Nhà thờ Phường Đúc – TP Huế đang dùng một chiếc chuông rất kỳ lạ, theo kiểu “hồn Trương Ba, da hàng thịt”: hình dáng lẫn mọi chi tiết hoa văn theo kiểu nhà Phật, song âm thanh lại ngân dài kiểu tiếng chuông nhà thờ.

Bảo vật lưu lạc của nhà chùa: “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” - Ảnh 1.

Nhà thờ Phường Đúc( Huế) 

Tiếng chuông kỳ lạ

Chúng tôi ghé nhà thờ Phường Đúc trong một sự hiếu kỳ về việc nhà thờ đang dùng một chiếc “chuông chùa chính hiệu”, bởi từ trước đến nay ở Huế có khá nhiều câu chuyện lưu truyền liên quan đến xuất xứ quả chuông ở nhà thờ Phường Đúc.

Có chuyện kể vào thời thuộc Pháp, các vị quan Tây đi lùng sục các chùa thấy chiếc chuông đẹp nên thu giữ rồi đưa qua nhà thờ Công giáo.

“Tiêu cực” hơn, còn có câu chuyện chuông vốn bị kẻ cắp chôm của một ngôi chùa danh tiếng nào đó, đem lên bán đồng nát cho thợ đúc, thấy đẹp, các cha cố giáo xứ Phường Đúc mua về…

Nhà thờ Phường Đúc nằm trên đường Bùi Thị Xuân của Huế tạo ấn tượng đặc biệt bởi bức tượng Jesus có con chim bay trên vai ngay giữa sân. Đó là hình ảnh chúa thánh thần ngự xuống trong hình dáng bồ câu sau khi đức Jesus chịu phép rửa ở sông Jordan.

Bên phải giáo đường là một ngôi nhà rường ba gian hai chái hơn trăm tuổi, mái ngói liệt thẫm màu tuyệt đẹp, vốn là nơi nhóm họp của giáo xứ.

Trời nhá nhem, những giáo dân cũng vừa mở cửa để vào lễ chiều và đồng ý để chúng tôi thoải mái tiếp cận chiếc chuông treo ngay bên lối vào.

Trăm nghe không bằng một thấy, chiếc chuông đẹp ngoài tưởng tượng. Hình thức đại hồng chung cao 125cm, đường kính miệng 62cm, đúc rất dày, dễ nặng đến vài tạ.

Cuốn hút hơn cả là những hình chạm đúc “hoàn toàn Phật giáo” trên chuông rất tinh xảo với những đường nét rất có hồn.

Đó là những ô hộc trang trí bằng đường diềm hoa văn mây gần như cách điệu từ cánh sen, những kỷ hà chữ “vạn” nối tiếp quanh thân, hình ảnh rồng chầu ngọn lửa và bát bửu cổ quý, mặt trời tỏa rạng, các quẻ của bát quái và sóng nước vờn quanh.

Một cụ giáo dân chỉ cho chúng tôi thấy “đẳng cấp” của quả chuông nằm ở quai: “Cháu có thấy đó là rồng năm móng không? Ở bên lương (người không theo đạo) ngày xưa chỉ có đồ của nhà vua mới dám đúc rồng năm móng thôi. Trên đó, người ta đã cắt đi một chân rồng, và đó chính là sự đặc biệt của chiếc chuông này”.

Quan sát kỹ toàn bộ bốn chân của hai đầu con bồ lao làm quai chuông đều có năm móng như cụ già bảo. Đồng thời, một trong bốn chân ấy cũng đã bị cắt mất một đoạn, dấu cưa cũng cổ như bề mặt chuông.

Cụ già cầm chiếc búa gỗ đánh cho chúng tôi nghe mấy tiếng. Thật lạ lùng, tiếng chuông vang dài theo kiểu tiếng chuông nhà thờ chứ không vang trầm, âm vọng như nhiều chuông chùa mà chúng tôi từng nghe.

Nhà nghiên cứu văn hóa Lê Thọ Quốc đi cùng thốt lên: “Rõ ràng đây là đại hồng chung kiểu Phật giáo mà lại vang tiếng kiểu nhà thờ. Điều này quá ư đặc biệt!”.

“Tiếng chuông nghĩa là tiếng Chúa. Ở đây chiếc chuông vốn dùng cho Phật giáo được sử dụng cho Công giáo, đó là ý nghĩa hội nhập văn hóa rất có giá trị!

Linh mục TRẦN VĂN QUÝ

Bảo vật lưu lạc của nhà chùa: “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” - Ảnh 3.

Chiếc “chuông chùa” đang được dùng báo lễ tại nhà thờ Phường Đúc

Chuông của nhà chùa

Linh mục quản giáo xứ Phường Đúc là ông Dương Quang Niệm. Ông Niệm về đây mới mấy năm nên không biết gì về “lai lịch nhà chùa” của quả chuông.

