Ngày 23-10, Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh họp tuyển chọn thực hiện Đề tài “Ứng dụng công nghệ sản xuất cá rô phi toàn đực và đánh giá khả năng phát triển, hiệu quả kinh tế của cá rô phi nuôi thương phẩm trên địa bàn tỉnh Bình Phước”.
Đề tài do kỹ sư Nguyễn Thị Hồng Nhung, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ nhiệm. Đề tài nghiên cứu với mục tiêu tìm ra phương pháp sản xuất cá rô phi toàn đực với tỷ lệ sống sót cao. Qua đó đem lại hiệu quả kinh tế, ít tốn công lao động và chi phí sản xuất thấp. Trước đó, ngày 8-5-2018, hội đồng đã họp hội đồng tư vấn tuyển chọn nhưng đề tài chưa được thông qua.
Hội đồng xét duyệt tại cuộc họp
Theo đề cương đề tài, hiện toàn tỉnh có diện tích mặt nước 28.300 ha; hơn 60 hồ chứa thủy điện, thủy lợi với tổng diện tích mặt nước gần 18.000 ha; hơn 2.000 ha ao nuôi và nhiều diện tích có thể phát triển thành vùng ở các khu vực hạ lưu hồ chứa, là tiềm năng phát triển thủy sản. Năm 2017, tổng sản lượng nuôi thủy sản đạt 6.250 tấn, trong đó cá rô phi chiếm gần 50%. Tuy nhiên, cá rô phi mới chỉ dừng ở hình thức nuôi quảng canh cải tiến, bán thâm canh với loại hình nuôi ghép các đối tượng trong ao và mặt nước lớn, chưa sản xuất được cá rô phi đơn tính đực.
Theo chủ nhiệm đề tài, sau khi được hội đồng xét chọn, nhóm sẽ khảo sát tình hình nuôi cá rô phi trên toàn tỉnh, từ đó đưa ra đề xuất áp dụng quy trình công nghệ ngâm hormone MT để sản xuất thử nghiệm đàn cá rô phi giống toàn đực. Đồng thời đánh giá khả năng phát triển của đàn cá giống toàn đực; thực hiện mô hình nuôi cá rô phi đơn tính thương phẩm trong ao đất.
Sau khi xem xét, góp ý thêm nhiều thông tin cho nhóm thực hiện, các nhà khoa học và thành viên trong Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh đã bỏ phiếu đề tài đạt 80,17 điểm, đủ điều kiện thông qua đề tài.
Theo Báo Bình Phước