Sau thời gian dài “cân não”, quy định về tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận và bộ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư mới đã ra đời. Quy định này được nhìn nhận “Đã có nhiều khác biệt và tiến bộ, tuy nhiên vẫn còn những điểm lấn cấn”.
Quyết định lần này đã toàn diện và được chuẩn bị kỹ lưỡng, chung cho tất cả các cơ sở đào tạo theo đủ mọi ngành nghề trong cả nước. Những đánh giá định lượng như khuôn, khung về thời gian, thang điểm công trình khoa học, số lượng nghiên cứu sinh đã đào tạo, … được phân biệt chi tiết tỉ mỉ, rạch ròi cho phép tạo ra những GS, PGS quốc gia “đúng quy trình”.
Nhìn chung, tinh thần là vẫn muốn bao cấp “phong tặng” những chức danh này. Trong khi đó, hiện nay đã chủ trương các các cơ sở đào tạo đại học được tự chủ. Tại sao không thể nghĩ rằng, giá trị và uy tín của một tiến sĩ giảng dạy ở một đại học lọt vào tốp 100 thế giới sẽ hơn nhiều giáo sư ở một trường trong tốp 10.000 thế giới?
Tôi vẫn băn khoăn về một số vấn đề đặt ra cho quyết định này.
Thứ nhất, quyết định đã không phân biệt được tính đặc thù giữa các ngành khoa học xã hội, tự nhiên và kỹ thuật. Ai cũng biết viết một giáo trình cơ bản về đại số đã định hình trên thế giới cả ngàn năm nay khác hẳn với viết một giáo trình cơ bản về lịch sử Việt Nam.
Thứ hai, trong khi có những thang độ đánh giá định lượng chặt chẽ chi ly thì thang độ đánh giá định tính lại vẫn chung chung. Thuật ngữ “nhà xuất bản, tạp chí có uy tín” xuất hiện tới 43 lần, nhưng thế nào là “có uy tín”? Đã có những người Việt có 1 bài báo lọt vào tạp chí tốp 3 thế giới và một vài bài báo khác là đã được phong GS, PGS rồi (tất nhiên, ở một đại học danh tiếng nước ngoài). Nhưng trong quyết định mới không thấy tinh thần ngoại lệ.
Thứ ba, trong quyết định mới đã giảm từ 3 cấp hội đồng (Hội đồng giáo sư cơ sở, Hội đồng giáo sư ngành chuyên ngành, Hội đồng giáo sư Nhà nước xuống còn 2 Hội đồng giáo sư cơ sở, Hội đồng giáo sư nhà nước, như vậy tính khách quan sẽ tăng lên hay giảm đi?
Vấn đề ở đây không phải là 3 cấp hay 2 cấp, bởi từng có ứng viên GS mời luôn người thẩm định cấp hội đồng chuyên ngành xuống làm người thẩm định cấp cơ sở, thế là “thoát” cấp cơ sở và đồng thời “thoát” luôn cả cấp chuyên ngành. Đương nhiên cũng thoát cả cấp Nhà nước vì Hội đồng Nhà nước bao gồm những chuyên gia ở những ngành, những lĩnh vực khác nhau thì làm sao mà biết được từng ứng viên cụ thể ở những chuyên ngành cụ thể nếu không có những khiếu kiện?
Hơn nữa, dù có khiếu kiện thì Hội đồng Nhà nước cũng lại trả về Hội đồng chuyên ngành hoặc cơ sở. Mà đã “thoát” cấp cơ sở/chuyên ngành, dù có bị kiểm tra thì vị chủ tịch và những thành viên đã thẩm định, theo luật “không ai tự lấy đá ghè vào chân mình, dại gì mà nhận rằng mình đã sai nếu không muốn nói là mình đã bị “mua”?.
PGS Nguyễn Xuân Hoàn, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM: Nhiệm kỳ 5 năm tạo sức ép lớn
Ngoài 5 tiêu chuẩn chung, ứng viên giáo sư phải có 9 tiêu chuẩn riêng, ứng viên phó giáo sư phải có 8 tiêu chuẩn riêng, đặc biệt là tiêu chí điểm khoa học quy đổi cho các ứng viên đều tăng so với trước đã thể hiện sự tiến bộ, đòi hỏi chất lượng giáo sư, phó giáo sư ngày càng cao. Các ứng viên chuyên nghiên cứu trong phòng lab hay thường xuyên thực hiện các đề tài, dự án đều có thể lấy bài báo khoa học của mình ra để quy đổi để tham gia, như vậy sẽ không ai thiệt thòi nữa.
Điểm nổi bật nhất của quyết định lần này là quy định cụ thể các công trình khoa học, sách chuyên khảo, sách đào tạo. Việc tính điểm quy đổi đối với sách phục vụ đào tạo tại thời điểm này là phù hợp. Cụ thể, 1 sách chuyên khảo được tính tối đa đến 3 điểm hay 1 giáo trình được tính tối đa 2 điểm…).
Như vậy, các nhà nghiên cứu sẽ có thêm động lực xuất bản sách hay giáo trình. Tuy nhiên, quy định này nên để mở để khuyến khích ứng viên viết sách được xuất bản bằng tiếng Anh, bởi hiện nay đã hội nhập quốc tế sâu rộng, việc viết sách bằng tiếng Anh rất quan trọng đối với các nhà khoa học và các trường đại học.
Đặt ra vấn đề nhiệm kỳ giáo sư, phó giáo sư là 5 năm trong quyết định mới đã dần tiếp cận đến các chuẩn mực quốc tế. Từ trước tới nay, nhiều người được bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư rồi không còn mặn mà với công việc. Vì vậy, quy định nhiệm kỳ đối với chức danh này là đương nhiên, bởi không thể có chức danh gắn với cả đời nếu anh không tham gia hoặc không thực hiện các nghĩa vụ của mình.
PGS Phạm Đức Chính (Viện Cơ học): Tiêu chuẩn mới đã linh hoạt
Các tiêu chuẩn mới đã trở lên linh hoạt đáp ứng tốt hơn các đòi hỏi của cộng đồng khoa học hướng tới cải cách thời gian qua. Và cũng vì vậy, vai trò thẩm định của các HĐCDGS càng đóng vai trò quan trọng trong việc lựa chọn được các GS, PGS là các đầu tầu khoa học chất lượng xứng đáng nhất đưa khoa học và giáo dục VN tiến vào hội nhập quốc tế.
Các HĐCDGS cần phải là các nhà khoa học xứng đáng nhất, được tín nhiệm của cộng đồng khoa học hướng tới hội nhập. Đó sẽ là vấn đề quan trọng nhất trong thời gian tới, khi năm 2019 là thời điểm xây dựng các HĐCDGS Nhà nước và ngành mới.
Nguồn: vietnamnet