Khoảng 10 năm trở lại đây, diện tích quýt đường tại một số xã trên địa bàn huyện Bù Đốp tăng đáng kể bởi đây là một trong những loại cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Trong đó nhiều nhất là xã Thanh Hòa với 30 ha.
Dọc tuyến sông Bé, người dân ấp 5, xã Thanh Hòa có điều kiện thuận lợi để canh tác cây quýt đường. Cả ấp có trên 50 hộ trồng quýt. Hộ ít nhất cũng có vài sào, hộ nhiều lên đến trên 10 ha. Tiêu biểu như hộ anh Nguyễn Văn Lùng trồng hơn 12 ha quýt, mỗi năm gia đình anh thu hàng tỷ đồng và giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi tại địa bàn. Anh Lùng cho biết: Mới đầu, tôi trồng thử nghiệm 300 gốc. Vụ đầu tiên tôi thu về hơn 20 tấn trái, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận trên 200 triệu đồng. Năm 2012, tôi mở rộng diện tích lên 12 ha, hiện đã có 4 ha cho thu hoạch. Với giá quýt hiện dao động từ 20-40 ngàn đồng/kg, 4 ha quýt đường tôi thu nhập gần 1 tỷ đồng.
Anh Nguyễn Văn Lùng ở ấp 5, xã Thanh Hòa trong vườn quýt của gia đình
Nhận thấy triển vọng từ cây quýt đường, Hội Nông dân xã Thanh Hòa đã tập hợp các hộ trồng quýt trên địa bàn xã thành lập tổ liên kết (14 ha) trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với 6 thành viên. Thay vì trước đây hộ nông dân trồng quýt theo hướng tự phát, tự cung, tự cấp thì nay các yếu tố đầu vào sản xuất và đầu ra sản phẩm trở nên dễ dàng. Bên cạnh đó, nhà nông được học tập trao đổi kinh nghiệm sản xuất và tiếp cận khoa học – kỹ thuật từ Trạm Khuyến nông huyện. Ông Nguyễn Văn Kỳ (1963, ấp 5, xã Thanh Hòa) thành viên tổ liên kết quýt đường cho biết: “Tham gia tổ liên kết, được hỗ trợ vốn đầu tư phát triển sản xuất, được giao lưu học hỏi kinh nghiệm từ thực tế liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm nên thành viên rất hứng khởi và gắn bó với tổ. Quan trọng nhất là các thành viên thường xuyên trao đổi kinh nghiệm nên năng suất và chất lượng vườn quýt ngày càng nâng cao, tiêu thụ dễ hơn. Vì thế, thu nhập của người trồng quýt cũng dần ổn định”.
Đức Trung (BPO)