Ngày thi đấu chính thức thứ 5 tại Indonesia đã dần trôi qua nhưng Thể thao Việt Nam (TTVN) vẫn chưa có huy chương vàng (HCV) ASIAD. Nhưng ở trong nước, với quyết định bất chấp rủi ro, đặt mục đích phục vụ nhân dân lên hàng đầu, thể hiện đúng trách nhiệm của một đài quốc gia với xã hội, VOV đã giành “Vàng mười” trong lòng người hâm mộ.
Bao năm rồi, người dân Việt Nam đã quen được dõi theo bước chân của các vận động viên (VĐV) nước nhà tại các kỳ SEA Games, ASIAD, Olympic. Thói quen hằn sâu đến mức có cảm giác như mỗi khi Đại hội thể thao tới, việc được xem trực tiếp các các đội tuyển quốc gia thi đấu là điều… đương nhiên.
Trước thông tin VTV “bế tắc” khi không thể tìm tiếng nói chung Công ty KJSM World Corp (Hàn Quốc – đơn vị sở hữu bản quyền ASIAD tại Việt Nam), nhiều người vẫn tin cuối cùng đâu lại vào đó, như những gì đã diễn ra đối với câu chuyện bản quyền World Cup cách đây hơn 2 tháng.
Nhưng thực tế, cho đến phút cuối, VTV đã “bó tay” trong sự ngỡ ngàng của tất cả.
Hình ảnh cua-rơ Nguyễn Thị Thật về đích thứ 5 nội dung đua đường trường ASIAD 18 vào chiều nay đã được truyền trực tiếp trên VTC3, VOV. Ảnh: Thanh Niên
Và đúng vào thời điểm tưởng như tất cả sẽ phải làm quen với “một đường link” đến hết ASIAD 2018 thì VOV đã xuất hiện và chính thức có bản quyền truyền hình, phát thanh từ ngày hôm qua (22.8).
Để mang tới niềm vui cho người hâm mộ thể thao nước nhà, ít ai biết VOV mới bắt tay vào đàm phán từ… đêm 20.8. Và để có thể ký kết với đối tác trong ngày 21.8, như ông Nguyễn Thế Kỷ – Tổng Giám đốc VOV chia sẻ với Dân Việt, ông đã gần như thức trắng đêm để liên lạc, trao đổi với ông Nguyễn Kim Trung – Tổng Giám đốc VTC (đơn vị trực thuộc VOV, trực tiếp thay mặt VOV đàm phán về bản quyền truyền hình ASIAD 18) sao cho có được bản quyền để phục vụ nhu cầu thông tin, giải trí lành mạnh và tha thiết của nhân dân.
Tin vui nối tiếp khi VTV cũng đã có văn bản đề nghị VOV cho tiếp sóng nguyên trạng ASIAD 18. Nói cách khác, thới gian tới, khán giả sẽ được xem miễn phí với độ phủ sóng lớn nhất trên hệ thống kênh của VOV, VTC và các kênh quảng bá của VTV.
Vậy là cuối cùng thì những giá trị cũ mang theo niềm tin của người dân một lần nữa đã các nhà đài cảm nhận và tôn trọng!
Kể từ vòng 1/8 môn bóng đá nam ASIAD, các trận đấu của Olympic Việt Nam sẽ được VOV, VTC truyền hình trực tiếp. Ảnh: I.T
Tâm sự với tôi khi biết tin VOV có bản quyền ASIAD, Quả bóng vàng Việt Nam 2017 Đinh Thanh Trung bộc bạch: “Bản thân là cầu thủ nên tôi rất hiểu khi mình đi thi đấu quốc tế, nếu hình ảnh được truyền hình trực tiếp về nhà cho người thân xem thì sẽ được tiếp thêm động lực”.
Nỗi niềm của Trung cũng là nỗi niềm của những Xuân Trường, Quang Hải, Công Phượng, Ánh Viên, Bùi Thị Thu Thảo, Lê Tú Chinh… những người gần như đã hy sinh cả tuổi trẻ của mình vì đam mê, vì lý tưởng phụng sự thể thao và giờ đang quyết tâm mang vinh quang về cho Tổ quốc tại ASIAD 18.
Họ, những người khi chập chững theo nghiệp thể thao đôi khi chỉ do sự “áp đặt” của cha mẹ với mong muốn con mình đỡ còi cọc hơn, khỏe hơn, để đỡ tốn tiền… thuốc.
Họ và gia đình họ khi mới bắt đầu chưa bao giờ nghĩ tới những tấm huy chương.
Cho đến khi trở thành những tuyển thủ quốc gia, trước khi lên đường thi đấu, họ cũng chẳng bao giờ bận tâm tới những khoản tiền thưởng. Trong suy nghĩ chỉ có màu cờ sắc áo, là danh dự, ý nghĩa thiêng liêng khi được đại diện cho quốc gia tranh tài trên đấu trường quốc tế!
Nói như ông Nguyễn Hồng Minh – nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao Tổng cục TDTT: “Họ là những người có lý tưởng phụng sự thể thao, dám hy sinh và rất đáng trân trọng”.
Để rồi chúng ta đã có Trần Hiếu Ngân với mốc son giành HCB taekwondo Olympic 2000, Hoàng Anh Tuấn giành HCB Olympic 2008 và Hoàng Xuân Vinh đi vào lịch tử với HCV Olympic 2016. Gần nhất, đầu năm nay, U23 Việt Nam đã lập kỳ tích giành HCB châu Á, “nhuộm đỏ” tuyết trắng ở Thường Châu (Trung Quốc).
Trong cái lạnh cắt da cắt thịt ấy, ý chí, bầu nhiệt huyết của thầy trò HLV Park Hang-seo đã làm rung động lòng người. Các VĐV của chúng ta là như thế, vậy thì việc VOV quết định mua bản quyền ASIAD với giá được cho vào khoảng 1,5 triệu USD (khoảng 30 tỷ đồng) có gì là đắt và rủi ro?
Đơn giản, ngay từ khi bắt đầu, VOV đã đặt mục tiêu phục vụ khán giả lên vị trí đặc biệt.
30 tỷ đồng để thể hiện trách nhiệm của một đài quốc gia với xã hội.
30 tỷ đồng để kết nối người dân cả nước với đoàn Thể thao Việt Nam.
30 tỷ đồng để “tiếp lửa” cho các VĐV có thêm niềm tin đi tới cùng với đam mê, mang về những tấm huy chương cho Tổ quốc.
Tôi nghĩ, ngay từ bây giờ, VOV đã giành được tấm “Vàng mười” trong lòng người dân Việt Nam gắn với những giá trị không thể đong đếm được bằng tiền!
Theo Dân việt