Sợ con bị bắt cóc, người mẹ giàu có thuê vệ sĩ kèm cặp, bảo vệ con. Không ngờ, từ đây bà phát hiện sự thật đầy cay đắng về con gái của mình.
Sinh năm 1991 (Hà Nội) nhưng chị Dương Thị Xuyến đã có gần 10 năm gắn bó với công việc vệ sĩ.
Trong nhiều vụ việc từng tham gia, không ít lần Xuyến được chứng kiến các câu chuyện nhói lòng về những đứa trẻ con nhà giàu.
Nữ vệ sĩ Dương Thị Xuyến. |
Bố mẹ mải mê kiếm tiền, ít có thời gian quan tâm khiến nhiều đứa trẻ cảm thấy cô đơn trong chính căn nhà của mình.
Ở tuổi mới lớn, khi gặp khó khăn về ứng xử, va chạm, thay vì tâm sự cùng bố mẹ, một số đứa trẻ lại tìm đến những người xa lạ, để rồi vấp ngã.
Trường hợp con gái của một chủ lò mổ ở Hà Nam do chị Dương Thị Xuyến bảo vệ cách đây 3 năm là một ví dụ. Theo lời chị Xuyến, người chủ lò mổ tên Thơm (SN 1970), khá giàu có. Mọi vấn đề lớn nhỏ trong gia đình đều một tay bà quán xuyến, lo liệu.
Hôm nào bà cũng tất bật ở lò mổ đốc thúc nhân công làm việc, tối muộn mới về nhà. Bởi vậy, mang tiếng là người có tiền nhưng bà Thơm lại có dáng vẻ lam lũ, già trước tuổi. Ngược lại chồng bà ngày càng trẻ trung, phong độ.
Biết chồng ngoại tình, bà Thơm phát hiện nhưng chưa bao giờ có ý định ly hôn. Nguyên nhân là vì bà không muốn đứa con gái duy nhất phải chứng kiến cảnh gia đình tan vỡ.
Vợ chồng bà trước đây kinh tế khó khăn, lại vất vả về đường con cái. Theo đó, bà kết hôn 6 năm mới sinh được người con gái này. Từ ngày con ra đời, công việc buôn bán của bà phất lên như diều gặp gió. Từ sạp thịt nhỏ bà mở được một lò mổ quy mô tầm trung.
Khách hàng tìm đến đặt hàng tăng lên, bà mạnh dạn vay vốn ngân hàng mở lò mổ và thuê đất làm thêm khu chuồng trại nuôi lợn sạch. Bà thành công ngoài sức tưởng tượng, trong vòng 5 năm người phụ nữ này trả hết nợ ngân hàng, mua đất đầu tư, còn xây thêm lò mổ rộng lớn, hiện đại. Tiền bạc càng nhiều, thời gian bà dành cho con càng ít. 16 tuổi, con gái bà phổng phao, xinh xắn trông thấy.
Ai cũng nhắc bà dành thời gian quan tâm nhiều đến con nhưng bà luôn tin con mình là đứa trẻ ngoan ngoãn, hiền lành.
Từ nhỏ, bố mẹ bận rộn, cô bé đã sớm tự lập, sống rất nề nếp, thành tích học tập ở trường luôn tốt. Cuối năm đi họp phụ huynh, bao giờ bà cũng phổng mũi vì những cơn mưa lời khen mọi người dành cho con gái.
Tuy nhiên một thời gian sau, bà có va chạm làm ăn với vài người. Họ thuê người ném chất thải vào nhà bà cảnh cáo, còn đe dọa sẽ gây chuyện với con gái bà.
Sợ con gái gặp nguy hiểm, bà chủ giàu có thuê vệ sĩ, bảo vệ con suốt 24/24 giờ. Không ngờ, từ đây bà phát hiện sự thật đầy cay đắng về cô con gái “rượu” của mình.
Mặc dù bản thân đang gặp nguy hiểm, con gái bà luôn bất hợp tác, không muốn vệ sĩ xuất hiện bên cạnh. Một lần, chị Xuyến đưa con gái bà Thơm đến một trung tâm mua sắm sầm uất. Nhân lúc đi vệ sinh, cô bé lẻn ra cửa sau, lên một chiếc ô tô đen chờ sẵn, di chuyển khỏi thành phố.
