“Còn nhiều mối lo lớn khác và cũng có nhiều cơ hội chưa từng có khác trong nông nghiệp, nông thôn.” – TS. Đặng Kim Sơn.

LTS: Hồi đầu tháng tư vừa rồi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần đầu tiên có cuộc đối thoại với nông dân. Đã có tới gần 1.000 câu hỏi của nông dân cả nước gửi đến. Nhưng chắc chắn khuôn khổ một buổi đối thoại chỉ có thể là bước đà quan trọng, mà để lan tỏa hiệu ứng từ đó sẽ còn cần rất nhiều thảo luận của các ngành, các giới trong xã hội.

Cuộc phỏng vấn của Tuần Việt Nam với TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược Bộ NN&PTNT, cũng không nằm ngoài mục đích này.

‘Mẹ đi giúp việc, bố đi cửu vạn, con cái về đâu?’
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn

Khó vay ngân hàng, nông dân bị “cột” vào thương lái

Để bắt đầu, tôi xin được đi vào một phần chủ đề của chính buổi đối thoại, “tháo gỡ vướng mắc”, mà trước hết là một trong những vấn đề người nông dân băn khoăn nhất – thiếu vốn đầu tư. Có phải vì nông nghiệp là ngành quá rủi ro nên các ngân hàng đều dè dặt cấp tín dụng?

Thực ra, theo nghiên cứu của chúng tôi, nông nghiệp là một lĩnh vực đầu tư có lợi, với tỷ suất đồng vốn/ lãi suất vào loại cao, tỷ lệ cho vay và thu hồi vốn rất cao. Khả năng lan tỏa của đồng vốn vào nông nghiệp rất lớn, không chỉ mang lại hiệu quả tại chỗ, mà còn cho các khâu sau, ví dụ nguyên liệu chế biến, công nghiệp chế biến phát triển lại thành đầu vào cho xuất khẩu hoặc cho chế biến sâu…

Ngoài ra, đầu tư vào nông nghiệp không chỉ vì mục đích kinh tế, mà thời gian qua thành tựu ngành nông nghiệp còn tạo ra tác động lớn nhất cho xóa đói giảm nghèo và đó chính là tiền đề ổn định trật tự xã hội, lãnh thổ, bảo vệ môi trường, ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên ngân hàng, nơi được giao lo vốn, về bản chất là doanh nghiệp, họ phải đảm bảo hai chuyện: có lợi và không có rủi ro. Muốn có lợi, ngân hàng đòi hỏi người vay trình bày rõ phương án đầu tư, khả năng lợi tức, v.v… Chuyện này với nông dân là không dễ dàng, họ chỉ quen làm việc thôi và về thực chất, khác với doanh nghiệp, nông dân không chạy theo lợi nhuận. Nếu lỗ thì họ giảm chi tiêu chứ không bỏ sản xuất.

Thứ hai để tránh rủi ro, ngân hàng nắm lấy thế chấp. Nhà cửa, máy móc hầu như không có, người nông dân chỉ có thể thế chấp bằng sổ đỏ. Khi đã đặt sổ đỏ ở một ngân hàng thì không thể vay ở ngân hàng thứ 2. Mà ngân hàng thường chỉ cho vay ngắn hạn, vay sản xuất hoặc đời sống cho một vụ việc. Những khoản vay dài hạn như mở rộng đất đai, mua sắm máy móc, đổi mới công nghệ… người nông dân không thể vay được, nên không tái sản xuất mở rộng được.

Phải chăng điều đó khiến người nông dân ngày càng phụ thuộc sâu vào thương lái?

Giờ nhiều thương lái đã phát triển lên thành cấp độ đại lý, được hưởng hoa hồng của doanh nghiệp bán vật tư đầu vào. Nông dân mua phân mua giống ứng trước của họ tức cũng chính là vay vốn. Khi có khó khăn, ốm đau, nhà có giỗ đám, con cái đi học đại học thì cũng phải đến đó vay tiền nên thu hoạch xong là lại trắng tay. Sản phẩm làm ra giá cao thấp thế nào cũng phải bán cho họ. Ở nông thôn hôm nay, người sản xuất nông nghiệp bị cột chặt vào đại lý, sản sinh ra cái gọi là “tín dụng đen” với lãi suất rất cao.

