Ngày 12/8, tin từ UBND tỉnh Bình Phước cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trăm vừa ký văn bản số 2252 về chỉ đạo thanh tra đột xuất việc thực hiện hỗ trợ người trồng điều bị sâu bệnh hại, niên vụ 2016-2017.
Theo đó, UBND tỉnh giao cho thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra đột xuất việc thực hiện hỗ trợ người trồng điều bị sâu bệnh hại niên vụ 2016-2017 trên địa bàn huyện Bù Đăng; đồng thời, đề xuất, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật đối với tổ chức, cá nhân sai phạm (nếu có).
Liên quan đến vụ “dân mất mùa điều”, mới đây UBND huyện Bù Đăng cũng ban hành quyết định thanh tra tất cả 16 xã và thị trấn trên địa bàn huyện trong việc tổ chức, triển khai hỗ trợ tiền cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình chính sách và hộ đồng bào dân tộc thiểu số để mua thuốc bảo vệ thực vật phun xịt cho các vườn điều bị sâu bệnh hại niên vụ 2016-2017.
Trước đó, TTXVN đã đưa tin tỉnh Bình Phước ban hành quyết định hỗ trợ nông dân trồng điều bị thiệt hại do sâu bệnh bằng thuốc bảo vệ thực vật, chăm sóc bảo vệ bông và trái non theo quy trình cho niên vụ 2017-2018 với mức hỗ trợ bình quân 2 triệu đồng/ha.
Quyết định triển khai hỗ trợ bằng nguồn ngân sách trên 44,7 tỷ đồng và được phân bổ cho 10 huyện, thị. Chương trình hỗ trợ thực hiện từ đầu mùa vụ 2018 (từ ngày 30/1/2018) để “giải cứu” các vườn điều bị sâu bệnh tấn công gây thiệt hại nặng.
Riêng huyện Bù Đăng được nhận hỗ trợ cao nhất tỉnh với số hộ nông dân trồng điều bị sâu bệnh tấn công được hỗ trợ thuốc với kinh phí lên đến trên 17,7 tỷ đồng. Kết quả hỗ trợ đến nay đã được thống kê gồm: 361 hộ nghèo với diện tích trên 675 ha; 5.407 hộ đồng bào dân tộc với diện tích 15.164 ha và 193 hộ chính sách với diện tích 453 ha.
Tuy nhiên, kết quả thu hoạch mùa vụ điều năm 2018 của bà con nông dân ở huyện Bù Đăng đã trái ngược với kỳ vọng. Nhiều hộ nông dân nằm trong chương trình nhận hỗ trợ phản ánh gần như mất trắng vụ điều 2018.
Cụ thể, hàng chục hộ dân ở thôn 9, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng gửi đơn kêu cứu tới Bí thư Tỉnh uỷ Bình Phước Nguyễn Văn Lợi cùng Chủ tịch UBND tỉnh và các sở, ngành đã phản ánh mất mùa điều sau khi áp dụng theo chương trình hỗ trợ trên.
Trong đơn kêu cứu của bà con nhà nông cho rằng, đối với diện tích được hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật dùng để phun lên các vườn điều đều giảm năng suất và mất mùa trầm trọng. Trong khi so với các vườn điều không phun thuốc hỗ trợ đều có năng suất thu hoạch khá cao.
Theo nhiều hộ nông dân phản ánh, sau khi phun thuốc từ 5 – 7 ngày thì điều bị khô cháy bông, trái non chuyển sang màu đen, năng suất giảm mạnh. Với 1ha điều chỉ cho sản lượng khoảng 200kg. Còn các hộ hàng xóm không nhận hỗ trợ thì thu hoạch vụ mùa 2018 đạt bình quân năng suất 1 tấn/1ha.
Điều đáng lo hơn, hiện nay những vườn điều bị phun thuốc hỗ trợ không phát triển đọt non, nhú chồi được, cành lá bị khô, có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến vụ sau 2019.
Cao điểm, những hộ bị thiệt hại như nhà nông Hoàng Văn Thanh có 1,6 ha điều cho thu vụ mùa 2018 chỉ đạt 300kg; hộ dân Lô Văn Sang có 1,8 ha thu hoạch được 300kg; hộ ông Bế Văn Tính 1,8 ha thu được 450kg…