Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội mới đây đã “điểm mặt chỉ tên” các cổ phiếu có khả năng mang lại nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. Vấn đề đáng lưu y là danh sách số này ngày càng dài thêm.

Sau nhiều lần cảnh báo kể từ đầu năm đến nay, mới đây, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã công bố danh sách cổ phiếu cảnh báo nhà đầu tư trong ngày 27/7, Trong đó, có 90 mã bị hạn chế giao dịch và 9 mã bị đình chỉ giao dịch.

Trong danh sách cảnh báo lần trước, số lượng mã bị hạn chế giao dịch tăng thêm 8 cổ phiếu. Còn ở thời điểm cuối năm 2016 có 4 mã bị đình chỉ giao dịch thì đến giữa năm nay, con số này tăng lên 9. Một số cái tên có thể kể đến như Công ty Cổ phần Mỏ và Xuất nhập khẩu Khoáng sản Miền Trung (MTM); Công ty Cổ phần Đầu tư Khoáng sản Tây Bắc (KTB); Công ty Cổ phần Luyện kim Phú Thịnh (PTK); Công ty Cổ phần Vận tải Biển và Bất động sản Việt Hải (VSP). Trong số này có những công ty mà Sở đã đưa ra cảnh báo từ lâu, đến nay thực sự bị ngừng giao dịch, như Công ty Cổ phần Nhựa Tân Hóa (VKP).

Nguy cơ đốt tiền 'dân chơi': Danh sách điểm mặt chỉ tên từ 'ông chủ sàn'
Thị giá hàng loạt cổ phiếu bị cảnh báo chưa bằng ly trà đá

Trong danh sách này, cũng có không ít các công ty con, tập đoàn nhà nước. Ví dụ như Công ty Vận tải thủy – Vinacomin (WTC). Các công ty này đa phần nếu không nằm trong “họ” sông Đà, Vinaconex, thì cũng thuộc nhóm ngành xây lắp dầu khí, vận tải biển các loại.

Chuyện đưa danh sách cổ phiếu cảnh báo là hoạt động thông thường của các sở giao dịch, nhưng thường thì một vài mã chứng khoán rơi vào tình trạng làm ăn thua lỗ, cổ phiếu giảm quá sâu hay kiểm toán có ý kiến ngoại trừ. Còn trong trường hợp này, danh sách HNX đưa ra có hàng loạt doanh nghiệp, điều đó cho thấy chất lượng niêm yết thực sự có vấn đề khi thời gian qua, các công ty lên sàn để chạy đua theo số lượng.

Điểm chung của những doanh nghiệp này là đều bắt buộc phải niêm yết ở các sàn chứng khoán UPCoM khi trở thành công ty đại chúng theo luật quy định. Nhưng số nhiều các công ty này lại kinh doanh không hiệu quả, dẫn đến việc có quá nhiều cổ phiếu kém “phẩm chất”.

Năm 2017, thống kê của HNX cho thấy, trên sàn UPCoM đã có 285 doanh nghiệp mới đăng ký giao dịch và 11 doanh nghiệp hủy đăng ký giao dịch cổ phiếu. Trong 6 tháng đầu năm, đã có thêm 76 doanh nghiệp đăng ký, nâng tổng số lên 754 doanh nghiệp.

Nguy cơ đốt tiền 'dân chơi': Danh sách điểm mặt chỉ tên từ 'ông chủ sàn'
Các cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch

Sàn giao dịch UPCoM ngày nay đã thay đổi, không chỉ còn là nơi để “thi hành nghĩa vụ” cho những doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Hàng loạt tên tuổi lớn cũng “đăng ký tạm trú” ở đây. Chẳng hạn như Vietnam Airlines (HVN), Tập đoàn Dệt may Vinatex, hay Công ty Cổ phần Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SGN), cũng như hàng loạt ngân hàng cổ phần,…

Sân chơi UPCoM ngày nay cũng sôi động hơn với thanh khoản thị trường tăng mạnh, gần gấp đôi về khối lượng và gấp 2,2 lần về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, với quy mô số lượng doanh nghiệp niêm yết nhiều như thế, chuyện cảnh báo các nhà đầu tư về cổ phiếu “rác” ngày càng trở nên quan trọng hơn, ngay cả ở những sàn được xem là chất lượng hơn như HOSE. Mới đây, Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM đã hủy niêm yết cổ phiếu Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế và Phát triển Đô thị (CDO) vì vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.

Cổ phiếu này trong 3 năm lên sàn đã gây nhiều biến động bất thường về giá, có lúc đạt gần 38.000 đồng/cổ phiếu, nhưng nay chỉ còn mốc 900 đồng/cổ phiếu. CDO cũng là cổ phiếu liên quan đến vấn đề hình sự về việc lãnh đạo thao túng giá.

Nguy cơ đốt tiền 'dân chơi': Danh sách điểm mặt chỉ tên từ 'ông chủ sàn'
Danh sách của HNX cung cấp chia làm 3 nhóm cổ phiếu cảnh báo với nhà đầu tư, gồm 90 mã bị hạn chế giao giao dịch, 9 mã bị đình chỉ giao dịch và 7 công ty có vốn chủ sở hữu nhỏ hơn 10 tỷ đồng.

Còn trong tháng 7, cổ phiếu có “tuổi đời” 7 năm trên HOSE là STT của Công ty Cổ phần Sài Gòn Tourist cũng bị hủy niêm yết bắt buộc vì lỗ lũy kế 3 năm liên tiếp.

Kết quả kinh doanh kém là nguyên nhân phổ biến khiến các doanh nghiệp phải rời sàn trong nhiều năm qua. Đi cùng với tình hình kinh tế biến động mạnh và gặp nhiều khó khăn, không ít cổ phiếu doanh nghiệp trở thành “rác” theo kiểu này.

Quy mô doanh nghiệp quá nhỏ cũng là một vấn đề mà Sở giao dịch lưu ý các nhà đầu tư cần xem xét. Trong lần này, HNX cũng cảnh báo 7 công ty có vốn chủ sở hữu nhỏ hơn 10 tỷ đồng. Còn thống kê của SSI, tính đến hết phiên giao dịch ngày 27/7, có khoảng 41/739 công ty có giá trị vốn hóa nhỏ hơn 20 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, các cổ phiếu “rác” có điểm chung là kinh doanh kém hiệu quả, không thu hút được dòng tiền về, hoặc tạo chiêu trò để kích thích giá cổ phiếu thay vì hấp dẫn bằng hiệu quả kinh doanh. Nhưng một điều quan trọng là cần phải nhận diện được ban lãnh đạo có “thực tâm” đi cùng doanh nghiệp hay không.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : cổ phiếusàn UPComSở giao dịch chứng khoán

Các tin liên quan đến bài viết