Chiều 27/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Phiên thảo luận cấp cao khoá 73 của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York, Hoa Kỳ. Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Đại hội đồng Liên hợp quốc và các nước đã chia buồn về việc Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời.
Phiên thảo luận cấp cao khoá 73 của Đại hội đồng Liên hợp quốc với chủ đề “Để Liên hợp quốc gắn bó với tất cả người dân: Lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm chung vì các xã hội hòa bình, công bằng và bền vững”. Phiên thảo luận năm nay thu hút sự tham gia của 122 Nguyên thủ và Người đứng đầu Chính phủ và hơn 50 Bộ trưởng.
Tại Phiên thảo luận, thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) và các nước đã chia buồn về việc Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời.
Phát biểu tại Phiên thảo luận, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những thành tựu của LHQ trong hơn 70 năm qua trong duy trì hoà bình, thực thi chuẩn mực cốt lõi của quan hệ quốc tế, ký kết Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân, cải cách Hệ thống phát triển, thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, triển khai các Mục tiêu phát triển bền vững, giải quyết hàng loạt các vấn đề toàn cầu bức bách.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định Việt Nam luôn đồng hành với LHQ phấn đấu vì các mục tiêu cao cả đó, ủng hộ mạnh mẽ vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong hệ thống quốc tế đa phương, tích cực đóng góp vào các hoạt động trên cả ba trụ cột là duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, hợp tác phát triển và bảo đảm quyền con người.
Thủ tướng Chính phủ cho rằng LHQ cần cải cách mạnh mẽ, toàn diện theo hướng nâng cao hiệu quả, dân chủ và minh bạch để thực hiện tốt vai trò không thể thay thế được trong lãnh đạo xử lý các thách thức toàn cầu và kêu gọi các nước cùng nhau đoàn kết, phấn đấu “Vì một thế giới hoà bình, công bằng, và phát triển bền vững”.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam ngày nay có tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, đời sống của gần 100 triệu người dân ngày càng được nâng cao. Với chính sách chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tham gia sâu vào các liên kết kinh tế, Việt Nam đã trở thành một mắt xích quan trọng trong mạng lưới các khu vực thương mại tự do với gần 60 quốc gia, đối tác lớn.
Việt Nam không chỉ tham gia đóng góp có trách nhiệm tại nhiều cơ chế quan trọng của Liên hợp quốc, Việt Nam cũng rất tích cực tham gia các cơ chế đa phương khác, chủ trì và tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế lớn, đặc biệt là Năm APEC 2017, Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018, Hội nghị Hợp tác Tiểu vùng Mekong lần 6.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Việt Nam sẵn sàng đóng góp nhiều hơn nữa vào việc xây dựng các thể chế đa phương và thực hiện những trách nhiệm chung của cộng đồng quốc tế; chuẩn bị cử Bệnh viện dã chiến cấp 2 tham gia phái bộ gìn giữ hoà bình tại Nam Xu-đăng.
Thủ tưởng Chính phủ khẳng định Việt Nam nhất quán đề cao Hiến chương LHQ, các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế trong giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình, trong đó có tranh chấp ở Biển Đông, trên cơ sở Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), đồng thời nhấn mạnh việc bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông là nhiệm vụ quan trọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn các nước châu Á – Thái Bình Dương nhất trí đề cử Việt Nam vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và đề nghị các quốc gia thành viên Liên hợp quốc ủng hộ Việt Nam đảm nhiệm vị trí này. Với những thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội, kinh nghiệm và cam kết đóng góp cho các hoạt động đa phương, Việt Nam tin tưởng sẽ thực hiện tốt trọng trách này nếu được cộng đồng quốc tế tín nhiệm.
Cũng trong chiều 27/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp với Chủ tịch Đại hội đồng Maria Fernanda Espinosa Garces, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.
Trao đổi với Chủ tịch Đại hội đồng Maria Fernanda Espinosa Garces, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định coi trọng quan hệ với Liên hợp quốc; ủng hộ vai trò trung tâm của LHQ; đề nghị LHQ ưu tiên thúc đẩy ngoại giao phòng ngừa, ủng hộ giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế; khẳng định Việt Nam sẽ đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào các công việc chung của LHQ, tham gia chủ động, có tránh nhiệm vào các sáng kiến của LHQ về phát triển và gìn giữ hoà bình.
Tại cuộc gặp với Tổng thư ký Antonio Guterres, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các nỗ lực của Tổng Thư ký trong việc cải tổ Liên hợp quốc, đặc biệt là hệ thống phát triển Liên hợp quốc để hỗ trợ tốt hơn các nước trong việc thực hiện Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030. Thủ tướng mong muốn Liên hợp quốc tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện thành công các Mục tiêu Phát triển bền vững và Thỏa thuận Pa-ri về biến đổi khí hậu.
Chủ tịch Đại hội đồng và Tổng Thư ký LHQ bày tỏ ấn tượng trước những thành tựu phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam, đánh giá cao và cảm ơn các đóng góp tích cực của VN vào việc thực hiện các công việc chung của LHQ và các sáng kiến cải tổ phương thức hoạt động của LHQ, mong muốn Việt Nam tiếp tục đi đầu thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), khẳng định LHQ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam.
Tổng thư ký LHQ bày tỏ quan tâm tới tình hình Biển Đông và khẳng định chủ trương nhất quán của LHQ ủng hộ giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Theo Dân Trí