“…Phía sau lưng tiếng súng bắt đầu nổ và Hà Nội cứ bốc cháy – một cảnh tượng rất hùng vĩ mà sau đã xuất hiện trong bài hát “Hà Nội cháy, khói lửa rợp trời.”
Hà Nội ngày toàn quốc kháng chiến (1946)
Xẩm tối 19.12.1946, tác giả ca khúc Diệt phát-xít – Nguyễn Đình Thi cùng đồng chí Trần Huy Liệu đựơc lệnh rời Hà Nội. Hai người đi một chiếc xe con xuôi về phía Hà Đông. Đến Ngã Tư Sở thì đèn đường phụt tắt. Cả Hà Nội cháy bùng trong ngày Toàn quốc kháng chiến. Cả Hà Nội ngùn ngụt lửa sau lưng. Nguyễn Đình Thi và Trần Huy Liệu im lặng đến nghẹn ngào. Ở Hà Đông, Nguyễn Đình Thi lại được đồng chí Trường Chinh giao cho Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác và dặn đi gấp trở lại Hà Nội trao cho Ủy ban kháng chiến, Nguyễn Đình Thi tất tả ngược về kinh thành đang bốc lửa. Kỷ niệm ấy ám ảnh ông mãi.
Nguyễn Đình Thi nhớ lại: “…Phía sau lưng tiếng súng bắt đầu nổ và Hà Nội cứ bốc cháy – một cảnh tượng rất hùng vĩ mà sau đã xuất hiện trong bài hát “Hà Nội cháy, khói lửa rợp trời.
Trong ngôi nhà tôi ở làng Khúc Thủy có một chiếc đàn piano của đồng bào tản cư bỏ lại vì bị hỏng. Tôi ở đấy và hàng ngày Hà Nội vẫn đang chiến đấu thành ra có ý làm một bài hát về Hà Nội. Một buổi tối, tôi ngồi và đàn, gõ mổ cò mấy nốt nhạc. Tự nhiên trong đầu óc tôi vọng lên những nhịp pháo gầm, những tiếng súng và bầu trời Hà Nội cháy hiển hiện trở lại. Tứ nhạc cứ thế hiện ra. Cảnh đầu tiên là “Hà Nội cháy khói lửa ngập trời, Hà Nội ầm ầm rung, Hà Nội vùng đứng lên… “, rồi nhớ Hà Nội có “Hà Nội đẹp sao, Hà Nội vui sao…” rồi kết thúc trở lại những câu đầu. Lúc đó bài Người Hà Nội tôi chỉ viết đến đấy. Anh Thép Mới tình cờ đọc được những dòng nhạc tôi viết nháp trên một tờ giấy. Anh khuyến khích và thế là bài hát ấy được in ở báo Cứu quốc Tết 1947 gởi tặng các chiến sĩ trung đoàn quyết tử ở Liên khu Một (sau được tổ chức thành Trung đoàn Thủ đô). Lúc đầu bài hát có tên là Bài hát của một người Hà Nội.
Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch.
Bản trường ca đã được in trên báo Cứu quốc, đưa vào Hà Nội chiến đấu gửi tặng bộ đội. Những người lính Trung đoàn Thủ đô đã hát Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi trên các chiến luỹ ác liệt. Người Hà Nội đã thúc giục họ tiến lên giữa “Bụi hè đường cuốn bốc tung bay, xác thù rơi, dưới gót giầy. Ầm ầm ầm tiếng súng vui thay, vang ngày mai sáng láng”. Người Hà Nội đã được Nguyễn Đình Thi và các nhạc sĩ bạn bè góp ý chau chuốt thêm cho đến năm 1948 mới hoàn chỉnh giữa chiến khu Việt Bắc. Sau trận đánh ở Hà Nội, các cơ quan chuyển lên Việt Bắc. Thu Đông Việt Bắc năm 1947, Pháp lại nhảy dù xuống Bắc Cạn đánh lên Thái Nguyên, Tuyên Quang. Chính trong những ngày ấy tôi mới nghĩ đến việc viết đoạn kết cho bài hát, đến khoảng Tết năm 1948 thì xong. Khi tôi viết xong phần đầu bài hát, các anh ở Đài phát thanh biết và mời về hát trên phát thanh. Hồi đó, phòng thu ở trong một cái hang trong Hà Đông, gần chùa Trầm.
