Thôn 9, xã Long Bình (Phú Riềng) có 8 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 70% số dân. Thôn cách xa trung tâm xã, đất rộng, người thưa, đường đi lại khó khăn, tình hình an ninh trật tự có nhiều diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, năm 2001, Ban điều hành thôn phối hợp với Ban công tác mặt trận và các chi hội đoàn thể thành lập Tổ thanh niên xung kích gồm 6 thành viên để bảo vệ an ninh trật tự khu dân cư.

Ông Triệu Sỉn Sáng, Trưởng thôn 9 cho biết: Năm 2011, Tổ thanh niên xung kích được đổi tên và thành lập 2 tổ an ninh nhân dân tự quản, mỗi tổ có 30 thành viên. Tổ an ninh nhân dân thôn 9 tuần tra ngày 3 lần vào trưa, chiều và đêm. Khi thấy người lạ vào thôn thì theo dõi, phát hiện trường hợp vi phạm sẽ đánh kẻng và tổ chức vây bắt. Tùy theo mức độ vi phạm để xử lý theo hương ước, quy định của thôn, nếu vụ việc phức tạp báo Công an xã xử lý theo thẩm quyền.

Ngoài ra, Tổ an ninh nhân dân tự quản còn thường xuyên phối hợp với Ban điều hành thôn phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; tuyên truyền, vận động mọi người nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng tham gia đấu tranh chống các loại tội phạm. Tổ phân công từng thành viên gặp gỡ, giúp đỡ, động viên, kết hợp cùng gia đình cảm hóa, giáo dục các đối tượng thanh thiếu niên có biểu hiện vi phạm pháp luật để họ ngày càng tiến bộ; ghi nhận phản ánh của nhân dân có liên quan đến tình hình an ninh trật tự. Tổ còn chủ động liên hệ với Công an xã để được hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cũng như quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đề xuất với chính quyền biểu dương khen thưởng kịp thời những điển hình trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, gương người tốt, việc tốt để mọi người phấn đấu noi theo.

Tổ an ninh tự quản thôn 9, xã Long Bình và lực lượng Công an tỉnh tại nhà văn hóa thôn

“Trước đây, khi chưa có tổ an ninh tự quản, cứ đến mùa thu hoạch nông sản, nhà nào ở thôn cũng đối mặt với nạn trộm cắp. Đến nay, tình trạng trộm cắp gần như không còn. Hiện nay, trong thôn mỗi khi tổ chức hội họp hay có việc đột xuất, ban thôn đều thông báo bằng hiệu lệnh kẻng, qua đó người dân trong thôn biết được họp nội dung gì. Cụ thể: khi có việc họp đột xuất, ban thôn sẽ đánh kẻng ngũ liên vào buổi sáng; khi nghe tiếng kẻng vào buổi trưa là báo hiệu có hỏa hoạn hoặc chống cháy; còn khi nghe tiếng kẻng vào buổi tối, người dân trong thôn đều chuẩn bị cùng tổ an ninh tham gia bắt trộm…” – ông Hoàng Ngọc Kím, thôn 9 nói.

Ông Trịnh Sư Minh, Tổ trưởng Tổ an ninh tự quản thôn 9 cho biết: Từ năm 2012-2016, mô hình an ninh tự quản của thôn luôn được các cấp, ngành trong huyện và Công an tỉnh đánh giá cao, là điển hình trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” ở cơ sở. Trong nhiều năm liền, địa bàn thôn không có tội phạm hình sự xảy ra, các vụ mâu thuẫn nhỏ trong nhân dân đều được tổ kết hợp hòa giải thành công, không để xảy ra tình trạng khiếu kiện vượt cấp, nhân dân đoàn kết chung sức giữ gìn an ninh trật tự.

Với những kết quả đạt được trong hoạt động, năm 2015, mô hình “Tổ an ninh nhân dân tự quản” thôn 9 vinh dự được báo cáo tham luận tại hội nghị trao đổi kinh nghiệm về công tác phòng, chống tội phạm và phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” đối với các tỉnh có đường biên giới trên đất liền, do Ủy ban Trung ương MTTQVN phối hợp với Bộ Công an, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng tổ chức tại tỉnh Long An. Năm 2016, thôn 9 vinh dự được đón nhận danh hiệu văn hóa 5 năm liền (2011-2016).

T.Phước (BPO)

Từ khóa : ấpdân phốdân tộcĐồng Bàonhân dânthôntự quản

Các tin liên quan đến bài viết