Tổ chức Động vật châu Á vừa tài trợ 65.000 USD cho Vườn quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk) để chuyển đổi mô hình du lịch sử dụng voi tại đây, với mục đích du khách sẽ không cưỡi voi như hiện nay.
Sau khi Vườn quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk) chuyển qua mô hình du lịch thân thiện, voi sẽ được phép di chuyển tự do trong khu vực này hằng ngày, không bị xích chân kể cả khi không có du khách; voi không bị còng hai chân trước, hoặc bị xích vào ban đêm…
Sáng 15-7, ông Nguyễn Tuấn Linh, quyền giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn, cho biết gói hỗ trợ kéo dài trong 5 năm (2018 – 2023) nhằm tăng phúc lợi cho voi, phục vụ công tác bảo tồn tốt hơn. Theo thỏa thuận, trong 10 ngày kể từ ngày ký, Tổ chức Động vật châu Á sẽ chuyển 13.000 USD cho năm đầu tiên trong tổng gói hỗ trợ…
Vừa làm vừa vận động cùng thay đổi
Ông Linh cho hay sau khi ký kết, Vườn quốc gia Yok Đôn có nhiệm vụ thay thế du lịch cưỡi voi và những trải nghiệm trực tiếp tác động tới voi bằng mô hình du lịch sinh thái, thân thiện với voi. Ngoài ra vườn phải cam kết không sử dụng voi cho các hoạt động cưỡi voi, lễ hội, các sự kiện cộng đồng hay các trải nghiệm khác mà Tổ chức Động vật châu Á cho rằng có thể ảnh hưởng tới phúc lợi của voi.
“Đây sẽ là đơn vị đầu tiên áp dụng mô hình này nhằm mở rộng chương trình ra toàn tỉnh, cả nước sau này. Tuy nhiên, việc thay đổi nhận thức du khách, chủ voi là cả một quá trình dài, không đơn giản. Chỉ còn cách vừa làm vừa vận động cộng đồng cùng tham gia, thay đổi” – ông Linh nhận định.
Theo ông Thanh, khoản 65.000 USD nhằm hỗ trợ những năm đầu để vườn quốc gia chuyển đổi mô hình, cải tạo cơ sở hạ tầng phục vụ khách du lịch. Bên cạnh đó, kinh phí cũng nhằm đào tạo thêm cho nhân viên hướng dẫn. Về lâu dài, ông Thanh cho rằng có thể đơn vị và vườn sẽ đưa chủ, nài voi ở Đắk Lắk vào làm việc trong mô hình du lịch thân thiện, từ đó chuyển đổi hoàn toàn.
Ủng hộ nhưng phải đồng bộ
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà – giám đốc khu du lịch Thanh Hà (Buôn Đôn, Đắk Lắk), đơn vị cũng có voi phục vụ du khách – cho biết hoàn toàn ủng hộ mô hình du lịch thân thiện với voi. “Hiện đơn vị của chúng tôi vẫn phải phục vụ khách nhưng khống chế số người, thời gian cưỡi voi (5-10 phút) để bớt ảnh hưởng đến sức khỏe của voi” – bà Hà thông tin. Tuy nhiên, bà Hà bày tỏ: “Tôi ủng hộ nhưng chương trình phải triển khai đồng bộ trên toàn tỉnh. Chứ nếu nơi chuyển đổi, chỗ vẫn cho cưỡi sẽ rất khó. Nếu chúng ta chuyển đổi hoàn toàn, người dân sẽ thay đổi nhận thức”.
Ông Đỗ Quang Tùng – quyền cục trưởng Cục kiểm lâm, nguyên giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn – nói thêm từ lâu vườn đã chuyển đổi dần sang hình thức du lịch thân thiện với voi. “Một thực tế ở Yok Đôn, du khách nước ngoài vào tham gia du lịch trải nghiệm khá nhiều và ý thức bảo vệ động vật của họ khá cao. Họ chỉ theo chân kiểm lâm, nài voi đi tìm dấu chân voi, đưa voi ra sông tắm, cho ăn và chụp ảnh cùng chúng…”.
Một vấn đề khác được ông Tùng đặt ra là hiện nay ở Buôn Đôn rất ít dịch vụ đi kèm nên du khách chỉ đến để cưỡi voi, nhưng sẽ dễ chán. Vì vậy, ngoài việc phải thay đổi nhận thức của người sở hữu, rất cần mở thêm các dịch vụ về voi. “Từ kinh nghiệm của Vườn quốc gia Yok Đôn, nếu các nơi mở thêm các dịch vụ khác như đi tìm dấu chân voi, tắm với voi, cho voi ăn… sẽ hấp dẫn hơn” – ông Tùng góp ý.
