Những người dân Lào may mắn sống sót đã kể lại thời khắc kinh hoàng khi họ biết tin nước lũ đang kéo xuống ngôi nhà của họ sau sự cố vỡ đập thủy điện tại tỉnh Attapeu.
 >> Vỡ đập thủy điện tại Lào: “Nước lên nhanh nên không kịp mang gì hết“

Người đàn ông Lào kéo xác con bò bị chết trong nước bùn đỏ (Ảnh: AFP)

Người đàn ông Lào kéo xác con bò bị chết trong nước bùn đỏ (Ảnh: AFP)

Tại những trại sơ tán đông đúc trên khắp tỉnh Attapeu, những người may mắn sống sót đã kể lại khoảnh khắc kinh hoàng khi nước lũ tràn qua ngôi làng của họ. Người dân nói rằng họ chỉ cảnh báo vài giờ trước khi đập vỡ.

Một số người không được cảnh báo trước về thảm họa vỡ đập. Họ tá hỏa bỏ chạy ngay trong đêm, trèo lên những mái nhà, thân cây hoặc dùng thuyền để di chuyển tới nơi khô ráo. Nhiều người thậm chí phải leo lên núi để tìm chỗ đứng cao hơn khi nước lũ tràn về ồ ạt.

“Không ai cảnh báo chúng tôi”, AFP dẫn lời Poosa Duangapai, một người dân sống tại khu vực xảy ra sự cố vỡ đập thủy điện Xe Pian Xe Namnoy tại tỉnh Attapeu, kể lại. Cùng với những người dân khác bị mất nhà cửa khác, Poosa đang ở tạm tại một trại sơ tán được dựng lên trong khuôn viên một trường mầm non.

“Chỉ những người nhìn thấy nước ập đến mới hét lên báo cho chúng tôi biết. Tôi chỉ kịp mang theo một chiếc sarong (trang phục truyền thống của Lào), một chiếc áo và một ít quần áo”, Poosa nhớ lại.

Một người đàn ông Việt Nam sống ở khu vực ngập lụt cho biết loa phát thanh đã cảnh báo người dân làng Ban Mai rằng nước sẽ tràn ra từ đập và thông báo này chỉ được phát đi hai giờ trước khi xảy ra sự cố vỡ đập.

“Từ 21 giờ tối đến 2 giờ sáng, nước dâng lên rất nhanh. Chúng tôi chạy đến căn nhà phía sau, nước bắt đầu dâng lên tầng hai, rồi tầng 3… và sau đó tất cả chúng tôi phải leo lên mái nhà”, ông Tran Van Bien, 47 tuổi, nói với AFP.

“Tôi nhìn thấy một số người trôi nổi trong dòng nước, nhưng tôi không thể làm gì cả. Một số người vẫn còn sống, nhưng một số khác có lẽ đã chết”, ông Bien kể lại.

Thiệt hại nặng nề

Người dân Lào bắt đầu trở về nhà sau khi nước rút. (Ảnh: AFP)

Người dân Lào bắt đầu trở về nhà sau khi nước rút. (Ảnh: AFP)

Vụ vỡ đập xảy ra vào đêm 23/7 được xem là thảm họa khủng khiếp chưa từng có tại Lào. Nơi xảy ra sự cố là một vùng xa xôi hẻo lánh ở phía đông nam Lào, khiến công tác cứu hộ gặp nhiều thách thức trong khi đội cứu hộ không thể tiếp cận nhanh chóng những người bị mắc kẹt. Ngoài ra, khả năng của Lào trong việc tiến hành chiến dịch giải cứu quy mô lớn cũng bị hạn chế.

Theo AFP, 27 người được cho là đã thiệt mạng và 131 người khác vẫn đang mất tích sau sự cố vỡ đập thủy điện Xe Pian Xe Namnoy. Khi nước rút bớt đi, quy mô thiệt hại về người và tài sản bắt đầu lộ rõ hơn.

Sau khi nước rút, người dân ở Hoi Kong bắt đầu trở về nhà hôm 26/7. Những gì còn sót lại sau sự cố vỡ đập là lớp bùn màu đỏ dày đặc bám vào tất cả tài sản của người dân.,Những hình ảnh được chụp lại cho thấy xác bò, lợn trôi nổi trong lớp bùn đặc và người dân phải kéo chúng đi trong lúc dọn dẹp.

“Mọi người đang ở trong tình trạng rất tồi tệ. Thực sự tôi không biết họ sẽ vượt qua sự tàn phá này như thế nào. Họ mất tất cả mọi thứ”, một bác sĩ quân y Việt Nam tham gia đội cứu trợ tại Lào nói với AFP.

Sự cố xảy ra với đập Xe Pian Xe Namnoy được cho là lời cảnh báo cho hàng loạt dự án đập thủy điện tại Lào. Theo số liệu thống kê của Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, nước này hiện có 51 đập thủy điện đang hoạt động với tổng công suất 6.984 MW. Ngoài ra, Lào còn có 46 dự án đập khác đang trong quá trình xây dựng với tổng công suất dự kiến là 6.083 MW, cùng với đó là khoảng 112 dự án đập đang ở giai đoạn phát triển dự án với tổng công suất khoảng 8.612 MW.

Lào có kế hoạch xuất khẩu 2/3 sản lượng từ các nhà máy điện sang các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Campuchia. Chính phủ Lào đã cam kết xuất khẩu 9.000 MW cho Thái Lan và đây cũng là quốc gia nhập khẩu điện lớn nhất của Lào. Nguồn thu từ bán điện chiếm tới 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Lào.

Theo Dân Trí

Từ khóa : đập thủy điệnLàovỡ đập

Các tin liên quan đến bài viết