Từng có một nhà nông phát biểu rằng, “Tôi thấy ngân hàng cư xử như tiệm cầm đồ”. Nhận định này tuy đau đớn nhưng có lý của nó. Vì đúng ra ngân hàng là doanh nhân kinh doanh tiền bạc. Nhà đầu tư thì phải ngồi với nông dân cùng tính toán, tìm ra chỗ nào có lợi để đầu tư vào, chỗ nào nghi ngờ thì bàn với nông dân tránh ra. Thậm chí không chỉ đầu tư cho sản xuất mà còn đầu tư luôn cho nhà máy để chế biến, đầu tư luôn cho doanh nghiệp xuất khẩu. Cùng làm và cùng hưởng.

Nhìn chung toàn xã hội thì đầu tư cho nông nghiệp là có lợi trên tổng thể, nhưng chính sách của nhà nước chưa giúp ngân hàng khai thác được tác động tổng thể ấy. Bây giờ mặc dù thống đốc ngân hàng, các giám đốc ngân hàng đều sốt ruột thấy tiền nằm trong ngân hàng nhiều, không cho vay ra được, mà nông dân vẫn rất thiếu tiền nhưng bản thân các ngân hàng đang lo sợ vì an toàn của mình nên không ai bỏ công sức tìm cách khai thác tiềm năng nông nghiệp.

Điều phi lý này phải được xử lý, nếu tiền về tay nông dân, nông nghiệp như cây khô được tưới nước, tình thế đầu tư sẽ khác hẳn.

‘Mẹ đi giúp việc, bố đi cửu vạn, con cái về đâu?’
Ảnh minh họa

Như ông nói thì người nông dân rất khó có thể giải quyết được nhiệm vụ Thủ tướng giao là “trước khi trồng cây gì phải biết tiêu thụ ở đâu”? Vậy phải làm sao?

Nông dân Việt Nam là ai? Đó là 48,7% người lao động làm nông nghiệp, nếu tính cả lao động nông thôn là 68% tổng lao động Việt Nam. Họ có quy mô sản xuất chỉ nửa hecta một hộ, chia thành 5-7 mảnh, tuổi trung bình 40-50, học vấn trung bình hết cấp 1, đầu cấp 2, kiến thức nghề có được nhờ cha truyền, con nối, phần lớn không có vốn tái sản xuất mở rộng, làm vụ nào biết vụ đó. Những đối tượng này giỏi sản xuất nhưng đòi hỏi họ làm kinh doanh, biết trước thị trường thì quá sức.

Cho nên nếu thực sự muốn người nông dân đủ khả năng nắm bắt thị trường thì phải làm hai việc. Thứ nhất tạo điều kiện để họ mở rộng qui mô đất đai lên gấp rưỡi, gấp 10 lần, thành kinh tế trang trại. Thứ hai, nếu chưa được vậy thì phải liên kết lại với nhau, mấy chục, mấy trăm hộ liên kết trong HTX thì tôi cấy lúa, anh mới đi bán hàng được. Đây là hiện thực ở các nền kinh tế Đông Á. Thế nhưng ở ta trong suốt 30 năm đổi mới, hai chính sách là xây dựng kinh tế trang trại và kinh tế hợp tác vẫn gặp rất nhiều khó khăn và chưa thành công.

Bởi vậy, muốn người nông dân thực hiện được nhiệm vụ này, Nhà nước phải làm được 3 việc. Một là đưa ra chính sách mở mang kinh tế tiểu nông thành kinh tế trang trại; hai là tạo điều kiện phát triển kinh tế tiểu nông thành kinh tế hợp tác; ba là có giải pháp thu hút được doanh nghiệp về nông thôn hoặc thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, biến anh nông dân thành doanh nhân. Như vậy, ở nông thôn mới có cả người sản xuất và người kinh doanh.

Khi chuyển đổi cơ chế, tình thế cũng “quay ngoắt”

Một trong những khó khăn của nông nghiệp và nông dân Việt phải chăng là việc lấy lại lòng tin, khi mà người tiêu dùng đã quá mệt mỏi, hoang mang trước những vấn đề của vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Những giải pháp được đưa ra cho tới nay dường như chưa chạm đến gốc rễ?

