Một công ty có tên Chăm sóc khoa học ở Mỹ đã thu về đến 27 triệu USD/năm (gần 600 tỷ) nhờ việc tìm kiếm những người hiến xác thông qua các nhà tế bần, nhà tang lễ và cả quảng cáo trên mạng. Để đảm bảo “chất lượng” những bộ phận cơ thể bán ra, công ty còn áp dụng cả mô hình kinh doanh của McDonald’s.
Kiếm bộn nhờ người hiến xác
Công ty chăm sóc khoa học do một người tên Jim Rogers sáng lập vào năm 2000. Lúc này, Rogers đang là một người bán bảo hiểm tang lễ.
Theo lý giải của Rogers, ông ta quyết định mở công ty môi giới thi thể sau khi phát hiện sự cần thiết phải có sự kết nối giữa những người hiến thi thể với những người làm nghiên cứu khoa học trong obosi cảnh những nhà nghiên cứu vẫn đang chật vật tìm kiếm các bộ phận cơ thể.
Năm 2008, khi đang trên đà phát triển mạnh, Công ty Chăm sóc khoa học đã xây dựng một bản kế hoạch có tên kế hoạch phát triển toàn quốc dài 55 trang. Mục tiêu của bản kế hoạch được xác định rõ là tối đa hóa lợi nhuận từ việc bán các thi thể người được hiến tặng cho khoa học.
Bà LouJean McLendon bên di ảnh người bạn đã hiến thi thể. |
Theo bản kế hoạch, người sáng lập Công ty chăm sóc khoa học tên Jim Rogers xác định mục tiêu cung cấp cho khách hàng những bộ phận cơ thể giống hệt nhau dù họ đặt hàng ở bất cứ chi nhánh nào của công ty. Chính vì thế nên Rogers tuyên bố anh ta sẽ áp dụng mô hình kinh doanh đã được Ray Kroc – người đã đưa chiếc bánh hamburger trở thành đế chế đồ ăn nhanh McDonald’s.
“Ông ấy sử dụng mô hình tương tự như McDonald’s, tức là dù bạn đi đến đâu thì bạn cũng sẽ nhận được những món đồ giống hệt nhau từ Công ty”, cựu Giám đốc đảm bảo chất lượng của Công ty chăm sóc khoa học John Cover cho biết trong một tuyên bố. McDonald’s và Kroc đã trở nên giàu có nhờ bán hamburger. Tương tự, Công ty chăm sóc khoa học và Rogers cũng đã kiếm được hàng triệu USD từ những bộ phận cơ thể người.
Theo các tài liệu kiểm toán và hồ sơ tại tòa án, trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2014, Rogers và đồng sở hữu công ty, chính là vợ ông ta tên Josie đã kiếm được ít nhất 12,5 triệu USD từ những thi thể được hiến tặng. Trước và sau giai đoạn đó, 2 người này chắc chắn cũng đã kiếm được hàng triệu USD từ Công ty chăm sóc khoa học. Đến năm 2016, cặp vợ chồng quyết định bán công ty cho một công ty tư nhân có tổng vốn đầu tư lên đến hàng tỉ USD.
Chi tiết các điều khoản trong vụ mua bán này không được tiết lộ nhưng trong số những “tài sản” được vợ chồng nhà Rogers bán đi bao gồm một thứ rất bất thường: cam kết bằng văn bản từ hơn 100.000 người khẳng định họ sẽ hiến thi thể cho Công ty chăm sóc khoa học khi họ chết đi.
Cùng năm, cặp vợ chồng Josie và Jim Rogers đã mua một chiếc máy bay được chỉnh sửa để phù hợp với việc di chuyển cá nhân và 2 căn hộ sang trọng ở gần Phoenix. Ngoài ra, cặp vợ chồng này cũng có một số bất động sản ở Hawaii và một khu nghỉ dưỡng ở gần Telluride, Colorado.
