Với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”, Bộ TT&TT đang triển khai thực hiện Chương trình tuyên truyền về xây dựng văn hóa giao thông gắn với nâng cao trách nhiệm, siết chặt kỷ cương của người thực thi công vụ.
Ảnh minh họa
Theo bà Lê Hương Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin cơ sở (Bộ TT&TT), trong dịp Tết Nguyên đán này, Bộ TT&TT chỉ đạo Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hướng dẫn chỉ đạo đài truyền thanh cấp huyện, cấp xã tăng cường tuyên truyền về việc chấp hành luật giao thông, tuyên truyền các biện pháp hạn chế tai nạn giao thông ở nông thôn, các biện pháp ngăn chặn tai nạn xe khách, tai nạn đường đèo dốc. Đồng thời, Bộ cũng tăng cường tuyên truyền các thông điệp “Đã uống rượu bia thì không lái xe” trên hệ thống loa truyền thanh cấp huyện, cấp xã trong dịp Tết Dương lịch, Âm lịch và lễ hội Xuân 2017.
Bộ cũng chỉ đạo và hướng dẫn các phòng văn hóa-thông tin cấp huyện tham mưu cho UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch thông tin tuyên truyền về an toàn giao thông (ATGT) trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân 2017; chỉ đạo các đội tuyên truyền lưu động tổ chức các hoạt động văn hóa-văn nghệ có liên quan đến ATGT, thông báo trên các bản tin tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học hoặc khu dân cư, nơi tập trung đông người, để động viên các tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức khi tham gia giao thông. Đồng thời, Bộ cũng chỉ đạo Sở TT&TT các tỉnh phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên ở cơ sở xây dựng kế hoạch tuyên truyền miệng, lồng ghép các nội dung tuyên truyền về ATGT với các nội dung khác.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, hằng năm, dịp Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân đầu năm là thời gian cao điểm về đi lại.
Để tăng cường công tác bảo đảm trật tự ATGT, giảm tai nạn giao thông trong dịp Tết, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 2239 về bảo đảm ATGT trong dịp Tết. Theo đó, để chống ùn tắc giao thông trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội đầu Xuân năm nay, các địa phương cần phải thực hiện đồng bộ, quyết liệt một số nhóm giải pháp như: Tăng cường công tác bảo trì, bảo dưỡng, chỉnh trang kết cấu hạ tầng giao thông từ tuyến đường bộ, đường sắt, cảng hàng không, nhà ga, bến xe. Ngành giao thông vận tải phải tăng cường tuần tra, kiểm soát phát hiện và xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông dịp Tết, đặc biệt là kiểm tra an toàn kỹ thuật phương tiện trước khi xuất bến, điều kiện người điều khiển phương tiện trước khi xuất bến, tăng cường kiểm tra giám sát trên đường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự ATGT, đặc biệt là các hành vi vi phạm về nồng độ cồn, chở quá số người quy định, chở quá tải trọng cho phép. Với những người điều khiển phương tiện cơ giới cá nhân thì xử lý nghiêm đi sai phần đường, làn đường, quá tốc độ; đi xe máy không đội mũ bảo hiểm…
Riêng ở nông thôn, UBND các cấp cần phải chỉnh trang kết cấu hạ tầng và điều kiện an ATGT, cảnh báo từ đường phụ ra đường chính, phát quang tầm nhìn, chiếu sáng ở các nút giao, khúc cua nguy hiểm, đồng thời, tăng cường tuyên truyền vận động người dân thực hiện quy định về ATGT, đặc biệt là quy định “Đã uống rượu bia thì không lái xe”…
Nguồn: chinhphu.vn