Phát hiện cô chủ bất trốn, chị Xuyến tìm mọi cách bám theo, đồng thời báo cho bà Thơm biết tình hình. Theo địa chỉ vệ sĩ cung cấp, bà tìm đến một khu nghỉ dưỡng ở Hà Nội. Tại đây, bà chết sững phát hiện con gái mình và người bạn làm ăn lâu năm của gia đình đang “hẹn hò”. Ông ta đã có vợ con đề huề.
Bà Thơm lớn tiếng chỉ trích người bạn đó bằng lời lẽ thậm tệ, lợi dụng con gái mình. Thấy mẹ mắng người yêu, cô bé vùng vằng, trách móc mẹ mải mê kiếm tiền, vô tâm với con cái.
Theo lời cô bé, được bố mẹ bù đắp cho cuộc sống thừa vật chất nhưng cô vẫn luôn thấy thiếu thốn tình cảm và sự chăm sóc, vỗ về.
Những lúc cô đơn, lạc lõng hay gặp trục trặc chỉ có người đàn ông này bên cạnh an ủi cô. Dân dần cô đã ngã vào vòng tay của người đàn ông lớn tuổi đó. Nghe con gái nói, bà Thơm cảm giác nghẹn ứ trong lòng.
Bà đau đớn gọi chồng về, trò chuyện khá lâu. Chẳng biết họ bàn bạc những gì nhưng sau hôm đó, bà Thơm quyết định giao hết công việc cho chồng quản lý, còn mình dành thời gian ở bên con.
Liên quan vấn đề này, nam vệ sĩ Huy Cường (SN 1988) chia sẻ, nhận nhiệm vụ bảo vệ cho những người trẻ tưởng dễ dàng hơn nhưng thực tế phải có nhiều kỹ năng riêng biệt, nếu không sẽ khó hoàn thành được công việc.
Không thể phủ nhận, nhiều gia đình khá giả khá quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ con em mình tuy nhiên một số gia đình dường như “quên” sự phát triển tâm sinh lý của con.
Một số “cậu ấm, cô chiêu” có tính cách ngỗ nghịch là do chúng phải sống quá lâu trong sự cô đơn. Đứa trẻ luôn phản kháng, gây chuyện đôi khi xuất phát từ nguyên nhân đơn giản là chúng muốn bố mẹ quan tâm hơn đến mình.
“4 tháng trước, tôi làm vệ sĩ kiêm tài xế cho cậu bé 12 tuổi. Bố mẹ cậu buôn bán giàu có. Nếu ai tiếp xúc lần đầu với cậu bé đó, chắc chắn sẽ có cảm giác khó chịu. Từ cách nói chuyện cho đến hành vi, cậu ta đều tỏ ra hỗn hào.
Cậu bé sẵn sàng ném đồ vật, xúc phạm người giúp việc mặc dù họ đều lớn tuổi. Ở trường cậu bé đánh bạn, gây sự với thầy cô giáo. Bố mẹ bị mời lên gặp ban giám hiệu, con trai luôn tỏ ra bất cần. Ông bà chủ rất đau đầu không biết phải làm gì với con”, anh Cường nhớ lại.
Được giới thiệu, hai người họ đến thuê anh Cường làm vệ sĩ. Hàng ngày anh đưa đón cậu bé đi học, giám sát nhất cử nhất động của cậu chủ.
Quá trình đó, thấy “chú” lái xe hay nói chuyện vui vẻ, đưa mình đi chơi, cậu bé từ chỗ phản kháng đã coi anh Cường là bạn.
“Nhiều lần, cậu bé tâm sự, thấy bạn bè có bố mẹ đưa đón, tham gia các lễ hội ở trường, nên thấy tủi thân. Lần nào đi họp phụ huynh, cháu muốn có mặt bố mẹ, để họ tự hào về thành tích học tập của mình nhưng toàn người giúp việc đi.
Lâu dần, cậu bé chán, chẳng thiết học hành, luôn gây chuyện, đánh nhau với bạn vì khi đó, bố mẹ mới chú ý đến mình” – nam vệ sĩ thở dài nói tiếp.
Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn An Chất nhận định: “Các gia đình khá giả cho con em mình cuộc sống đủ đầy là điều tốt tuy nhiên đó không phải tất cả.
Ngoài nhu cầu ăn, chơi, học hành các em cũng cần bố mẹ bên cạnh, vun đắp cảm xúc, cùng chơi, cùng cảm nhận cuộc sống và lắng nghe con. Như vậy, trẻ mới có thể phát triển đầy đủ về nhân cách, trí tuệ”.
Nguồn: vietnamnet