Xoay xở “nguồn hàng”
Các đối thủ của Công ty chăm sóc khoa học cũng phải thừa nhận sự chuyên nghiệp trong hoạt động của công ty. Công ty này đã cho thấy cách thức một công ty lớn và được điều hành trơn tru có thể khiến những người đứng sau nó trở nên giàu có từ sản phẩm là những thi thể người.
Trong lời khai năm 2010, ông Rogers nói rằng việc thu thập thi thể của những người hiến tặng chính là “động cơ giúp toàn công ty hoạt động hiệu quả”. Từ quan điểm này, thay vì ngồi chờ người ta đến hiến thi thể, công ty đã tích cực tìm kiếm những người bị bệnh lâu năm hay những người sắp chết thông qua việc xây dựng quan hệ với những nhà tang lễ, nhà tế bần hay các bệnh viện. “Trước đó không có ai làm vậy cả”, ông Rogers tuyên bố.
Theo thống kê, trong vòng 10 năm kể từ khi thành lập, Công ty này đã chi hơn 1 triệu USD cho hoạt động quảng bá và xây dựng thương hiệu nhằm thu hút những người hiến thi thể. Chiêu thức thu hút nguồn hiến thi thể của công ty này thường “đánh” vào 2 hướng. Đầu tiên sẽ là lòng vị tha: công ty sẽ ra sức thuyết phục người nhà và người có thể sẽ hiến thi thể rằng thi thể được hiến tặng sẽ là món quà quý giá đóng góp cho khoa học và những người cần đến. Thứ 2 là vấn đề tài chính.
Theo đó, công ty cho rằng việc hiến thi thể sẽ giúp các gia đình tiết kiệm được tiền. Trung bình, chi phí cho việc tổ chức một đám tang, bao gồm cả quan tài, dịch vụ tang lễ và chôn cất mất khoảng 7.000 USD. Việc hỏa táng đơn giản cũng mất từ 400 đến 1.000 USD nữa.
Bà LouJean McLendon cũng đã quyết định hiến thi thể sau khi chết để đỡ tốn tiền của gia đình. |
Trong bối cảnh như vậy, những nhà môi giới như Chăm sóc khoa học sẽ là lựa chọn ít tốn kém nhất. Công ty sẽ đề nghị hỏa táng miễn phí để đổi lấy thi thể. Theo thoả thuận, công ty sẽ trả tiền hỏa táng những phần thi thể của người hiến tặng không dùng đến và tro cốt sẽ được bàn giao lại cho gia đình, thường là trong khoảng vài tuần sau khi người hiến thi thể qua đời.
Ông Kevin Lowbrera – nhân viên của Chăm sóc khoa học từ năm 2003 đến 2008 – cho biết ông đã đi nhiều nơi để lan tỏa ý tưởng hiến thi thể để đỡ chi phí mai táng tại các hội thảo có sự tham gia của những người đã về hưu, các bác sỹ và những người làm dịch vụ tang lễ. Theo sự chỉ đạo của nhà Rogers, ông cũng đã tới gặp các y tá hay những giáo sỹ tại các trung tâm tế bần để quảng bá về “những cái lợi” của việc hiến thi thể.
“Ông Jim và bà Josie cho rằng những nhà tế bần chính là “con bò béo” mang đến tiền tài cho họ. Nhiều người ở đó sắp chết và cần một giải pháp thay thế để giảm bớt gánh nặng chi phí ma chay truyền thống”, Lowbrera cho hay.
Nguồn cung dồi dào những thi thể miễn phí, trong đó có nhiều người đang gặp khó khăn về tài chính, chính là trung tâm của mô hình kinh doanh của Công ty Chăm sóc khoa học.
