Thời điểm này năm ngoái, huyện Chơn Thành, Bình Phước – “thủ phủ” cao su giống rất nhộn nhịp. Năm nay, giá giống giảm mạnh, song bà con vẫn sản xuất “lấy công làm lời”.
Giá chỉ bằng nửa năm ngoái
Ông Dương Trọng Quân, Trưởng ấp Hòa Vinh 1 cho biết, năm 2017 ước tính diện tích giống cao su trong ấp lên đến hơn 100ha. Do giá cao, nhiều hộ trúng lớn. Vợ chồng ông kiếm ngót trăm triệu đồng.
Chị Lê Thị Thảo, một chủ một vựa giống cao su lớn ở ấp Hòa Vinh 1 cho biết, gia đình có 5 sào đất, dành hết cho sản xuất giống cao su. Năm ngoái, một bầu hạt cao su có giá hơn 10 ngàn đồng, trong khi vốn chỉ 4 ngàn. Năm nay bắt đầu vào chính vụ xuống giống mà ảm đạm quá.
Gia đình chị Thảo ở xã Thành Tâm, huyện Chơn Thành vận chuyển cây giống giao cho khách |
Còn anh Trần Văn Quới có thâm niên hơn chục năm sản xuất giống ở Thành Tâm cho biết, năm nay anh sản xuất hơn 40 nghìn cây giống. Đến thời điểm này anh đã bán được hơn 20 nghìn cây, nhưng giá giảm chỉ bằng hơn 1 nửa năm ngoái.
“Giá cao su năm nay so với năm trước giảm gần 1 nửa, do năm nay số lượng cây họ làm hơi nhiều so với năm rồi. Tỷ lệ người mua cây giống cũng ít hơn. Với giá này, coi như lấy công làm lời. Nếu phải thuê nhân công, thuê vườn nữa thì lỗ”, anh Quới nói.
Năm 2017 giá cao su tăng nên người dân rục rịch thay diện tích cao su già để trồng mới đã góp phần kích cầu. Các vựa giống cao su tiểu điền ở Chơn Thành lại quay trở về thời điểm “nhà nhà làm cao su giống”.
Ông Lê Văn Hoàn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thành Tâm cho biết: “Ở địa bàn xã Thành Tâm như ấp Hòa Vinh 1 và Hòa Vinh 2, nghề chủ lực là sản xuất cây giống. Nên dù rẻ hay mắc thì nông dân cũng phải sản xuất, để lấy công làm lời. Thực ra lợi nhuận chẳng là mấy, nhưng bà con thì phải tìm việc mà làm. Chúng tôi khuyến cáo bà con sản xuất cầm chừng theo mức độ tiêu thụ của thị trường”.
Cần tỉnh táo khi chọn giống
Hiện ở Chơn Thành mới chỉ có khoảng 20 hộ đăng ký làm cây cao su giống đạt chất lượng. Liệu tình trạng sản xuất cây giống ồ ạt như hiện nay, và với giá cả ngày càng giảm xuống, thì chất lượng cây giống sẽ như thế nào? Trong khi người nông dân không có khả năng nhận diện, phân biệt sự khác nhau của từng giống cây trồng, không thể biết cây có đảm bảo chất lượng hay không.
Một số vựa cao su giống vẫn tiếp tục sản xuất dù thị trường không còn sôi động |
Trước băn khoan này, ông Đoàn Đình Hoan, Phụ trách Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chơn Thành chia sẻ: “Hiện thị trường giống cây trồng nói chung và cao su nói riêng vẫn chưa được kiểm soát tốt, nhiều cơ sở sản xuất giống chưa đảm bảo. Bà con vẫn mua giống qua trung gian hoặc không rõ nguồn gốc. Chính vì thế, chất lượng cây trồng không cao, thậm chí có những vườn cao su 10 tuổi chưa cho mủ.
Để nâng cao chất lượng cây giống cho người nông dân thì cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền cho bà con và các cơ sở giống về ý thức trách nhiệm trong sản xuất giống”.
Cũng theo ông Hoan, thị trường cao su giống khá phong phú chủng loại. Nếu không có kinh nghiệm hoặc mua giống trôi nổi thì rất dễ mua phải giống kém chất lượng. Hiện có một số giống cao su được người trồng ưa chuộng như BP 2-3-5, Lai Hoa 952, PB 260… Mỗi giống có đặc điểm nhận biết riêng, ví dụ BP 235 có đầu lá nhọn, thân màu xanh ngả trắng, Lai Hoa có đầu lá tròn, thân màu xanh đậm…
Theo nhận định của một số hộ kinh doanh cây giống cao su lâu năm, năm 2018 nhu cầu cao su giống sẽ giảm so với năm 2017, vì nhu cầu người trồng trong nước cũng như các nước lân cận đã được đáp ứng phần lớn torng năm 2017. Do đó, nếu sản xuất giống ồ ạt sẽ xảy ra tình trạng cung lớn hơn cầu nhiều. Bán không được hoặc bán lỗ. Chưa kể, sản xuất giống số lượng lớn cũng sẽ dẫn đến tình trạng cây kém chất lượng.
Cây giống bán rong vẫn khá phổ biến |
Ông Trần Minh Đức, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp công nghệ cao Bình Phước, nguyên nhân khiến giá cao su giống năm 2017 tăng, một phần do mộ diện tích khá lớn cao su già cỗi cần thay thế, thị trường cao su giống của Thái Lan giảm mạnh do thời tiết bất lợi và thực hiện giảm sản lượng mủ theo thỏa thuận của Hội đồng Quốc tế cao su 3 bên ITRC (3 nước sản xuất cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới là Thái Lan, Indonesia và Malaysia quyết định cắt giảm sản lượng nhằm cải thiện giá mủ).
“Đã có nhiều bài học kinh nghiệm “xương máu” từ việc chạy theo thị trường, mùa vụ dẫn tới nhiều hộ sản xuất cây giống lâm vào cảnh khốn đốn khi không có dự báo tốt, không nắm chắc thông tin và không theo khuyến cáo của ngành chức năng, không theo quy hoạch… Đang vào vụ cần thận trọng lựa chọn loại giống phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu để SX đạt hiệu quả cao”, ông Trần Minh Đức.
|
Theo nongnghiep.vn