Theo tôi, vấn đề chính vẫn nằm ở cơ chế!

Thời bao cấp chúng ta đi đến đâu cũng bị hành hạ, đi mua hàng thì sợ các chị mậu dịch viên, ra đến bến xe thì bị hãi anh bán vé… Lúc đó chúng ta nghĩ đến đủ thứ, nào là cải thiện đạo đức, nào cải tiến quản lý… nhưng rút cục chẳng ăn thua. Đến khi chúng ta chuyển sang cơ chế thị trường, thay quan hệ xin – cho thành mua – bán thì tình thế “quay ngoắt” 180 độ, người bán chạy theo chiều chuộng người mua hàng.

Hiện nay cũng vậy, mọi hoạt động quản lý thị trường, VSATTP, tiêu chuẩn chất lượng, môi trường,… đều nằm trong tay các cơ quan, do các cán bộ Nhà nước thi hành. Điều đó trong thời bao cấp thì được vì đối tượng quản lý chỉ là các đơn vị sản xuất kinh doanh cũng của nhà nước cấp vốn, nắm kế hoạch, bổ nhiệm người. Nhưng bây giờ đối tượng quản lý là mọi thành phần kinh tế: nông dân, doanh nhân, tiểu thương, đầu tư nước ngoài… Quan hệ quản lý – bị quản lý đã trở thành bất hợp lý.

Cả chục triệu nông dân làm hàng chục triệu mảnh ruộng như thế làm sao Nhà nước biết người ta bón phân, phun thuốc ra sao mà bảo sạch hay bẩn? Rồi trong quá trình vận chuyển tàu xe, giết mổ, pha trộn trong hàng triệu cửa hàng, bán ở hàng vạn chợ búa… có giời biết người ta trộn cái gì vào, dán nhãn mác ra sao? Nhà nước có “ba đầu sáu tay” cũng không quản lý nổi. Rút cục là anh trồng rau làm 2 mảnh ruộng, bà nuôi lợn làm 2 chuồng,… phần sạch để ăn, phần bẩn để bán.

Ở các nước trên thế giới thị trường hiện đại, quan hệ quản lý – bị quản lý phải thay bằng chế độ tự quản của tổ chức hiệp hội và ngành nghề có sự hỗ trợ của nhà nước. Ví dụ hiệp hội người sản xuất rau sẽ kiểm soát, cấp phép cho người trồng rau. Nếu phân hội ở địa phương nào bị phát hiện dùng phân/thuốc trái phép thì cả tổ chức đó bị phạt.

Khi đó, mọi thành viên đều giám sát lẫn nhau. Ai gian dối bị phát hiện bị đuổi khỏi tổ chức, nghĩa là mất nghề. Hội buôn bán tự kiểm soát chất lượng, giá, xuất xứ vật tư, Hội giết mổ tự kiểm soát vệ sinh, an toàn thực phẩm,… Nhà nước và nhân dân cùng làm thì cái tốt thắng cái xấu.

Vì vậy, một xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng 12 gọi là một nền kinh tế thị trường hiện đại thì phải áp dụng các tổ chức kinh tế – xã hội của nền kinh tế thị trường hiện đại, như các hiệp hội, nghiệp đoàn,… của từng đối tượng trong xã hội cùng tham gia quản lý. Chẳng hạn vừa rồi có vụ kiện Việt Nam bán phá giá đều do hiệp hội các nước đứng ra chứ đâu phải chính phủ nước họ. Với Việt Nam cũng thế thôi, có những cái nhà nước, chính phủ không thể làm gì được nhưng hiệp hội làm được.

Sức mạnh của nền kinh tế và quản lý của người dân, cộng đồng phải được phát huy trong cơ chế thị trường và đây là yếu tố mấu chốt đang thiếu trong cơ chế quản lý của chúng ta. Nếu áp dụng cách quản lý đó thì an toàn giao thông sẽ đảm bảo, môi trường sẽ trong sạch, tệ nạn xã hội sẽ thuyên giảm, nhiều sai phạm được sửa chữa chứ không riêng gì VSATTP. Mà bộ máy nhà nước mới gọn đi, lương cán bộ mới tăng lên được.
‘Mẹ đi giúp việc, bố đi cửu vạn, con cái về đâu?’
Ảnh minh họa

Nhiều năm qua chúng ta đã bàn luận về việc làm sao giảm sự phụ thuộc quá mức của nông sản Việt vào thị trường Trung Quốc, dẫn đến tình trạng được mùa mất giá, như đã xảy ra với dưa hấu, thịt lợn. Ông nhìn nhận thế nào về việc này?