Trên trang web của mình, công ty này quảng cáo rằng với việc hiến cơ thể cho họ, “việc hỏa táng sẽ được thực hiện miễn phí”. Đó là một trong những lý do khiến những người thuộc tầng lớp lao động gặp khó khăn về kinh tế chọn giải pháp hiến cơ thể. Bà LouJean McLendon, một lái xe bus đã nghỉ hưu ở Anniston, Alabama là một người như vậy. Khi thấy một người bạn hiến thi thể cho Chăm sóc khoa học, bà cũng đã quyết định cũng sẽ hiến xác.
Mang trong mình căn bệnh tiểu đường lại đang là người chịu trách nhiệm chính trong việc chăm sóc các cháu của một người bạn quá cố, bà McLendon kiếm được khoảng 38.000 USD.
Trước đó, bà đã dành ra một khoản tiền để lo trang trải chi phí tổ chức tang lễ và làm mộ khi bà qua đời. Nhưng, sau khi suy nghĩ, bà quyết định từ bỏ kế hoạch này và hiến thi thể để tiết kiệm chi phí làm đám tang cho gia đình. Với bà McLendon, việc hiến thi thể cũng có lý. “Trên thực tế thì tôi chẳng mất gì khi làm vậy”, bà nói.
Bên cạnh việc tập trung vào các nhà dưỡng lão và các trại tế bần, Công ty chăm sóc khoa học cũng đã đàm phán và ký các thỏa thuận “hợp tác giới thiệu” với các nhà tang lễ. Điều này có nghĩa là công ty này sẽ được chọn để giới thiệu trước các công ty môi giới khác nếu nhà tang lễ phát hiện có người muốn hiến thi thể. Đổi lại, các nhà tang lễ sẽ nhận được một khoản phí với mỗi thi thể được hiến tặng.
Theo tài liệu kiểm toán năm 2013, một nhà tang lễ ở bang Florida đã được Công ty chăm sóc khoa học chi trả phí môi giới từ 180 đến 525 USD mỗi thi thể. Hồ sơ bí mật cho thấy có những nhà tang lễ nhận được đến 1.430 USD.
Mô hình kinh doanh của ngành công nghiệp này xoay quanh các con đường tiếp cận với nguồn cung thi thể miễn phí lớn. Xót xa thay, nó thường đến từ người nghèo. Những kẻ môi giới thường “thu gom” thi thể bằng giao ước sẽ chịu chi phí hỏa táng cho thân nhân của những người đã khuất. Theo một số “cựu binh” trong nền công nghiệp chăm sóc chặng an nghỉ cuối cùng của con người, chiêu hỏa táng miễn phí của những kẻ môi giới thi thể đã nhắm trúng vào những gia đình thu nhập thấp. Nhiều gia đình đã dồn tất cả tiền bạc để chữa chạy cho người thân trong thời gian bệnh tật và không thể kham nổi chi phí tang lễ sau đó. “Có tiền thì người ta còn có thể bàn tới các lựa chọn cách tiễn đưa như thế nào với người đã khuất… Nhưng nếu không có tiền, họ có thể phải gật đầu với lựa chọn cuối cùng: “hiến xác” – ông Dawn Vander Kolk, nhân viên xã hội thuộc trại cứu tế ở Illinois, nói. Luật lệ lỏng lẻo đồng nghĩa với hậu quả cũng mơ hồ khi các thi thể bị lạm dụng hay ngược đãi. Trong vụ việc của Công ty Nam Nevada, giới chức trách nói rằng họ không thể làm gì hơn ngoài đưa ra một trát đòi hầu tòa về cáo buộc gây ô nhiễm nhỏ đối với nhân viên liên quan nói trên. Người điều hành của công ty, ông Joe Collazo nói “lấy làm tiếc về sự tình”. Ông này cũng cho rằng một sự giám sát sẽ rất có lợi cho ngành công nghiệp này, nó sẽ giúp người hiến tặng, người môi giới và các nhà nghiên cứu an tâm hơn. “Thú thực, tôi nghĩ là cần có các quy định. Có quá nhiều vùng xám” – ông Collazo nói. |
Nguồn: vietnamnet