Diễn viên Lý Hùng tâm sự, anh tôn trọng sự riêng tư của mỗi người, nhưng diễn viên phải chuyên nghiệp, không thể để vai diễn ảnh hưởng đến cuộc sống. Ngoài ra, kể về sự cực khổ khi đóng phim cổ trang, anh còn lo lắng khi dòng phim này chưa được đầu tư đúng mức.
Làm phim cổ trang cần có trách nhiệm
Suốt mấy chục năm làm nghề, Lý Hùng đã tham gia trên 10 phim cổ trang. Trong đó, anh thể hiện hình ảnh của 3 vị vua và các vai tráng sĩ, nghĩa hiệp.
Diễn viên Lý Hùng cho hay: “Làm phim cổ trang mà không hoành tráng thì không thể gọi là phim cổ trang. Như bộ phim Tây Sơn hào kiệt do hãng phim gia đình tôi sản xuất, muốn cảnh chiến trường hoành tráng, chúng tôi phải thuê hơn 2.000 người để đóng vai quân lính, thậm chí còn phải nhờ sự tham gia của học sinh, sinh viên… Chưa hết, tổ phục trang và đạo cụ phải chuẩn bị 2.000 bộ đồ, 2.000 binh khí các loại”.
Lý Hùng với hình ảnh người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ trong phim Tây Sơn hào kiệt.
Anh kể tiếp: “Vất vả nhất là ngựa. Tôi và các anh em phải đến trường đua Phú Thọ để chọn từng con ngựa cao to, đẹp mã. Chúng tôi đã thuê ngựa thì phải thuê luôn người giữ ngựa, thuê cả xe tải để chở mấy chục con ngựa ra phim trường. Đã vậy, chúng tôi quay phim với ngựa cũng gian nan lắm. Chuyện ngựa “chứng” rồi đá, hất văng diễn viên là bình thường”.
Với kinh nghiệm của mình, Lý Hùng đánh giá: “Làm phim cổ trang cần yêu nghề, tâm huyết. Kịch bản phải tốt và viết đúng về lịch sử. Phim có thể hư cấu một phần nào đó nhưng phải có giới hạn, không thể tùy tiện hư cấu quá mức”.
“Làm phim lịch sử, phim cổ trang mà hư cấu quá nhiều, đưa vào hình ảnh giả gái, yếu tố hiện đại để chọc cười khán giả là không nên. Dòng phim này đòi hỏi tính dân tộc để giáo dục, nâng cao lòng tự hào về truyền thống quê hương đất nước cho khán giả. Vì thế, phải nghiêm túc, chỉn chu, thể hiện đúng trách nhiệm của người nghệ sĩ. Đừng chạy theo xu hướng mà dễ dãi, tùy tiện”, Lý Hùng nêu quan điểm.
PR phim như con dao hai lưỡi
Nói về cách làm truyền thông của các diễn viên và bộ phim hiện nay, ngôi sao điện ảnh thập niên 90 cho biết: “Về mặt truyền thông, các bạn trẻ bây giờ có thuận lợi hơn thế hệ chúng tôi ngày xưa. Ngày xưa chúng tôi chỉ có báo giấy, truyền hình nên việc chia sẻ thông tin cũng chậm hơn, kỹ càng hơn. Tuy vậy, thế hệ diễn viên chúng tôi ngày xưa đều sống với nghề bằng lòng say mê và trách nhiệm, nên không có chuyện lạm dụng chiêu trò PR như bây giờ”.
Nam diễn viên khẳng định luôn rạch ròi giữa công việc và đời tư. (Ảnh: Văn Thi)
Song, diễn viên Lý Hùng cũng bày tỏ: “Quảng cáo là tốt, vì không quảng cáo thì làm sao khán giả biết đến sản phẩm của mình. Nhưng quảng cáo mà không đúng sẽ là con dao 2 lưỡi. Chúng ta cứ làm chuyện này, chuyện kia để được chú ý là điều rất nguy hiểm. Khán giả luôn rất thông minh. Họ xem phim mà thấy quảng cáo không đúng là sẽ quay lưng ngay”.
Chia sẻ về chuyện “phim giả tình thật”, nam diễn viên nói: “Tôi đóng cảnh yêu nhau là nhập tâm lắm. Có lần, tôi đóng cảnh hôn Diễm Hương. Diễn say đắm, nồng cháy đến mức cả đoàn phim vỗ tay khen. Thậm chí, đạo diễn còn hỏi, anh yêu thật luôn à? Nhưng tôi khẳng định là không, đó chỉ là nhập vai. Nếu nhập vai rồi yêu thật thì chắc tôi yêu hơn cả trăm người”.
Nhớ lại một kỷ niệm khác với phim của cố đạo diễn Lê Mộng Hoàng, diễn viên Lý Hùng kể: “Trong phim đó, tôi và Việt Trinh diễn vai yêu nhau. Có một cảnh phim ở Vũng Tàu, chúng tôi hôn nhau say đắm từ 12h khuya đến 3h sáng. Chúng tôi hôn nhau rất vui vẻ, nhập tâm khiến nhiều người còn bảo, đôi này diễn hay quá, chắc ngoài đời cũng yêu nhau. Nhưng đâu có, tôi và Việt Trinh đều chuyên nghiệp, diễn xong là thôi, vẫn là bạn bè bình thường”.
Lý Hùng và Việt Trinh trên màn ảnh thập niên 90.
Qua đó, anh cho rằng, diễn viên giỏi cần hóa thân một cách chân thật nhất. Nhưng sau ống kính, người diễn viên phải trở lại là chính mình. Đó mới thể hiện được kỹ năng chuyên nghiệp.
Nói thêm về cách làm phim ngày xưa, Lý Hùng khẳng định: “Ngày xưa casting kỹ lắm, phải thật sự hợp vai thì đạo diễn mới chọn. Điển hình như phim Nước mắt học trò. Các diễn viên như Việt Trinh, Hữu Nghĩa, Hồng Đào,… đều rất hợp vai. Chọn được diễn viên hợp vai thì phim đã có 50% thành công rồi. Do đó, có nhiều khi diễn viên từ chối, nhà sản xuất phải kiên trì thuyết phục họ, thậm chí năn nỉ họ dành thời gian cho phim”.
“Còn diễn viên trẻ bây giờ, nếu phải xin xỏ, nhờ vả để có vai thì có khi lại tự mình hại mình. Cứ xem như đạo diễn, nhà sản xuất quý mến rồi cho bạn vai diễn. Nhưng sau đó thì sao, làm sao diễn được, diễn không đạt rồi có phải ảnh hưởng đến cả tập thể không. Còn chưa nói đến việc khán giả sẽ thất vọng với bạn”, nam diễn viên nhận xét.