Nam tiến
Cùng biểu diễn với tôi có hai người Đức – một là tiến sĩ triết học, một là tiến sĩ sử học. Hai anh này trước ở trong quân đội Pháp, sau bỏ quân đội Pháp theo mình. Một anh có cái đàn banjo, một anh có cái thìa cứ thế ngồi gõ trên bàn. Mãi sau này giải phóng bài hát mới được các nghệ sĩ thể hiện. Tôi đã được nghe chị Mỹ Bình (bây giờ là giảng viên Nhạc viện Hà Nội) hát trên đài. Tôi thấy chị hát rất chuẩn. Về sau, bài hát được chọn trong chương trình thanh nhạc của Nhạc viện Hà Nội…” Năm 1951, tại festival Berlin, Người Hà Nội đã được thu vào đĩa hát, từ đó bay sang Pháp và các nước Châu Âu làm nức lòng Việt Kiều và bạn bè nước ngoài. Người Hà Nội đã được chọn làm nhạc hiệu Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội cũng như Diệt phát xít được chọn làm nhạc hiệu Đài Tiếng nói Việt Nam trong suốt 65 năm qua. Hơn nửa thế kỷ qua, “Người Hà Nội” đã được trình tấu bằng dàn nhạc giao hưởng, độc tấu bằng piano và guitare. Bản chuyển soạn cho piano do nghệ sĩ Nguyễn Hữu Tuấn thực hiện và biểu diễn đã ghi sâu vào lòng công chúng. Nguyễn Hữu Tuấn còn viết phần đệm và thực hiện phần đệm cho người vợ thân yêu của mình là nghệ sĩ Mỹ Bình trình diễn.
Bản chuyển soạn cho guitar do nghệ sĩ khiếm thị Văn Vượng tài hoa thực hiện và biểu diễn cũng làm nao lòng người những năm tháng chiến tranh ác liệt. Nhiều ca sĩ đã chọn Người Hà Nội làm tiết mục “vàng ròng” cho chương trình riêng của mình như Lê Dung, Quang Thọ, Dương Minh Đức, Ngọc Tân… Nhiều năm tháng của thập kỷ 90 thế kỷ trước, Lê Dung đã hát “Người Hà Nội” thật hào sảng với một kỹ thuật điêu luyện và cảm xúc chân thành. Chính Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội đã thực hiện ghi hình “Người Hà Nội” với hình ảnh xen kẽ giữa nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi suy tư, thâm trầm, lắng nghe với sự biểu cảm sang trọng, rực rỡ của ca sĩ Lê Dung. Ở giữa tác giả và nghệ sĩ là hình ảnh Hà Nội chiến đấu mùa đông 1946 đầy chất lãng mạn và hào hùng. Ngỡ như những con người trên chiến luỹ ngày ấy là từng nốt nhạc của Nguyễn Đình Thi khi nghe Lê Dung hào sảng:
Cố NSND Lê Dung
Hà Nội cháy khói lửa ngập trời Hà Nội ầm ầm rung sông Hồng reo Thét lên xung phong căm hờn sôi nòng súng Bùng cháy khắp phố ta ơi ! Vùng lên chiến sĩ ta ơi ! Trời Hà Nội đỏ máu
Vào đêm 10.10.1974, kỷ niệm 20 năm giải phóng Thủ đô, những người lính Hà Nội ở Tây Nguyên đã cùng nhau tụ lại ở một góc rừng đại ngàn. Ở đấy, chỉ với cây guitar đã bạc màu sơn qua bao cuộc hành quân, chúng tôi hát vang Người Hà Nội. Bài hát như khơi cháy ngọn lửa hào hùng trong lòng các chàng trai Hà Nội để rồi sau đó lại tiếp tục dấn thân vào những cuộc chiến đấu chống lấn chiếm quyết liệt, chuẩn bị cho trận điểm huyệt Buôn Ma Thuột vào mùa xuân 1975.
Trong số những cựu binh ngày ấy, có người đã hát Người Hà Nội rất hay, không nói là hơn hẳn độ truyền cảm so với các ca sĩ, mà là có thể ngang ngửa với tất cả các giọng hát. Đó là nhà văn Hòa Vang. Ở đâu, bất cứ chỗ nào, nếu đã uống “tây tây” một chút, khi Hòa Vang cất giọng lên: “Đây Hồ Gươm – Hồng Hà – Hồ Tây…” là đã thấy nồng nàn một hình ảnh người Hà Nội đang chốt giữ trên từng chiến luỹ đã được miêu tả đầy tính hiệp sĩ trong tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, hay trong kịch bản phim Lũy Hoa của ông. Nhà văn Hòa Vang đã nhiều lần hát Người Hà Nội cho chính nhà văn – nhà thơ – nhà viết kịch – nhạc sĩ tài năng Nguyễn Đình Thi nghe. Lần nào ông cũng rất cảm động. Ngày Nguyễn Đình Thi tạ thế, Hoà Vang cũng đã hát vang Người Hà Nội giữa anh em bạn bè sau khi thành kính trước linh cữu người nghệ sĩ bậc thầy quá cố. Người Hà Nội cứ thế, bên ta hàng ngày, muôn đời cùng Hà Nội muôn đời.