Theo lời giới thiệu, chúng tôi tìm gặp một vị linh mục từng quản xứ mấy chục năm trước. Vị này cho biết thời còn quản xứ, từng có các sư nhà Phật đến xem và khẳng định quả chuông do nhà thờ mua của một ngôi chùa.

Nhưng ông không đồng ý quan điểm trên vì cho rằng có mấy chữ trên chuông ghi là của giáo xứ Phường Đúc.

Ông nói: “Tui tin chuông nớ làm thời những vị thừa sai Pháp, họ không có quan điểm gì về những chuyện như rồng 5 móng tượng trưng cho thiên tử. Nhiều khả năng họ đặt thợ đúc làm, và những người thợ chỉ có mẫu khuôn quen nên làm như vậy thôi”.

Tìm hiểu thêm trong giáo xứ, nhiều cụ già kể chúng tôi nghe chuyện xuất xứ của quả chuông.

Cụ Ngô Sao, một giáo dân 90 tuổi, cho hay: “Chuông ni khi kia ở bên đời (ý bên Phật giáo), chùa đánh không kêu, họ bán, nhà thờ tới mua. Khi mua về, có ai đó bày cưa một chân, rứa là đánh kêu. Tui biết chuyện vì nghe mấy ông xưa họ nói lại rứa!”.

Cụ thể hơn, cụ Nguyễn Văn Hưởng, một giáo dân 71 tuổi, nói: “Nghe người xưa kể lại, chuông vốn của chùa Thiên Mụ. Nhưng đúc xong, đánh không kêu nên họ vứt xuống sông Hương. Có người thợ lặn vớt lên đem sang bán cho thợ đúc ở Phường Đúc. Thấy chuông đẹp, người Công giáo mua lại!”.

Các cụ giới thiệu chúng tôi gặp linh mục Trần Văn Quý, người am hiểu về lịch sử giáo xứ vì có thời gian dài quản xứ ở đây, hiện đang ở Tòa tổng giám mục giáo phận Huế.

Sau nhiều lần tìm gặp, linh mục Quý khẳng định ngay với chúng tôi: “Đó vốn là chuông của nhà chùa do giáo xứ mua lại! Trong 17 năm quản xứ, tôi quý nhất là cái chuông. Bởi vì nó là chuông cổ tuyệt đẹp, có giá trị, trên mình lại khắc chữ Nôm truyền thống của nước Việt mình, một điều hiếm thấy trong giáo hội Công giáo”.

Cha Quý cho biết lược sử giáo xứ Phường Đúc lẫn văn chuông chữ Nôm ghi rõ việc mua, giá cả, thời điểm lẫn số tiền và những người đóng góp mua chuông.

Cha kể: “Hồi đó trong giáo xứ cần có cái chuông để gióng lên báo hiệu trong nội bộ giáo xứ và gọi giáo dân đi lễ. Mọi người dò hỏi thì biết một ngôi chùa có một cái chuông bị điếc, người ta muốn bán. Trong họ nói với cố bổn sở (linh mục quản xứ người Pháp) đi mua. Ông ấy nói “mua chuông điếc về làm chi?”.

Một người trong ban giúp việc nói: “Đem chuông về con sẽ làm cho hắn kêu”. Rứa là mua với giá 1.260 tiền!”.

Bảo vật lưu lạc của nhà chùa: “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” - Ảnh 4.

Hoa văn chữ vạn, biểu tượng Phật giáo trên chuông 

“Tự sự ca” của chuông

Theo linh mục Trần Văn Quý, nguồn gốc của quả chuông được xác thực sau khi ông nhờ nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh dịch bài Minh chuông tự sự ca chữ Nôm trên chuông:

Bấy lâu giáo hữu Trường An (tên cũ của giáo xứ Phường Đúc); một lòng ao ước định bàn sắm chuông… Ất Mùi niên hiệu nhất thiên; Bát bách cửu thập ngũ niên tiết hè; Có tin chuông bán vừa nghe; Trình cố bổn sở toan bề đi mua; Cha con ý hợp tâm phù; Giúp cho vàng bạc để lo sự thành; Ngàn hai ắt giá đã thành; Gia thêm sáu chục ngoại hành các nơi; Tháng tư mồng chín tối trời; Chở về đến bến mọi người mừng vui…”.

Ngoài nội dung khẳng định việc mua chuông, văn chuông còn có đoạn thơ về tiền góp: “Cố bổn sở cho được sáu trăm; Ba cha trong họ cúng ba trăm; Anh em nội hội ba trăm sáu; Vừa đủ mua chuông để tiếng tăm“, đề ngày 9-4-1895.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : chuôngngôi chùanhà thờPhường Đức

Các tin liên quan đến bài viết