Lợi dụng chính sách cho phép người Việt được phép nhập khẩu một ôtô cá nhân đang sử dụng, hoàn toàn miễn thuế, Lam cùng đồng phạm thuê nhiều Việt kiều mang trái phép 54 xe Porsche, Bentley… về Việt Nam. Qua đó, Lam “bỏ túi” 360.000 USD.

Buôn lậu “ siêu xe”, trốn hàng trăm tỉ tiền thuế

Ngày 10/9, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử các bị cáo Nguyễn Quang Vinh 14 năm tù, Trần Thái Nguyên (cùng sinh năm 1982) 8 năm tù, Trần Phước Thạnh (sinh năm 1967) 12 năm tù và Nguyễn Giang Lam (sinh năm 1973, nguyên cán bộ Phòng quản lý Xuất nhập cảnh Công an TPHCM) 14 năm về tội buôn lậu.

Liên quan vụ án, tòa xét xử bị cáo Bùi Khắc Hà (sinh năm 1973, nguyên cán bộ Cục quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an) 5 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ.

Ngoài 5 bị cáo, hội đồng xét xử còn triệu tập đến phiên toà 106 cá nhân và tổ chức, với tư cách là người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan. Đó là các Việt kiều đứng tên trên thủ tục nhập khẩu xe hơi từ nước ngoài về Việt Nam, thuộc diện hồi hương.

img_8404

Bị cáo Lam lãnh 14 năm tù đồng thời phải nộp lại hàng chục tỉ đồng.

Theo cáo trạng, ngày 9/6/2009, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 118/2009/TT-BTC, cho phép người Việt định cư tại nước ngoài (đã hoàn tất thủ tục đăng ký thường trú tại Việt Nam) khi hồi hương được phép nhập khẩu một ôtô cá nhân đang sử dụng, hoàn toàn miễn thuế.

Biết rõ chính sách, Vinh và đồng phạm lợi dụng sơ hở của chính sách trên, thuê Việt kiều đứng ra nhập xe về bán kiếm lời. Nhóm người này móc nối với Lam, nhờ các cán bộ Cục quản lý xuất nhập cảnh đóng dấu khống.

Khi hợp thức hóa thủ tục, nhóm Vinh lấy thông tin của các Việt kiều cung cấp cho đồng phạm sống ở Mỹ. Từ đây, họ mua xe tại Mỹ và thuê hãng tàu vận chuyển về tiêu thụ cho các salon ở TPHCM.

Cơ quan điều tra xác định, từ tháng 1/2011 đến cuối năm 2012, đường dây của Vinh đã làm thủ tục nhập khẩu ôtô, môtô cho 64 Việt kiều hồi hương. Trong đó, 54 xe được thuê mướn để hợp thức hoá hành vi buôn lậu, bao gồm ôtô Rolls Royce, Land Rover, Bentley, Lexus, Audi, BMW, Porsche… và 12 môtô phân khối lớn; trị giá hơn 350 tỉ đồng. Hành vi của các bị cáo gây thất thoát 164 tỉ đồng tiền thuế.

Qua đó, Lam bỏ túi 360.000 USD từ việc thuê và giới thiệu cho Vinh 36 Việt kiều. Vinh và Thạnh thu lợi 556 triệu đồng còn Nguyên được hưởng 478 triệu.

Kiến nghị điều tra, xử lý đồng phạm

Tại phiên xử, các bị cáo Vinh, Thạnh, Nguyên đều thừa nhận hành vi sai phạm của mình. Vinh khai có được một số salon cho biết về chính sách ưu đãi thuế đối với ôtô nhập khẩu theo diện Việt kiều hồi hương. Theo đó, mỗi Việt kiều hồi hương được mang theo một ôtô hoặc môtô được miễn thuế nhập khẩu và chỉ phải đóng thuế tiêu thụ đặc biệt.

Các salon đã đặt vấn đề với bị cáo về việc mua lại tiêu chuẩn miễn thuế của các Việt kiều. Để hợp thức hóa hồ sơ, Vinh đã nhờ các cán bộ Cục An ninh cửa khẩu, Bộ Công an đóng dấu xuất nhập cảnh khống vào hộ chiếu của các Việt kiều để hợp thức hóa hồ sơ nhập khẩu xe.

img_8410

Các bị cáo nghe tòa tuyên án.

Riêng bị cáo Lam ban đầu kêu oan, tuy nhiên khi đại diện Viện KSND TPHCM xét hỏi thì bị cáo thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội.

Sau khi nghị án, nhận định căn cứ vào hồ sơ vụ án, lời khai của các bị cáo và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, có đủ căn cứ xác định cáo trạng truy tố các bị cáo là đúng người, đúng tội.

HĐXX nhận định hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, gây thất thoát lớn cho Nhà nước. Tuy nhiên khi lượng hình HĐXX có xem xét cho các bị cáo có nhân thân tốt phạm tội lần đầu ăn năn hối cải. Bị cáo Lam, Hà có nhiều đóng góp cho ngành Công an, trong quá trình công tác được tặng thưởng nhiều bằng khen. Bị cáo Nguyên gia đình có công với cách mạng, gia đình hoàn cảnh khó khăn.

Liên quan tới số tiền bị cáo Lam chiếm đoạt 360.000 USD tuy nhiên Lam đã dùng toàn bộ số tiền này để chi trả cho các Việt Kiều. Do đây là tang vật của của vụ án nên yêu cầu tất cả những Việt kiều này nộp lại toàn bộ tiền trên nhằm khắc phục hậu quả của vụ án.

Từ đó HĐXX, tuyên phạt bị cáo Vinh, Lam 14 năm tù, Thạnh 12 năm tù, Nguyên 8 năm tù và Hà 5 tù. Ngoài ra HĐXX tuyên phạt các bị cáo Vinh, Lam, Thạnh và Nguyên phải nộp lại toàn bộ số tiền thu lợi bất chính và có trách nhiệm bồi thường toàn bộ số tiền thuế bị thất thu. Riêng bị cáo Hà không được hưởng lợi từ việc buôn lậu nên không phải khắc phục hậu quả.

Sau khi tuyên án, HĐXX kiến nghị cơ quan điều tra, Viên KSND điều tra làm rõ vai trò các Việt kiều và chủ salon trong vụ án, nếu phát hiện sai phạm thì xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Dân Trí

Từ khóa : cán bộ công anCông an TPHCMCục quản lý xuất nhập cảnhNguyễn Giang LamNguyễn Quang Vinhtội buôn lậuTrần Thái Nguyên

Các tin liên quan đến bài viết