Nhiều người bị đối tượng xấu tung thông tin cá nhân, số điện thoại lên các trang mạng khiến họ bị quấy rối, làm phiền, thậm chí bị đe dọa đến tính mạng? Pháp luật quy định việc xử lý hành vi này như thế nào?
Theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng, “tùy tính chất, mục đích, động cơ của người tung thông tin cá nhân của người khác lên các trang mạng để họ bị quấy rối, làm phiền thì có thể bị phạt hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “làm nhục người khác” theo điều 121 Bộ luật hình sự với khung hình phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Nếu có hành vi đe dọa đến tính mạng thì người đe dọa sẽ bị khởi tố tội “đe dọa giết người” theo điều 
103 Bộ luật hình sự. Luật sư Nguyễn Văn Quynh cho rằng: theo điều 37, 38 Bộ luật dân sự quy định danh dự, nhân phẩm, uy tín và bí mật đời tư cá nhân (bao gồm thông tin, tư liệu đời tư, thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức điện tử khác) luôn được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư, kiểm soát điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác phải được người đó đồng ý hoặc được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vì vậy, nếu xác định đúng đối tượng thì người bị xâm phạm về quyền bí mật đời tư có quyền khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. “Đồng thời, điều 12 Luật công nghệ thông tin nghiêm cấm xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân.Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính 
20-30 triệu đồng theo điều 64 nghị định 174/2013. Khi quyền và lợi ích cá nhân bị xâm phạm, người dân cần báo cho công an, viện kiểm sát để tố giác tội phạm hoặc khởi kiện ra tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của Bộ luật dân sự” – luật sư Quynh nói. Hầu hết những trường hợp bị quấy rối, đe dọa, làm phiền bằng những số điện thoại lạ đều chịu cảnh “sống chung với lũ” vì là số điện thoại làm ăn lâu nay, hoặc không biết nhờ sự hỗ trợ từ cơ quan nào. Khi nhờ nhà mạng tư vấn thì nhà mạng cũng không có cách gì giải quyết triệt để cho khách hàng. “Chỉ có cách nếu số nào thường xuyên gọi làm phiền thì người dùng có thể chặn số đó hoặc cài đặt cuộc gọi nhóm, nghĩa là những số điện thoại nào trong nhóm này thì mới gọi được” – một nhân viên nhà mạng nói.

Theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng, việc phát hành sim rác tràn lan, quản lý sim rác lỏng lẻo cũng là nguyên nhân khiến người dùng thường xuyên bị quấy rầy, đe dọa bởi những số lạ. Nếu sim quấy rầy, đe dọa là sim chính chủ thì người bị quấy rối, đe dọa có quyền khiếu nại, yêu cầu cung cấp thông tin chủ số điện thoại, nhà mạng có trách nhiệm giải quyết cho khách hàng. Nếu nhà mạng không giải quyết, người dùng có thể kiện ra tòa.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Bộ Luật hình sựđe dọađiện thoạikhởi tốnhà mạngxâm phạm

Các tin liên quan đến bài viết