Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, câu hỏi bà gửi đến Bộ trưởng Bộ Công an về đẩy nhanh điều tra những vụ gian lận điểm thi là sự gửi gắm của nhiều cử tri.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (ảnh VNN).
Đánh giá về trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (chiều 13.8), đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng, nhìn chung Bộ trưởng trả lời tương đối đầy đủ các vấn đề được đại biểu Quốc hội nêu ra, các ý trả lời rõ ràng. Có thể nói điều này làm các đại biểu hài lòng. “Tuy nhiên một số vấn đề cần Bộ trưởng Bộ Công an nói chi tiết hơn ví dụ như vấn đề về chế độ cho người cai nghiện, đây là vấn đề đang nóng. Việc gian lận làm hồ sơ tâm thần, mặc dù có liên quan đến ngành Y tế, nhưng những đối tượng làm giả này cũng nhằm mục đích chạy tội khi họ gây án, như vậy vai trò của Bộ Công an trong việc phối hợp xử lý thế nào”, đại biểu Hải nói.
Về câu trả lời chất vấn được đại biểu Nguyễn Thanh Hải nêu ra với người đứng đầu ngành Công an, bà cho biết đây không phải là ý kiến của cá nhân mà là ý kiến của nhiều cử tri gửi gắm. Người dân mong muốn việc điều tra nhanh và sớm có kết quả vụ gian lận điểm thi (3 vụ án đã khởi tố ở Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình). “Tôi cũng đã có trao đổi với Bộ trưởng Bộ GĐ- ĐT bên hành lang phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để nêu ý kiến này của cử tri. Kết quả điều tra này không chỉ ảnh hưởng đến những thí sinh có điểm bị gian lận mà quan trọng hơn là ảnh hưởng đến những thí sinh khác. Đó là những người có điểm thi trung thực, nếu không có sự gian lận có thể điểm của họ đủ đỗ vào đại học.”, đại biểu Hải nói.
Khi trả lời, Bộ trưởng Bộ Công an nói quy trình điều tra thời hạn ban đầu là 4 tháng, nếu chưa xong có thể gia hạn thêm thời gian để điều tra.
“Việc Bộ trưởng nêu là quy định của pháp luật. Việc gian lận điểm thi có tính đặc thù, cử tri mong muốn Cơ quan Công an đẩy nhanh tiến độ điều tra không phải chỉ để tìm ra tội phạm, xử lý tội phạm mà còn giúp cho những thí sinh khác có điểm thi trung thực được đảm bảo quyền lợi. Nếu phiên chất vấn còn thời gian tôi sẽ tranh luận thêm với Bộ trưởng Bộ Công an. Điều tra xét hỏi vẫn theo đúng các quy định của pháp luật nhưng cũng cần đẩy nhanh tiến độ vì còn liên quan đến các vấn đề khác”, Trưởng ban Dân nguyện cho biết.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (ảnh VNE).
Là người cũng đặt câu hỏi chất vấn liên quan tới xử lý sai phạm trong kỳ thi vừa qua tới Bộ trưởng Bộ Công an, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nhận xét: Bộ trưởng Tô Lâm đã trả lời vào câu hỏi ông nêu ra, nhưng chưa đi vào trọng tâm. Cần phải làm rõ vấn đề Bộ Công an, Công an các địa phương tham gia vào nhiều khâu không chỉ đảm bảo an ninh trật tự cho kỳ thi mà còn ở các khâu khác như bảo vệ đề thi, theo dõi trong quá trình chấm thi, bảo đảm những công tác bí mật…Qua những chuyện tiêu cực xảy ra ở một số địa phương thấy sự tham gia của lực lượng Công an đã không giúp ngăn chặn vi phạm pháp luật trong kỳ thi.
“Bộ trưởng nói đồng tính với quan điểm của tôi nêu ra. Bộ trưởng nói thêm có dấu hiệu vi phạm của lực lượng Công an, phát hiện sẽ xử lý nghiêm. Vấn đề chính tôi muốn Bộ trưởng khẳng định trách nhiệm của lực lượng Công an trong kỳ thi thế nào. Khi lực lượng Công an tham gia vào những khâu để phục vụ cho kỳ thi thì phải chịu trách nhiệm và chịu đến đâu. Ở Bộ Công an có những đơn vị nào được giao nhiệm vụ phối hợp với Bộ GD-ĐT, họ chịu trách nhiệm đến đâu, còn lực lượng Công an địa phương chịu trách nhiệm đến đâu? Trên cơ sở đó sẽ xử lý khi sai phạm xảy ra” đại biểu Cương nói.
Theo Dân việt