Mấy năm gần đây, cây điều Bình Phước liên tục hứng chịu hậu quả nặng nề từ biến đổi khí hậu, thời tiết thất thường, khiến cả hệ thống chính trị của tỉnh Bình Phước phải đồng loạt ra quân, giải cứu cây điều.
Ông Lê Đào Thanh Hải (Bên phải), Phó Chủ tịch UBND xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập đang đi kiểm tra tình trạng sâu đục thân tại vườn điều nhà ông Điểu Lơn |
Năm 2018 này, câu điều lại tiếp tục đối mặt với tình trạng sâu đục thân tấn công cây điều dẫn đến giảm năng suất và chết cây dần.
Tại thôn 3, xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng, rất nhiều vườn điều đang bị tình trạng sâu đục thân cây điều. Hộ gia đình nhà anh Nông Văn Máy có gần 1ha điều, năm ngoái bị bệnh thán thư, bọ xít muỗi, cháy lá khô cành, chưa kịp hồi phục hẳn thì nay lại bị sâu đục thân tấn công khiến vườn điều gia đình anh bị hư hại nặng. “Hai năm nay vườn điều nhà tôi cho rất ít trái vì sâu bệnh. Lúc được mùa thì cũng được từ 600 đến 700 kg. Thế nhưng thu hoạch hai năm gần đây chưa đến 200 kg hạt tươi. Đã vậy giờ còn thêm sâu đục thân khiến cây chết dần. Tôi đành phải cưa bỏ thôi chứ không còn cách nào khác”, ông Máy nói.
Tương tự, cách vườn điều nhà ông Máy 500 mét là gần 2ha điều trên 15 năm tuổi của gia đình ông Triệu Văn Lâm (dân tộc Tày) cũng đang khốn đốn vì sâu đục thân. Ông Lâm cho biết, nếu như trước đây, mỗi ha điều có thể thu được gần 1 tấn hạt, thì nay chỉ còn vài trăm kg. Dịch bệnh cũ chữa chưa xong, nay lại xuất hiện thêm sâu đục thân khiến gia đình ông xoay sở đủ đường để trị bệnh. Sâu đục thân cây điều xuất hiện đã lâu, nhất là đối với cây điều già cỗi nhưng không nhiều bằng năm nay. Dù ông đã dùng đủ mọi cách nhưng vẫn không ăn thua. Hiện khoảng 30% tổng số cây điều trong. Vườn nhà ông bị sâu đục thân tấn công và đang tiếp tục lan rộng. “Hai năm vừa qua với các loại bệnh thư than, bọ xít muỗi hoành hành còn có cách trị, nhưng nay lại bệnh sau đục thân xin thua rồi. Mỗi ngày nó đục một tý vào tận sâu thân cây, thậm chí nó đục tít trên cành cao, khó kiểm soát lắm. Phát hiện nó đục tới đâu cắt tới đó thôi, thậm chí cây nào bị nhiễm cắt sạch luôn để đề phòng lây lan”, ông Lâm nói.
Sâu đục thân điều và những gốc điều bị sâu “cày nát” |
Tại xã Phú Văn, huyện biên giới Bù Gia Mập, nơi có số đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống chiếm trên 33%. Người dân nơi đây chủ yếu dựa vào cây điều làm nguồn thu nhập chính. Theo thống kê của UBND xã Phú Văn, từ đầu năm đến nay đã có khoảng 400 hộ gia đình có nhu cầu tái canh cây điều với diện tích gần 500ha. Đây là những vườn điều bị sâu hại, bệnh và điều già cỗi. Hiện rất nhiều cây điều bị sâu đục thân tấn công rải rác, khiến cây khô dần và chết đứng. Nhiều hộ dân trồng điều cho biết, những vườn điều bị sâu bệnh tấn công trong thân cây nặng nhất thì có đến từ 20 đến 30 con sâu/cây điều. Đường kính con sâu lớn nhất dài từ 5 – 8 cm. Những cây điều bị sâu đục thân thường không chết nhanh mà năng suất kém, chết dần, sau đó khô cả cây. Trước tình trạng cây điều sâu đục thân tấn công hầu hết bà con nông dân xử lý bằng cách dùng dao đục thân cây để tiêm thuốc vào. Nếu phát hiện muộn, bị nặng sẽ phải chặt bỏ, vì hiện nay bà con vẫn chưa có cách trị dứt điểm.