Trước hết phải nói thị trường TQ là một thị trường quan trọng, có một thị trường lớn như thế, tăng trưởng nhanh như thế, gần kề như thế là quá tốt. Nếu không có một thị trường như vậy, nông nghiệp Việt Nam gay go từ lâu rồi, vì suốt thời gian quá dài, chúng ta sản xuất chỉ có sản phẩm rẻ, chất lượng thấp, cho một thị trường rất dễ tính.

Có điều phải lấy đó làm bệ phóng, làm điểm tựa khởi động để đi xa hơn, chứ nếu mắc vào đấy, sống nhờ nó thì muôn đời nghèo đói. Quy mô của nó quá lớn, biến động của nó mạnh nên hàm chứa cả cơ hội lẫn thách thức. Bản thân thị trường TQ cũng chia thành rất nhiều mảng, thị trường Quảng Tây, Quảng Đông, Vân Nam, Quý Châu… là nghèo nàn đơn giản, nhưng cũng có thị trường ở Thẩm Quyến, Thượng Hải, Bắc Kinh… là thị trường “high end”, chất lượng cao và tốc độ đô thị hóa, trung lưu hóa là khủng khiếp.

Chúng ta không nên phụ thuộc vào bất cứ thị trường nào dù thuận lợi đến đâu, phải đa dạng hóa thị trường, muốn có giá trị cao phải đi vào những thị trường khó tính hơn. Hiện chúng ta đang mở được những thị trường rất tốt với Mỹ, Châu Âu, Bắc Á, Australia. Tôi nghĩ đây là con đường đúng và chúng ta phải đi, song song đó là với thị trường TQ cần đẩy từ tiểu ngạch lên chính ngạch, từ nông thôn, miền núi lên thị trường đô thị và các khu công nghiệp lớn, từ buôn qua trung gian sang bán đến đối tượng cuối cùng.

Mối lo hiển hiện của dân tộc

Những khó khăn của nông nghiệp, nông dân mà chúng ta bàn từ đầu đến nay, cũng như những khó khăn hàng ngày khác mà người nông dân phải đối mặt như thiếu thị trường, thiếu đất, khoa học công nghệ, rủi ro thiên tai dịch bệnh… đã được nhắc đến nhiều. Nhưng còn những khó khăn dài hạn, sâu xa, mà không phải ai cũng có thể nhìn rõ, song tác động vô cùng lớn?

Theo tôi, khó khăn dài hạn nổi bật lâu dài cho nông thôn là vấn đề xử lý lao động. Hiện nay mỗi năm chúng ta có hơn 1 triệu lao động ra khỏi nông thôn. Trong khi công nghiệp hầu như không thu hút được lao động, các cơ quan nhà nước đang thu hẹp lại.

Vậy họ đi đâu? Phần lớn, đi làm trong lĩnh vực “lao động phi chính thức”: giúp việc nhà, cửu vạn, xe ôm, thợ xây dựng, buôn bán… Nghe ra thì có vẻ tốt, họ vẫn tìm được việc làm, thu nhập tốt hơn làm nông, nhưng tất cả đều là việc “bán chính thức”, không ổn định, không có hợp đồng. Nghĩa là tương lai họ bất định. Mẹ đi làm giúp việc, bố đi làm cửu vạn, đến thế hệ con cái họ phát triển ra sao?

Tất nhiên do không đóng thuế thì cũng không có bảo hiểm, tức là khi hưu trí, xảy ra tai nạn, thai sản họ sẽ không có chế độ gì để sống. Trong 40 triệu người ở đây, sau hơn 10 năm, mới có chưa tới 1% đóng bảo hiểm tự nguyện. Ngay với số ít người có việc làm trong doanh nghiệp bây giờ, chỉ có 36% doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Nhiều công nhân ở các khu công nghiệp mới ngoài 35 tuổi đã bị đẩy ra rồi, lực lượng lao động to lớn lại trở thành gánh nặng xã hội.

