Các chuyên gia kinh tế cho biết, dữ liệu phân tích chứng tỏ các đòn trừng phạt gắt gao nhằm vào Triều Tiên đang gây tác động nặng nề.
Tạp chí FT trích dẫn các ước tính từ Ngân hàng trung ương Hàn Quốc cho thấy, vào năm 2017, nền kinh tế Triều Tiên co hẹp với tốc độ nhanh chưa từng có trong 20 năm qua, khi các lệnh trừng phạt quốc tế vì chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng bắt đầu phát huy tác động.
Thời gian gần đây, Chủ tịch Kim Jong Un liên tục đi thị sát các dự án xây dựng và trách mắng các quan chức địa phương vì sự chậm trễ |
Tổng sản phẩm quốc nội của Triều Tiên giảm 3,5% trong năm 2017 so với năm trước đó, khi tốc độ tăng trưởng được xác định 3,9%. Đây là sự sụt giảm lớn nhất kể từ mức 6,5% năm 1997 khi Triều Tiên hứng chịu nạn đói.
Ngân hàng Hàn Quốc cho biết, thương mại của Triều Tiên với bên ngoài trượt 15% xuống còn 5,6 tỷ USD năm ngoái, với xuất khẩu giảm 37,2%. Xuất khẩu các mặt hàng than, khoáng sản và dệt may bị ảnh hưởng lớn vì cấm vận quốc tế. Bên cạnh đó, đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên là Trung Quốc cũng hành động cứng rắn hơn trong việc thực thi cấm vận vào nửa cuối năm 2017.
Thu nhập bình quân đầu người hàng năm của Triều Tiên hiện chỉ ở mức 1,5 triệu Won (1.300 USD) so với mức 33,6 triệu Won của người Hàn Quốc.
“Tổng mậu dịch nước ngoài giảm mạnh vì lệnh cấm xuất khẩu than, thép, hải sản và hàng dệt may”, FT dẫn lời Shin Seung-cheol, một quan chức ngân hàng Hàn Quốc bình luận.
Nhiều nhà phân tích tin rằng tình cảnh kinh tế quốc gia quá khó khăn đã khiến ông Kim Jong Un phải ngồi vào bàn đàm phán giải trừ hạt nhân. Trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Singapore hôm 12/6, ông đã nhất trí sẽ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên để đổi lấy các đảm bảo an ninh và viện trợ kinh tế.
Nguồn: vietnamnet