Rừng phòng hộ có nguy cơ bị khoét, xẻ, nguồn nước bị ô nhiễm, an ninh trật tự mất ổn định, nguy cơ sập hầm là ẩn họa khó lường… Đó là những hệ lụy từ nạn khai thác vàng sa khoáng trái phép tại địa bàn xã Đồng Nai (Bù Đăng). Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm và “nóng” từ cuối tháng 8 đầu tháng 9 vừa qua. Dù lực lượng chức năng đã vào cuộc, tình trạng khai thác vàng tạm thời lắng xuống nhưng về lâu dài chính quyền địa phương cần phải giải quyết dứt điểm thực trạng này để tránh những hệ lụy đáng tiếc có thể xảy ra.

ĐƯỜNG ĐẾN HẦM VÀNG

Thời gian qua, người dân sinh sống tại khu vực thôn 5, xã Đồng Nai rất bức xúc về tình trạng khai thác vàng sa khoáng trái phép tại khu vực rừng phòng hộ thuộc địa bàn xã này. Qua tìm hiểu của phóng viên, nơi mà “vàng tặc” lộng hành là tại Khoảnh 2, Tiểu khu 201 thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng. 

Một lán trại của “vàng tặc” chỉ cách địa điểm khai thác vàng ở địa bàn xã Đồng Nai (Bù Đăng) hơn 200m vẫn còn nguyên vẹn

Chúng tôi xâm nhập vào khu rừng phòng hộ để có thể tận mắt chứng kiến hầm quặng vàng mà “vàng tặc” khai thác. Rất may chúng tôi đã gặp được người dẫn đường thông thạo địa hình. Theo người dẫn đường, chúng tôi băng qua những con đường đất đỏ men sườn đồi, cây cối um tùm để tiếp cận khu vực này. Cách khu vực “vàng tặc” hoạt động chừng 1km, chúng tôi phải bỏ lại phương tiện để lội bộ và vượt qua con suối Đắk Mô, tiến vào nơi khai thác vàng trái phép tại Khoảnh 2, Tiểu khu 201. Người dẫn đường cho biết: “Vào đây gặp trời mưa thì hết đường ra”. Khi chúng tôi tới nơi thì không có một “phu vàng” nào, thay vào đó là cảnh ngổn ngang của một vạt rừng lồ ô đã bị phá để làm mặt bằng, miệng hang còn nguyên vẹn và các máy móc phục vụ khai thác vàng đã bị lực lượng chức năng tháo rời. Người dẫn đường cho biết, đợt này xã thành lập đoàn kiểm tra và thường xuyên xuống hiện trường nên các “phu vàng” tạm thời lánh. Nhưng khi ngừng kiểm tra thì họ sẽ trở lại khai thác tiếp.

Theo quan sát của phóng viên, miệng hầm khai thác vàng rộng khoảng hơn 1,2m, cao tầm 1,7m. Còn chiều dài của hầm theo tiết lộ của người dẫn đường khoảng 50-60m. Bên trong hầm nham nhở những mảng đá màu xám, ánh vàng. Hầm vàng không được gia cố bằng hệ thống chống đỡ. Hầm có hệ thống điện thắp sáng từ máy phát điện đặt bên ngoài. Khoảng cách từ miệng hầm đến bờ suối Đắk Mô gần 200m được lắp đặt hệ thống cáp tời để đưa đất đá bên trong ra bờ suối, máy xay đá nghiền thành bột để tuyển vàng sa khoáng.

Anh Điểu Nhơn, Công an xã Đồng Nai, người có gần 12 năm phụ trách địa bàn thôn 5 cho biết: “Nhóm đào vàng ở đây có khoảng 15-20 người, không phải người địa phương. Họ ăn, ở, sinh hoạt tại các chòi lán ven suối, gần khu vực khai thác vàng trái phép. Nhóm này chủ yếu hoạt động vào ban đêm để che mắt người dân và lực lượng chức năng”.

CẦN SỚM GIẢI QUYẾT  DỨT ĐIỂM

Hoạt động khai thác vàng trái phép diễn ra không chỉ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự mà còn gây ô nhiễm môi trường. Lượng hóa chất độc hại như thủy ngân, xyanua và các chất phụ gia được các đối tượng vận chuyển đến đây để lắng lọc vàng, sau đó xả thẳng ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước, đất, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân địa phương. Nhiều cây rừng đã bị triệt hạ để tạo mặt bằng hoặc làm lán trại, rừng phòng hộ có nguy cơ bị xâm hại làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Việc đào hầm để tìm kiếm vàng còn tiềm ẩn nguy cơ sập hầm, đe dọa đến tính mạng con người bất cứ lúc nào.

Ông Nguyễn Thái Hà, Chủ tịch UBND xã Đồng Nai cho biết: Hoạt động khai thác vàng trái phép trên địa bàn xã đã diễn ra từ nhiều năm nay. Trước đây, quy mô khai thác nhỏ lẻ, chủ yếu mang tính chất thăm dò. Tuy nhiên, thời gian gần đây lại “nóng” lên do “vàng tặc” đã huy động thêm phu vàng, cùng nhiều thiết bị máy móc để đẩy mạnh quy mô khai thác. Đầu tháng 9 vừa qua, UBND xã đã tổ chức kiểm tra, truy quét nhưng khi vào đến nơi họ đã nhanh chân tẩu tán gần hết phương tiện, trừ các thiết bị nặng. Đoàn đã lập biên bản, tịch thu một số máy móc như máy bơm hơi, máy tời, máy mài, dây điện… Một số máy móc thiết bị khác không thể vận chuyển, đoàn đã phá hủy.

Theo quan sát của phóng viên, cách địa điểm khai thác vàng không xa, nằm sát với mép suối Đắk Mô, một lán trại khá chắc chắn, phủ bạt được dựng trên phần đất rẫy của người dân. Bên trong lán trại vẫn còn các vật dụng như xoong, chảo, chén, đũa, gạo, nước uống, bếp gas và một chiếc phản lớn được ghép từ cây rừng. Trên phản vẫn còn những tàn thuốc lá hút dở khá mới. Điều đó chứng tỏ, “vàng tặc” vẫn chưa từ bỏ ý định khai thác vàng trái phép tại đây. “Chính quyền xã muốn giải quyết dứt điểm nhưng xem ra rất khó. Các đối tượng hoạt động tinh vi, địa bàn rộng, nằm trong rừng phòng hộ, cách xa khu dân cư, khi lực lượng chức năng tiếp cận, các đối tượng đã nhanh chân tẩu thoát. Hơn nữa, lực lượng của địa phương mỏng, muốn dẹp bỏ điểm khai thác vàng trái phép này phải có sự hỗ trợ từ cấp trên” – ông Nguyễn Thái Hà nhấn mạnh.

Theo Báo Bình Phước

Từ khóa : bù đăngvàng tặcxã Đồng Nai

Các tin liên quan đến bài viết