Sâu đục thân điều khiến nhiều hộ DTTS đã nghèo lại khó khăn hơn. Hộ gia đình ông Điểu Rít, tại thôn Thác Dài, xã Phú Văn có 4ha điều thì gần một nửa vườn bị sâu đục thân và bệnh cháy lá, khô cành. Những cây bị sâu đục thân gia đình ông chỉ còn cách chặt bỏ để trồng lại cây điều ghép. Nhưng do vụ mùa trước liên tục thất thu nên vẫn chưa có đủ tiền để tái canh. “Lâu nay, cả nhà tôi vẫn sống nhờ vườn điều, dù năng suất không cao, nhưng năm nào cũng có thu, cũng tạm đủ trang trải. Nhưng 2 năm nay, hết thán thư, bọ xít, cháy lá khô cành lại đến sâu đục thân. Thế này coi như mất trắng rồi”. Ông Điểu Rít than.
Cũng tại thôn Thác Dài, 2ha điều gần 20 năm tuổi của gia đình anh Điểu Lơn xơ xác khiến gia đình 6 miệng ăn thuộc hộ nghèo này đã khổ lại càng khổ hơn, vợ chồng anh phải đi làm thuê thêm để có tiền trang trải sinh hoạt hàng ngày và cho con ăn học. Anh Điểu Lơn cho biết, muốn cưa cây điều đi để trồng mới, nhưng làm gì có tiền đầu tư mà trồng mới? “Vườn điều không có điều kiện chăm sóc, năng suất đã thấp hơn so với bà con trong thôn, nay lại sâu bệnh khó trị. Đợt trước gia đình tôi cũng xịt bốn lần nhưng không ăn thua. Chắc không lâu nữa, vườn điều nhà tôi sẽ chết trắng hết thôi. Muốn cắt đi để trồng lại, nhưng cũng không có tiền để làm. Hai ha điều chỉ được gần 2 tấn hạt tươi nên không đủ tiền trả nợ”, Điểu Lơn tâm sự.
“Niên vụ 2016 – 2017 và niên vụ 2017 – 2018 cây điều trên địa bàn xã chịu ảnh hưởng nặng của sự biến đổi của khí hậu. Vì vậy, nhiều hộ dân trồng điều bị mất mùa nặng, nhất là đối với các hộ nghèo, đồng bào DTTS. Ngoài nguyên nhân biến đổi khí hậu, lâu nay đồng bào DTTS, đặc biệt bà con dân tộc S’tiêng vẫn giữ tập quán canh tác cũ, ít áp dụng KHKT, phó mặc cho trời, không đầu tư bón phân, xịt thuốc, bên cạnh đó, đa số các vườn điều ở đây đều là giống điều cũ, già tuổi, đã bị thoái hóa, sức đề kháng kém nên dễ bị sâu bệnh tấn công, khiến năng suất rất thấp. Hiện nay, diện tích vườn điều của bà con cần tái canh là rất lớn, nhưng điều kiện của người dân lại không có”, ông Lê Đào Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Văn.
Hiện nay không chỉ các hộ dân tại huyện Bù Gia Mập, huyện Bù Đăng mà con rất nhiều hộ ở địa phương khác trong tỉnh Bình Phước “đau đầu” vì sâu đục thân hoành hành khiến cây điều chết dần chết mòn, giảm năng suất.
Theo nongnghiep.vn