Tới đây sẽ thêm “cú đòn” của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, máy móc tự động sẽ đẩy hàng loạt công nhân các nhà máy công nghiệp gia công lắp ráp ra đường. Theo tổ chức Lao động Thế giới thì 86% của 3,3 triệu lao động dệt may và giày dép Việt Nam sẽ có nguy cơ mất việc cao thời gian tới và không chỉ có họ. Đây là chuyện chưa từng có trong quá trình công nghiệp hóa.

Như vậy, lực lượng lao động nông thôn thì khổng lồ sẽ đi về đâu? Đất đai nông nghiệp đã quá hẹp lại không tách nổi lao động ra thì sản xuất lớn, cơ giới hóa làm sao được? Tôi nghĩ đó là mối lo lớn nhất, không chỉ cho sinh kế mà còn là mối lo cho môi trường, xã hội. Thật ra việc gắn lợi quyền của giai cấp lao động với các tầng lớp khác là lý tưởng cuộc đấu tranh của những người cộng sản kéo dài hàng trăm năm cho đến mô hình “phát triển bao trùm” hôm nay.

90 năm trước Nguyễn Ái Quốc đã viết cuốn sách “Đường Cách mệnh” chỉ ra rằng việc tổ chức các hiệp hội, nghiệp đoàn là quyền lợi, là giải pháp tốt nhất để người lao động bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Đã đến lúc chính thức hóa lao động phi chính thức bằng cách đổi mới căn bản cách tổ chức và hoạt động của các hội đoàn quần chúng từ những tổ chức hành chính hóa, các hiệp hội ngành nghề do các cán bộ về hưu điều hành không giúp nhiều cho người sản xuất kinh doanh thành những tổ chức thực sự của người lao động và vì người lao động.

Vấn đề thứ hai là thiên tai, thảm họa. Mọi người thường nhắc đến tình trạng biến đổi khí hậu như “chuyện trăm năm”. Thế nhưng thực trạng đang xảy ra ở ĐBSCL là, hằng năm, mức nước ngầm rút xuống, đồng bằng sụt xuống 2 cm, 10 năm 20 phân, 100 năm 2 m, mà độ cao ĐBSCL chỉ hơn mực nước biển 2-4m. Như vậy, không đợi hàng trăm năm, mà chỉ trong một đời người, ĐBSCL sẽ tụt xuống mất một mảng lớn. Lãnh thổ đất nước chưa bao giờ đương đầu nguy cơ lớn như thế tại nơi cả 20 triệu người sinh sống.

‘Mẹ đi giúp việc, bố đi cửu vạn, con cái về đâu?’
Hai người đàn ông đắp bờ ngăn nước biển vào nhà tại ấp Chà Và (Lâm Hải, Năm Căn, Cà Mau), vùng đất thấp nhất ĐBSCL

Trên vùng đất nông nghiệp trù phú nhất nước, nhất vùng này, hiện đang là nơi di cư cơ học lớn nhất cả nước, thanh niên bỏ đi hết. Đây là vùng duy nhất trong cả nước âm về mặt dân số. Bây giờ nó sụt lún như thế thì chuyện gì sẽ xảy ra? Người dân nông thôn, thậm chí nhiều quan chức chưa lo lắng mối lo hiển hiện của dân tộc này.

Khi phát hiện các nguy cơ tương tự, lập tức chính phủ các nước trên thế giới đều áp dụng ngay các chính sách bảo vệ nghiêm khắc: phân vùng, định mức và giám sát nghiêm ngặt việc khai thác nước ngầm; thu tiền nước ngầm, phạt khi khai thác quá mức,… chính sách này không chỉ thấy ở các nước phát triển mà cả ở Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia…. Việt Nam hầu như chưa có động thái gì.

Còn nhiều mối lo lớn khác và cũng có nhiều cơ hội chưa từng có khác trong nông nghiệp, nông thôn. Những chuyện tôi vừa kể có thể người dân đã nói ra, cũng có thể chưa biết để nói, nhưng đó là những vấn đề cần xử lý căn bản, không chỉ cho nông dân mà chính là cho cả đất nước.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : đồng bằng sông Cửu Longngười lao độngnông dânthực phẩm bẩnthương lái Trung Quốc

Các tin liên quan đến bài viết