Trả tiền để xem voi sống hạnh phúc
Tin voi ở Vườn quốc gia Yok Đôn có thể được thả vào rừng đi tìm cỏ, bầu bạn, du khách chỉ nhìn ngắm thay vì ngồi trên lưng voi thật sự là một tin tốt lành với cộng đồng quốc tế và những người quan tâm đến số phận loài voi Tây Nguyên (chủ yếu ở Đắk Lắk). Sự suy kiệt của loài voi không đơn thuần là những hình ảnh gây xót xa, nhức nhối, mà thể hiện từ những con số: nếu những năm trước 1975 đàn voi nhà của Đắk Lắk có khoảng 200 con thì nay chỉ trên dưới 40 con. Thực trạng những chú voi đang còn sống này không thể thảm hại hơn: con cụt đuôi, con gầy trơ xương, có con còn ghi dấu những đòn tra tấn thúc giục làm việc.
Trong khi số voi nhà đang chết yểu dần thì đàn voi rừng cũng chẳng khá hơn. Nguồn thức ăn ít dần, rừng bị chặt trụi khiến những cuộc hành trình đi tìm cái ăn của voi càng trở nên bất trắc. Thực tế mỗi năm có không ít voi hoang dã bị chết, có con mới nhú ngà, khi đi tìm cỏ đã dính bẫy thợ săn và bị cưa ngà nằm chết bên thảm cỏ.
Nhiều khách khi lên Đắk Lắk – chứng kiến những chú voi sống kham khổ, khi cõng khách thì lặc lè dò dẫm bước uể oải, nhưng lúc được vứt cho một nắm cây mía thì lao tới ngoạm lấy ăn ngon lành – đã nói thẳng rằng họ sẽ không trở lại. Có lẽ họ không muốn chứng kiến thêm cảnh ấy, hoặc cũng tự thấy rằng ngày nào mình còn muốn cưỡi voi thì voi sẽ còn bị bắt phục vụ.
Nhiều năm qua đã có những sự đấu tranh cả về mặt truyền thông lẫn hành động nhằm giải phóng cho voi Tây Nguyên. Sự ra đời của Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk năm 2012 đã nhen nhóm lên hi vọng loài voi sẽ được đặt sự quan tâm, tôn trọng đúng nghĩa, các cuộc thăm viếng điều trị của các nhà khoa học hàng đầu quốc tế mỗi khi có voi Đắk Lắk lâm nạn cũng thường xuyên hơn…
Nhưng mọi nỗ lực sẽ không mang lại nhiều hiệu quả nếu vấn đề gốc rễ không được giải quyết: không thể phân biệt đối xử với voi, xem voi là công cụ, trong khi voi có trí khôn, có cảm xúc, biết buồn vui, biết mệt mỏi. Voi đâu phải là cỗ máy để sáng cõng khách, tối về lại phải khó nhọc mang dây xích vào rừng kiếm ăn.
Cách nhìn nhận đó đã được các nước quản lý nhiều voi như Thái Lan, Sri Lanka… thống nhất từ lâu. Thay vì trả tiền để được cưỡi voi, khách du lịch sẽ bỏ tiền để nhìn thấy voi sống hạnh phúc trong rừng ở khoảng cách từ xa. Đó cũng là hình thức du lịch bền vững, văn minh và căn cơ mà Việt Nam phải nghiêm túc nhìn nhận, tiếp thu và tiến tới áp dụng cho đàn voi nhà ít ỏi còn sót lại.
Khi hơn 40 chú voi đang sống khó nhọc, già yếu dần tại các gia đình, doanh nghiệp thì quyết định ký với Tổ chức Động vật châu Á có thể sẽ khởi đầu cho việc cởi bỏ hoàn toàn gánh nặng lao động của toàn bộ số voi nhà Tây Nguyên. Dù số voi của Vườn quốc gia Yok Đôn chỉ có vài ba con, nhưng cách thể hiện sự quyết tâm giải thoát này sẽ gieo những tín hiệu tốt lành, thúc đẩy nỗ lực bảo tồn voi và mở ra hình thức du lịch kết hợp bảo tồn bền vững trong các buôn làng dọc sông Sêrêpôk.
Nguồn: tuoitre.vn