mới đúng hướng, khả quan. Ngoài hội nhập và kiểm định, các cơ sở giáo dục bắt đầu quan tâm đến nghiên cứu khoa học quốc tế. Trong 2 năm gần đây, số liệu công bố quốc tế nhiều hơn 5 năm trước đây cộng lại. Điều đó dẫn đến thứ hạng của các trường đại học của Việt Nam cũng tăng mạnh mẽ.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : đại họcgiáo dụcnghị quyết 29thách thức

Các tin liên quan đến bài viết