Với lý do giá xăng dầu trên thế giới liên tục dao động theo chiều hướng tăng nên cả ba hãng hàng không lớn trong nước như Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacific Airlines đều đã có văn bản đề xuất tăng giá vé. Trong đó, Jetstar Pacific đề nghị tăng mức tối đa lên 25% so với quy định hiện tại.

Theo quy định của Cục Hàng không Việt Nam, hiện khung giá vé máy bay hiện hành đang được áp dụng là vé máy bay nhóm đường bay phát triển kinh tế-xã hội dưới 500km sẽ là 1,6 triệu đồng/lượt, nhóm đường bay khác dưới 500km là 1,7 triệu đồng/lượt; từ 500km – 800km là 2,2 triệu đồng/lượt; từ 850km – dưới 1.000km có giá 2,79 triệu đồng; từ 1.000 – dưới 1.280km giá 3,2 triệu đồng; từ 1.280km trở lên giá 3,75 triệu đồng/vé/chiều. Mức tối đa khung giá vé này được áp dụng theo Quyết định 3282 của Bộ Tài chính với giá áp dụng là 4.250 đồng/khách/km.

Đáng lưu ý, mức giá này được tính theo phương án giá nhiên liệu Jet A1 thời điểm tháng 12-2014 là 84,7 USD/thùng, thuế nhập khẩu 7%, thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng/lít (tương đương khoảng gần 2,1 triệu đồng/thùng). Trong khi đó, hiện tại, giá nhiên liệu đang ở mức 88,7 USD/thùng, thuế nhập khẩu 7%, thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng/lít (tương đương khoảng 2,65 triệu đồng/thùng).

Ba hãng hàng không đồng loạt xin tăng giá vé
Hàng không tăng giá, hành khách sẽ bị ảnh hưởng.

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2018 mới đây của Vietnam Airlines, ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính Kế toán của doanh nghiệp này cho biết, chi phí xăng dầu bình quân chiếm khoảng 30% tổng chi phí hoạt động, những lúc cao nhất lên đến 38%.Đại diện một hãng hàng không cho biết, mức giá nhiên liệu hiện tại làm tăng khoảng 16,7% chi phí vé máy bay so với thời điểm tháng 9-2015. Đó là chưa tính đến việc tỷ giá biến động tăng cũng khiến các chi phí có gốc ngoại tệ của hãng hàng không như thuê phi công nước ngoài, thuê mua máy bay tăng theo. Do đó, theo vị này, việc điều chỉnh tăng là cần thiết.

Cũng theo ông Hiền, với quy mô của Vietnam Airlines, cứ mỗi USD giá dầu tăng thêm, chi phí của doanh nghiệp này tăng theo khoảng 230 tỷ đồng/năm. Liên quan đến đề xuất điều chỉnh tăng giá vé của hãng hàng không, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, đúng là mức giá xăng dầu thời gian qua đang có xu hướng tăng trở lại.

Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), giá nhiên liệu Jet A1 bình quân năm 2018 có thể đạt tới 85,4 USD/thùng, cao hơn giá nhiên liệu ở thời điểm Bộ Tài chính ban hành Quyết định 3282. Trong khi đó, mức giá kê khai tối đa của hãng hàng không chiếm tỷ lệ 76 – 79% so với mức giá trần quy định, tuỳ theo nhóm đường bay.

Do đó, việc xem xét điều chỉnh mức trần khung dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa, đặc biệt là với tuyến đường dài cho phù hợp với sự biến động của giá nhiên liệu và các chi phí đầu vào có gốc ngoại tệ theo kiến nghị của các hãng hàng không là cần thiết.

Mặc dù vậy, vị này cũng cho hay, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT về bình ổn giá, đảm bảo giữ vững mục tiêu duy trì chỉ số lạm phát năm 2018, với quan điểm tăng cường tiết kiệm chi phí cung ứng dịch vụ, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất duy trì khung giá quy định như hiện nay.

Đến năm 2019, tùy tình hình thực tế sẽ đánh giá và đề xuất khung giá cho phù hợp.  Trước một số ý kiến cho rằng xăng tăng giá thì giá vé nhiều khả năng tăng theo, trong khi lúc xăng dầu giảm, giá vé lại vẫn đứng yên, đại diện Cục Hàng không Việt Nam  khẳng định: Hoàn toàn không có chuyện đó. Thực tế, khung giá vé quy định tại Văn bản 5010 chính là đã điều chỉnh giảm do giá xăng dầu trong nước thời điểm đó liên tục giảm mạnh.

Để phù hợp, Cục Hàng không Việt Nam đã thực hiện điều chỉnh giảm mức trần khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa hạng vé phổ thông theo 5 nhóm cự ly vận chuyển, trung bình giảm khoảng 4%.

Cục Hàng không Việt Nam vừa công bố số liệu chậm, hủy chuyến của bốn hãng hàng không gồm: Vietnam Airlines, VietJet Air, Jetstar Pacific và Vasco.

Theo đó, trong bảy tháng đầu năm 2018, tổng số chuyến bay khai thác của bốn hãng hàng không là 177.510 chuyến bay. Trong đó có 26.578 chuyến chậm giờ và hủy. Tỉ lệ chuyến bay chậm giờ chiếm 14,7% và chuyến bay hủy chiếm 0,3%. Đáng chú ý, theo thống kê, hãng hàng không VietJet Air chậm giờ bay với số lượng lớn là 12.417/71.002 chuyến bay thực hiện, chiếm 17,5% tổng số chuyến bay của hãng.

Xếp thứ hai là hãng hàng không Vietnam Airlines, khai thác 76.636 chuyến nhưng số chuyến chậm lên tới 8.976 chuyến, chiếm 11,7% số chuyến bay của hãng, tiếp đến là Jetstar Pacific, khai thác 21.718 chuyến nhưng số chậm chuyến lên tới 4.401, chiếm 20,3% của hãng.

Theo đánh giá của Cục Hàng không Việt Nam, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các chuyến bay không đúng giờ, hủy chuyến là do máy bay về muộn, một phần do yếu tố kỹ thuật. Bên cạnh đó có một số nguyên nhân khác như: dịch vụ chăm sóc khách hàng tại cảng, quản lý và điều hành bay, thời tiết…

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : hàng khôngtăng giáVietnam Airlinesxăng dầu

Các tin liên quan đến bài viết