Bộ máy Bộ Công an được sắp xếp, thay đổi lần này mang lại bước chuyển lớn, ấn tượng thật sự cho hệ thống hành chính nước ta.
Từ trước đến nay, mỗi lần sắp xếp bộ máy Bộ Công an lại gần như là một lần ngoại lệ so với các bộ dân sự còn lại. Trong khi các bộ dân sự chịu tác động điều chỉnh của nhiều quy định chung, thống nhất thì Bộ Công an dù sao vẫn được hưởng nhiều quy định riêng, có tính đặc thù. Nhìn chung đã thành quy luật, mỗi lần sắp xếp là bộ máy của Bộ lại to ra, người nhiều hơn.
Cho nên việc thay đổi bộ máy Bộ Công an lần này theo Nghị định mới đây của Chính phủ đánh đấu một bước chuyển lớn trong tổ chức lại bộ máy của Bộ. Bước chuyển này mang lại một loạt các ấn tượng thật sự cho hệ thống hành chính nước ta.
Ấn tượng thứ nhất: Quyết tâm làm và làm thật sự.
Cơ sở quan trọng nhất của quyết tâm làm và làm thật sự này trước hết là Nghị quyết TƯ 6 khóa 12 “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Kế đến phải kể đến sự chuẩn bị chu đáo của Bộ, từ xây dựng đề án cho đến công tác giáo dục, tư tưởng để triển khai khi có nghị định của Chính phủ.
Ấn tượng thứ hai: Giảm khá nhiều tổ chức.
Sơ bộ là giảm 6 Tổng cục, giảm gần 60 đơn vị cấp cục và gần 300 đơn vị cấp phòng.Tổ chức bộ máy công an ở địa phương sau khi sắp xếp sẽ giảm 500 đơn vị cấp phòng và 1.000 đơn vị cấp đội. Như vậy có thể thấy quy mô giảm bộ máy là rất lớn, hầu như chưa có tiền lệ trong Bộ Công an nói riêng cũng như cả hệ thống hành chính nói chung.
Trụ sở Bộ Công an |
Ấn tượng thứ ba: Giảm bớt người trong bộ máy.
Tất nhiên chưa thể có ngay số liệu giảm bao nhiêu người vì đây là cả một quá trình sắp xếp bộ máy, nhân sự lâu dài, nhưng xu hướng giảm người là rõ, kể cả lãnh đạo ở các vị trí có liên quan. Bỏ 6 Tổng cục tức là không còn 6 Tổng cục trưởng và mấy chục Phó tổng cục trưởng. Tương tự là ở các tổ chức bị loại bỏ khác.
Giảm người là không đơn giản và lại càng không đơn giản khi giảm các chức vụ lãnh đạo, quản lý. Bộ Công an làm được điều này quả là một kinh nghiệm tốt cho cả hệ thống hành chính.
Ấn tượng thứ tư: Hướng tới bảo đảm sự thông suốt trong lãnh đạo hoạt động của Bộ từ Bộ trưởng.
Bỏ Tổng cục trong cơ cấu tổ chức của Bộ liệu có mang lại hiệu quả tốt trong hoạt động của Bộ? Vấn đề này với thời gian sẽ có câu trả lời thỏa đáng. Cái có thể thấy ngay chính là rõ ý đồ chiến lược với cơ cấu mới, đó là không có cấp trung gian giữa sự lãnh đạo Bộ với các cấp quản lý, thực thi. Thực tiễn mấy năm gần đây trong hoạt động của Bộ đã cho thấy phần nào những cắt khúc trong sự lãnh đạo từ Bộ khi có các tổ chức là các tổng cục.
Ấn tượng thứ năm: Buộc phải suy nghĩ lại mô hình tổ chức bộ nói chung.
Sự thay đổi tổ chức Bộ Công an lần này không chỉ mang lại những tác động trong nội bộ Bộ mà còn đến cả hệ thống hành chính.
Chẳng hạn việc bỏ Tổng cục trong Bộ chắc chắn sẽ tác động đến mô hình tổ chức các bộ khác. Rất nhiều bộ hiện tại có cơ cấu tổng cục và tương đương trực thuộc như Bộ Tài chính, NN&PTNT, TN&MT, Nội vụ… Bên cạnh đấy là các vụ, cục trực thuộc bộ.
Nên có tổng cục hay không cần, chức năng của vụ, cục và tổng cục đã rõ chưa, hay có nhiều điểm giống nhau, mà đã giống nhau sao tổ chức lại khác nhau. Các quy định hiện hành về những vấn đề này vẫn chưa đủ rõ để áp dụng. Cùng là lĩnh vực pháp chế sao có bộ là Vụ Pháp chế, lại có bộ là Cục Pháp chế, hoặc lĩnh vực hợp tác quốc tế có bộ là Vụ có bộ lại là Cục Hợp tác quốc tế… Cục và tổng cục chỉ có chức năng tổ chức thực thi hay có cả chức năng quản lý nhà nước như quy định hiện hành?
Hy vọng cơ cấu tổ chức mới của Bộ Công an qua hoạt động sẽ góp phần vào trả lời những vấn đề này trong tương lai.
Nguồn: vietnamnet