Với một cái xẻng, cát và sỏi thu thập từ các công trình xây dựng, ông Dadarao Bilhore ngày ngày rong ruổi trên khắp đường phố Mumbai để… lấp “ổ gà” và cầu nguyện cho người con trai đã khuất vì tai nạn liên quan đến “ổ gà”.

Tháng 7.2015, tại Mumbai, thủ đô tài chính và trung tâm giải trí Bollywood nhộn nhịp với 20 triệu dân của Ấn Độ, thiếu niên Prakash Bilhore đã qua đời ở tuổi 16 khi đang là một cậu học sinh đầy hứa hẹn.

Được biết, Prakash gặp tai nạn trong chuyến du lịch bằng xe máy cùng với một người anh họ. Khi đang di chuyển trên đường, xe đã vấp vào “ổ gà” sâu khiến cả 2 văng ra khỏi xe. Prakash, khi đó không đội mũ bảo hiểm, đã bị tổn thương não nghiêm trọng dẫn đến tử vong. Còn anh họ của em, người đội mũ bảo hiểm, cũng bị thương.

Vụ tai nạn bi thảm xảy ra vào mua hè khi đường phố Mumbai bị những trận mưa lớn tàn phá.

Như một cách để giảm bớt nỗi đau mất con, ông Dadarao Bilhore (48 tuổi, cha của Prakash) đã quyết định làm điều gì đó cho những con đường ở Mumbai.

Giống như phần lớn những con đường khác ở Ấn Độ, đường ở Mumbai nổi tiếng là có chất lượng kém.

Ông Dadarao Bilhore lấp một ổ gà trên đường cao tốc Western Express ở Mumbai, Ấn Độ, ngày 29.8. Ảnh: AFP
Ông Dadarao Bilhore lấp một “ổ gà” trên đường cao tốc Western Express ở Mumbai, Ấn Độ, ngày 29.8. Ảnh: AFP

Sử dụng cát và sỏi thu thập từ các công trình xây dựng, trong 3 năm qua, ông Bilhore đã sửa chữa 585 “ổ gà”. Trong đó, phần lớn do ông sửa một mình. Còn một số khác, ông nhận được sự trợ giúp từ các tình nguyện viên được truyền cảm hứng từ câu chuyện của ông.

Ông Bilhore cho biết, ông làm việc này cho con trai yêu của mình và hy vọng nó có thể cứu mạng sống của nhiều người khác.

“Sự ra đi bất ngờ của Prakash đã để lại một khoảng trống rất lớn trong cuộc sống của tôi. Tôi làm công việc này để tưởng nhớ con trai mình. Tôi cũng không muốn bất cứ ai khác phải chịu nỗi đau mất đi người thân giống như tôi”, ông Bilhore chia sẻ với AFP.

Tại Mumbai, “ổ gà” nhiều đến nỗi một chiến dịch được tiến hành để kêu gọi đưa thành phố này vào Sách kỷ lục Guinness với “thành tích” thành phố có nhiều “ổ gà” nhất.

Ông Navin Lade, một cư dân tại Mumbai, từng tuyên bố, ông đã đếm được hơn 27.000 “ổ gà” trong thành phố, tuy nhiên, các quan chức địa phương vẫn đang tranh luận về phát hiện này của ông.


Ông Bilhorem mong muốn công việc của mình sẽ giúp người đi đường tránh được nguy hiểm từ những ổ gà. (Ảnh: NDTV)

Ông Bilhorem mong muốn công việc của mình sẽ giúp người đi đường tránh được nguy hiểm từ những “ổ gà”. (Ảnh: NDTV)

Theo thống kê của chính phủ Ấn Độ vào năm ngoái, “ổ gà” là nguyên nhân dẫn đến những tai nạn khiến 3.597 người tử vong trên khắp Ấn Độ, nghĩa là trung bình mỗi ngày có khoảng 10 người tử vong vì va phải “ổ gà”.

Trước tình hình trên, người dân đã đổ lỗi cho sự thờ ơ của chính phủ và cáo buộc chính quyền địa phương không bảo trì đường xá đúng cách. Các nhà hoạt động nói, nhà thầu đã cố ý làm đường không đảm bảo để có thể làm lại vào năm sau.

“Chính phủ cần phải chịu trách nhiệm và tạo ra cơ sở hạ tầng tốt hơn”, ông Bilhore nói.

Ông Bilhore cũng chia sẻ: “Công việc này đã tiếp cho tôi sức mạnh để đối phó với nỗi đau mất con và bất cứ nơi nào tôi đến, tôi đều cảm thấy Prakash đang ở bên tôi. Miễn là tôi còn sống và có thể đi lại, tôi sẽ loại bỏ tất cả những “ổ gà” này”.

Với việc làm ý nghĩa, ông Bilhore đã được giới thiệu trong vô số các bài báo tại Ấn Độ và nhận được nhiều giải thưởng mang lại cho ông biệt danh “pothole dada” – một thuật ngữ trìu mến của Ấn Độ dành cho một người đàn ông được tôn trọng.

Theo Danviet.vn/Straits Times

Từ khóa : chuyến du lịchnghị lựctình nguyệntình nguyện viêntổn thương nãotừ thiệnViệc làm

Các tin liên quan đến bài viết