Trải qua hơn 600 năm, dưới tác động của thiên nhiên, con người, di tích cổng Nam Thành nhà Hồ đã xuất hiện tình trạng sụt vỡ các khối đá tạo vòm và tiếp tục diễn ra. Khả năng tụt vỡ khi có chấn động hoặc bị ăn mòn là rất lớn gây nguy hại đến kiến trúc và nguy hiểm cho khách tham quan…
Di sản Thành nhà Hồ (nằm trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa ngày nay) là kinh đô của nước Đại Việt, vương triều Trần từ năm 1398 – 1400 và kinh đô nước Đại Ngu dưới vương triều Hồ từ năm 1400 – 1407.
Thành nhà Hồ là nhân chứng độc đáo cho một thời kỳ quan trọng trong lịch sử Việt Nam và Đông Nam Á. Vị trí của thành được lựa chọn theo những nguyên tắc phong thủy, cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp giữa hai dòng sông Mã và sông Bưởi.
Trong đó, các cổng thành đều được mở ở chính giữa các mặt tường thành và được xây theo kiểu vòm cuốn (các cổng phía Đông, Tây, Bắc đều được xây một vòm, riêng cổng Nam xây ba vòm trong đó cổng giữa lớn hơn hai cổng bên).
Cổng Nam có kích thước dài 34,850m, sâu 15m, cao 10m. Cổng được xây dựng kiểu cuốn vòm với các phiến đá lớn hình chữ nhật bằng phẳng tạo thân cổng, các khối đá có mặt cắt hình thang cân tạo vòm cửa.
Cổng Nam là một trong những điểm thu hút khách tham quan, là vị trí hướng dẫn thuyết minh tuyên truyền, giá trị di sản.
Tuy nhiên, trải qua thời gian hơn 600 năm, dưới tác động của thiên nhiên, con người, di tích cổng Nam đã bị mất phần kiến trúc như vọng lâu, các cánh cổng cũng như tình trạng sụt vỡ các khối đá tạo vòm.
Hiện trạng này đã xảy ra nhiều năm, theo khảo sát, đánh giá của chuyên gia và Trung tâm bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ (Trung tâm) thì hiện tượng sụt vỡ của viên đá tiếp tục diễn ra tuy có chậm. Đá xây dựng vòm cửa Nam là đá vôi rất giòn và cứng, vì vậy hiện tượng nứt vỡ là hoàn toàn tự nhiên.
Qua khảo sát cho thấy, khối đá nứt vỡ có trọng lượng khoảng 200kg, đã vỡ và tụt xuống tạo thành khe hở khoảng 5cm.
Tại khu vực cửa Nam, hiện đang chịu tác động của tự nhiên, môi trường, như: Mưa, nắng, rêu, ẩm, địa y và đặc biệt là tác động ăn mòn của muối. Điều này đặc biệt nguy hại, tác động lớn đến viên đá bị vỡ tụt. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng và có nguy cơ khiến viên đá bị tụt khỏi vòm cuốn, ảnh hưởng kết cấu vòm.
Nguyên nhân tạo nên sự phát triển mạnh của quần thể này là do nền khí hậu nhiệt đới. Nó đã và đang gây hại cho đá trên tường thành, đặc biệt là các cổng thành.
Khả năng tụt vỡ khi có chấn động hoặc bị ăn mòn là rất lớn, gây nguy hại đến kiến trúc và nguy hiểm cho khách tham quan, ảnh hưởng đến công tác bảo tồn và thẩm mỹ của di tích.
Trên cơ sở dự án được phê duyệt, Trung tâm sẽ mời chuyên gia quốc tế, trong nước để trực tiếp nghiên cứu, bảo tồn và triển khai thực hiện.
Mục tiêu của dự án là tu sửa cấp thiết, bảo tồn cấu trúc mái vòm cổng thành phía Nam, tránh sụt đổ, ổn định kết cấu mái vòm, đảm bảo an toàn cho du khách tham quan.
Đồng thời, loại bỏ sự xâm hại, tác động của các loài thực vật, rêu mốc, địa y, muối lên tường cổng thành phía Nam. Đảm bảo tính toàn vẹn, mỹ quan của di sản.
Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức trong công tác bảo tồn di sản. Các tác nhân gây hại như muối, rêu mốc, địa y, các vết bùn đất, ký tự do trẻ em vẽ lên bề mặt cổng thành đã xuất hiện từ lâu. Tuy nhiên, tác hại của các tác nhân này chưa được nhận thức đầy đủ, phương án bảo quản, tu sửa lần đầu tiên được đề xuất thực hiện.
Ngoài ra, phát huy giá trị di sản. Cổng chính của thành là điểm dừng chân đầu tiên của du khách. Việc thực hiện dự án sẽ lưu lại ấn tượng tốt về giá trị của Thành nhà Hồ đối với du khách.
Hiện nay, dự án đã được Quỹ bảo tồn văn hóa của Đại sứ Hoa Kỳ chấp thuận tài trợ với tổng kinh phí 92.500 USD để thực hiện.
Theo phương án, tháng 11/2018 sẽ khảo sát, khoanh vùng, phân tích vị trí bị nứt vỡ trên mái vòm phía Tây và các vị trí bị xâm hại trên bề mặt cổng Nam. Lấy mẫu, phân tích tác nhân gây hại mái vòm và bề mặt cổng thành Nam Tiếp đó, tháng 12/2018, tổ chức Hội thảo khoa học xây dựng phương án bảo quản, tu sửa mái vòm phía Tây của cổng Nam và loại bỏ tác nhân gây hại bề mặt cổng Nam. Đến tháng 1 – 4/2019 công tác tu sửa và bảo quản cổng Nam Thành Nhà Hồ sẽ được tổ chức. Tháng 3 – 5/2019, loại bỏ tác nhân (Thực vật, rêu mốc, địa y, muối) gây hại bề mặt cổng Nam. Tháng 6/2019, Hội nghị tổng kết dự án, tuyên truyền, quảng bá kết quả dự án đến cộng đồng để nâng cao ý thức bảo tồn di sản. |
Theo Dân Trí